Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng chia sẻ rằng: “Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”, câu nói ấy như một lời nhắc nhở đến các thế hệ sau về sự cần thiết trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. “Văn hóa dân tộc” có thể hiểu là những giá trị tốt đẹp của một dân tộc, cả về mặt vật chất lẫn tinh thần, được tồn tại qua hàng nghìn năm và góp phần tạo nên sự khác biệt, bản sắc tinh túy, đặc trưng của con người đất Việt. Nét văn hóa riêng biệt ấy tựa như một ấn tủy riêng trong cốt cách của mỗi con người, tạo nên một nền văn hóa xứ sở khác nhau qua mỗi vùng miền - một “vườn hoa văn hóa” trăm hoa đua nở và góp bao hương sắc cho cuộc sống. Vì vậy, việc giữ gìn và phát huy các truyền thống văn hóa là vô cùng quan trọng và giúp ích rất nhiều cho sự tồn tại và phát triển của mỗi quốc gia. Trước hết, việc trân trọng những giá trị truyền thống văn hóa ấy sẽ giúp ta bảo tồn và nuôi dưỡng được những tinh hoa ngàn năm của dân tộc, tôn vinh những vẻ đẹp của quê hương xứ sở, những bản sắc vốn có và cái cốt cách riêng của dân tộc mình.
Ta nhớ đến chương trình “Việt Nam đa sắc” trên VTV từng có sự xuất hiện của bà Mai Thị Trà - Nghệ nhân ẩm thực cung đình Huế đã dành 50 năm để truyền lại những món ăn Huế xưa đến thế hệ sau, bà Trà đã vô cùng tâm huyết, tỉ mỉ, chỉn chu và khi nói đến các món ăn với vẻ ngoài bắt mắt, tinh tế, người nghệ nhân ấy đã chia sẻ: “Người Huế không chỉ ăn bằng miệng, họ ăn bằng cả ngũ quan”. Không chỉ vậy, trân trọng những giá trị truyền thống của dân tộc còn góp phần giúp ta thể hiện sự tôn trọng, biết ơn đến lịch sử, đến nguồn cội và đến cả những con người bình dị đã kiến tạo nên một vùng văn hóa xứ sở cho ta. Hẳn ai cũng còn nhớ về từng dòng thơ, mà Nguyễn Khoa Điềm đã từng tỉ tê tâm sự “Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi/Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha/Ôi Đất Nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy/Những cuộc đời đã hóa núi sông ta” (Trường ca Mặt đường khát vọng).
Hơn thế nữa, việc biết trân trọng chính văn hóa, nguồn cội của mình còn giúp ta khẳng định được vị thế của đất nước, đồng thời thể hiện được trách nhiệm của mỗi người con đất Việt, giúp ta bộc lộ tình yêu quê hương xứ sở, tạo nên sự bền vững, đoàn kết lại của tinh thần dân tộc. Đồng thời, đó còn là biểu tượng cho sự kết nối của bao thế hệ, tạo nên sức mạnh cộng hưởng vĩ đại. Có thể thấy rằng, văn hóa dân tộc tựa một chiếc thuyền nan, chuyên chở bao tinh túy đã được kết tinh lâu bền của một vùng văn hóa đất Việt, trôi chảy qua từng dòng thế hệ mà lan tỏa bao tinh hoa đến từng thời đại, chạm trổ vào mỗi cá nhân một ấn kí thiêng liêng, khắc chạm nên một hệ tư tưởng riêng biệt cho từng quốc gia, dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi/Soi đường cho sự phát triển, tiến bộ của xã hội, của mỗi quốc gia, dân tộc trong hành trình xây dựng và phát triển”, điều ấy đủ để cho thấy văn hóa đã thật sự giúp sức cho đất nước, để nước Việt ta có thể trở nên thịnh vượng, phồn vinh và hạnh phúc hơn mỗi ngày.
Vậy nên, nếu mỗi người chúng ta đều có cho mình ý thức trân trọng truyền thống văn hóa thì hẳn sẽ khơi dậy được một làn sóng nhận thức và nâng cao được giá trị của dân tộc mình và hơn hết là giá trị của chính bản thân chúng ta. Tuy vậy, thật đáng buồn khi vẫn có những cá nhân còn bàng quan với văn hóa, chưa thật sự quan tâm và biết trân trọng đến cội nguồn hay những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; họ luôn thờ ơ hay thậm chí còn có những người có tư tưởng sính ngoại thái quá, xuyên tạc lịch sử, phá hoại hình ảnh đẹp của văn hóa và còn có những hành vi hạ thấp giá trị tại chính nơi mình được sinh ra, không nhận được sự đồng thuận từ mọi người và luôn cô đơn và có khi thất bại trên chính hành trình của bản thân. Tuy nhiên, song song việc trân trọng những giá trị văn hóa, ta cần có ,sự chọn lọc đúng đắn, không nên giữ khư khư những loại hình hủ tục, lỗi thời, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của mọi người xung quanh. Là một người trẻ, tôi luôn tự dặn lòng phải có ý thức trân trọng, biết ơn đến những giá trị tốt đẹp của truyền thống dân tộc, luôn chung tay tuyên truyền, học tập để phát huy, duy trì những giá trị tốt đẹp ấy. “Hồ mã tê bắc phong, Việt điểu sào nam chi”, con ngựa rợ Hồ thấy gió bắc còn cất tiếng kêu, con chim đất Việt chọn cành nam mới chịu làm tổ, huống chi con người mà lại quên được nguồn gốc ư?
(Nguyễn Thanh Thảo, Lớp 12A1, THPT Long Xuyên, Thành phố Long Xuyên, Tỉnh An Giang)
Xem thêm: Âm nhạc và NLXH: Double2T và những lời rap ý nghĩa