Người xưa nói "tiểu phú do nhân, đại phúc do thiên", nhưng có người lại nói "đại phú nhờ vào mệnh, tiểu phú nhờ vào cần".
Hai câu này đều mang ý nghĩa, một người có thể trở thành đại phú hay không là do ông trời đã định, chúng ta không có cách nào thay đổi được. Trong đó, một người trở thành tiểu phú - người có cuộc sống khá giả thì cần phải có nỗ lực cá nhân, cần kiệm mà thành.
Tạm hiểu rằng, trong mệnh mình có cái gì thì dù hiện tại chưa như ý nhưng sau này mình cũng sẽ được hưởng mà thôi, ngược lại, trong mệnh không có thì dù có cưỡng cầu cũng vô ích.
Ví như ai có số trung lưu, do có phước tích từ kiếp trước nên dù thế nào cũng không đến nỗi nghèo đói. Nếu họ gặp vấn đề sẽ có quý nhân phù trợ. Song bản thân dù có gắng hết sức thì cũng ở mức no đủ, không lên đến đại phú được.
Còn số nghèo thì có thẻ dùng ý chí để cải thiện số mệnh, nhưng khi cố gắng thì hay gặp trắc trở không thuận lợi như người khác, cứ hay lận đận, không làm thì không trông chờ được giúp đỡ, cố gắng hết sức thì cũng dừng ở mức tiểu phú;.
Người có số đại phú, họ thường được đưa tới những cơ hội để không ngừng vươn lên, tiền bạc đổ về. Họ muốn ngừng làm việc cũng không được.
Thông qua câu nói này, người xưa muốn nhắc nhở con cháu rằng: Hiện tại dù thế nào cũng không quá quan trọng, chưa giàu thì cũng đừng buồn sầu, giàu rồi cũng đừng vội kiêu căng. Dù bạn là ai cũng cứ cố sống cần kiệm, liêm chính, làm tốt việc của mình là đủ.
Lời dặn trên cũng đề cao việc chúng ta sống cần kiệm nhằm đảm bảo cuộc sống an vui, tránh xa nghèo khó nhưng cũng phải biết điều. Trang Tử dạy, phải biết đủ để tâm thôi mệt mỏi. Vì thậm chí trường sinh bất lão hay của cải chất đầy có khi cũng là vô nghĩa.
Sống ở đời đừng mong một phút lên tiên, phút mốt trở thành đại gia. Bởi phúc đức của ta cũng chỉ nằm trong giới hạn nào đó. Lễ ký của Khổng Tử có viết: "Dục vọng bất khả phóng túng" (Dục vọng, ham muốn không thể phóng túng) cũng là để khuyên mọi người sống biết đủ, chớ đuổi theo những dục vọng đời thường mà tự đẩy mình vào hoạn nạn.
Mỗi cá nhân chỉ cần chăm chỉ làm lụng thì dù nhiều dù ít, chắc chắn cũng sẽ kiếm được tiền, đảm bảo cuộc sống. Tiêu ít hơn số tiền mình kiếm được (cũng chính là không sử dụng hết phước đức của mình tạo ra) thì lâu dần tích tiểu thành đại, cuộc sống no đủ.
Nhất thời ta có thể nghèo khó, nhưng sẽ không vĩnh viễn nghèo khó. Cứ chăm chỉ làm tròn phận sự, nỗ lực làm tốt mỗi việc mình đảm trách, năng lực sẽ không ngừng đề cao lên, dần gọt giũa bản thân thông qua lao động hăng say.
Một tấm gương mà chúng ta có thể thấy đó là Gia Cát Lượng cho đến chết cũng cần kiệm, những quý tộc thời ông qua đời thường chôn theo vàng bạc, đá quý nhưng trong phần mộ của ông chỉ có cỗ quan tài, quần áo ông mặc thường ngày.
Khi còn sống, Gia Cát Lượng đã để lại cho con trai ông là Gia Cát Chiêm một bức thư dạy con rằng phải lấy tĩnh tu thân, lấy cần kiệm để dưỡng đức, sống đạm bạc để trí tuệ được khai thông, ý chí được rèn giũa. Câu nói: "Lấy tĩnh tu thân, lấy cần kiệm để dưỡng đức" cho đến nay vẫn là danh ngôn quý giá được người đời truyền lại cho muôn đời sau.
Xem thêm: “Đầu mộ có dao, con cháu khó trừ”: Ý của người xưa là gì?