Những dấu hiệu trẻ F0 chuyển nặng cần liên hệ y tế, nhập viện ngay

Trẻ quấy khóc không chịu chơi, co giật, sốt cao liên tục trên 39 độ, thở bất thường... là những dấu hiệu chuyển nặng mà phụ huynh cần liên hệ y tế ngay để đưa con vào viện cấp cứu.

Đỗ Thu Nga
11:31 07/03/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Những dâu hiệu trẻ F0 chuyển nặng theo hướng dẫn của Bộ Y tế

Bộ Y tế vừa ban hành infographic hướng dẫn chăm sóc tại nhà đối với trẻ em mắc COVID-19. Trong đó, Bộ Y tế có nhấn mạnh những dấu hiệu chuyển nặng ở trẻ F0 mà cha mẹ cần lưu ý. Cụ thể là:

Đối với trẻ F0 dưới 5 tuổi

Dấu hiệu đầu tiên cần lưu tâm là về tinh thần, trẻ quấy khóc không chịu chơi, không hóng chuyện hoặc li bì, hoặc co giật. Trẻ sốt cao liên tục trên 39 độ C, khó hạ thân nhiệt bằng các phương pháp như dùng thuốc hạ sốt, chườm hay lau người bằng nước ấm, hoặc sốt không cải thiện sau 48 giờ. Bên cạnh đó, trẻ thở nhanh hơn so với tuổi: trẻ dưới 2 tháng tuổi thở bằng hoặc hơn 60 lần/phút; trẻ từ 2 tháng đến dưới 12 tháng tuổi thở bằng hoặc hơn 50 lần/phút; trẻ từ 12 tháng đến 5 tuổi thở hơn hoặc bằng 40 lần/phút. Trẻ biểu hiện thở bất thường như khó thở, thở phập phồng cánh mũi, co kéo hõm ức, cơ liên sườn...

Nhung-dau-hieu-tre-F0-chuyen-nang-can-lien-he-y-te-nhap-vien-0

Một số dấu hiệu khác liên quan đến mất nước ở trẻ như: môi se, mắt trũng, khát nước, đái ít... Da bé tím tái, nôn mọi thứ, không bú được hoặc không ăn, không uống được, đo chỉ số SpO2 dưới 96%. Ngoài ra, trẻ mắc thêm các bệnh khác như: sốt xuất huyết, tay chân miệng... hay bất kỳ tình trạng bất ổn nào cần cấp cứu, cha mẹ liên hệ cơ sở y tế lập tức.

Đối với trẻ trên 5 tuổi

Các triệu chứng bất thường như sau: Cảm giác khó thở; ho thành cơn không dứt; không ăn uống được; sốt cao không giảm hay sốt không cải thiện sau 48 giờ; nôn mọi thứ; đau tức ngực; tiêu chảy; trẻ mệt, không chịu chơi; chỉ số SpO2 <96%; thở nhanh: nhịp thở của trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi hơn hoặc bằng 30 lần/phút, trẻ từ 12 tuổi hơn hoặc bằng 20 lần/phút; thở bất thường co kéo hõm ức, liên sườn... Bất kỳ tình trạng bất ổn nào của trẻ em mà thấy cần cấp cứu.

Bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 đưa ra các dấu hiệu trẻ F0 cần nhập viện?

Dưới đây là chi tiết các dấu hiệu nhận biết trẻ bị F0 chuyển nặng cần nhập viện do bác sĩ Nguyễn Mạnh Cường - Chuyên khoa Nhi - Bệnh viện Quân y 103 chia sẻ:

- SpO2 < 94-96%, trẻ nhỏ thường đo ngón chân cái nếu ngón tay không đo được. Nếu không đo được sẽ quan sát môi bé, 2 cánh mũi, móng tay có bị nhợt nhạt không? Nếu có cần nhập viện.

- Sốt cao (> 38,5 độ C) hoặc hạ thân nhiệt (< 36 độ C). Sốt khó hạ khi phối hợp cả Paracetamol và Ibuprofen; Sốt cao có tiền sử co giật.

- Co giật: bé co giật, mất ý thức trong cơn, tay chân co quắp,…

- Nôn nhiều (≥ 4 lần trong 1 giờ hay ≥ 6 lần trong 4 giờ). Nôn nhiều dẫn đến mất nước, mất điện giải gây nguy hiểm tính mạng.

Nhung-dau-hieu-tre-F0-chuyen-nang-can-lien-he-y-te-nhap-vien-4

- Bú kém, đặc biệt là bỏ bú dài. Theo đó, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quý giá nếu bé bỏ bú là mất nguồn cung năng lượng.

- Cử động ít (chỉ cử động khi kích thích hoặc không cử động) hoặc li bì khó đánh thức hay quấy khóc nhiều - biểu hiện thiếu oxy não, tổn thương hệ thần kinh trung ương.

- Bé thở nhanh (trẻ nhỏ hơn 2 tháng: nhịp thở > 60 lần/ phút; 2 - 11 tháng: nhịp thở > 50 lần/ phút; 1 - 5 tuổi: nhịp thở > 40 lần/phút; lớn hơn 5 tuổi: nhịp thở > 30 lần/phút);

Cánh mũi phập phồng theo nhịp thở hoặc thở rên; Thở có tiếng rít hoặc khò khè; Tím tái môi, tai, đầu tay chân; Bé thở gắng sức: co kéo cơ gian sườn, phải cố gắng thở.

- Đi ngoài phân lỏng tóe nước > 3 lần/ngày (phân lỏng hoặc tóe nước cần gọi bác sĩ ngay); Tiêu chảy kéo dài ≥ 14 ngày; Tiêu chảy có máu trong phân.

- Thóp phồng (phía trước đỉnh đầu) nghĩ đến bệnh lý thần kinh.

- Chảy mủ tai (do viêm tai giữa, rách màng nhĩ).

- Mắt trẻ bị viêm tấy hoặc chảy mủ.

- Mụn mủ da nặng hay nhiều mụn mủ (≥ 10 mụn mủ).

- Rốn trẻ sưng tấy hoặc chảy mủ.

Điều trị cho trẻ F0 thế nào?

Dùng thuốc hạ sốt khi nhiệt độ 38,5 độ C trở lên, thuốc thường dùng là paracetamol liều 10-15mg/kg/lần, uống hoặc đặt hậu môn, cách tối thiểu 4-6 giờ nếu cần nhắc lại. Khi mất nước do sốt cao, tiêu chảy, mệt mỏi, dùng thuốc cân bằng điện giải. Khuyến khích trẻ uống nhiều nước, nước trái cây hoặc oresol. Nếu trẻ không muốn uống oresol có thể thay thế bằng nước đun sôi để nguội, nước trái cây. Không sử dụng các dung dịch nước ngọt công nghiệp (không sản xuất từ hoa quả) để bù nước.

Tăng cường dinh dưỡng cho bé, ăn uống đủ chất, trái cây tươi, rau xanh. Dùng các thuốc điều trị triệu chứng khi cần thiết, như ho thì uống thuốc giảm ho; ngạt mũi, sổ mũi dùng xịt rửa mũi, nhỏ mũi bằng dung dịch natriclorua 0,9%; tiêu chảy uống men vi sinh, men tiêu hóa.

Nhung-dau-hieu-tre-F0-chuyen-nang-can-lien-he-y-te-nhap-vien

Trẻ đang dùng các thuốc điều trị bệnh nền theo đơn ngoại trú của bác sĩ thì tiếp tục sử dụng theo hướng dẫn. Cha mẹ không tự ý cho trẻ dùng thuốc kháng virus, kháng sinh, kháng viêm... khi chưa có chỉ định của nhân viên y tế. Không xông cho trẻ em.

Thời gian cách ly, điều trị với trẻ nhỏ là đủ 7 ngày. Kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính Covid-19 do nhân viên y tế thực hiện hoặc do người chăm sóc, trẻ tự thực hiện tại nhà. Sau 7 ngày kết quả xét nghiệm còn dương tính thì tiếp tục cách ly đủ 10 ngày đối với người đã tiêm đủ liều vaccine.

Xem thêm: Trẻ F0 từ sau ngày 1/1/2022 có được hỗ trợ 1 triệu đồng không?

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận