Người lái đò sông Đà: Vẻ đẹp của một dòng sông chữ

Nhưng tác giả Người lái đò Sông Đà cũng không phải con người duy mĩ. Ta trọng sự tinh tế của ông trong cảm thức vể cái đẹp... 

Đỗ Thu Nga
13:00 17/07/2024 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Và khi trong thiên tùy bút của Nguyễn Tuân mái chèo của ông đò vừa ngừng chống nhau cùng thác đá thì dòng sông Đà bỗng nhiên đổi vẻ. Lời văn của Nguyễn bây giờ cũng bềnh bồng với bầu trời mùa xuân mùa thu, nơi tác giả từ trên tàu bay mà nhìn xuống “từng nét sông tãi ra trên đại dương đá lờ lờ bóng mây dưới chân mình”. Để từ đó, bậc du tử tài hoa đã vẫy bút vẽ ra cả một bức tranh thuỷ mặc chỉ trong một câu văn, cái câu sẽ còn vương vấn mãi trong hồn bao bạn đọc: “Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc, chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở họa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân”.

Nếu được phép tỏ bày ý thích riêng, thì quả thực, cảm tình của tôi có phần được đặt nhiều hơn vào đoạn tả con sông Đà trữ tình này. Làm sao có thể không yêu lối viết của Nguyễn trong cái khúc nói về cái lần nhà văn “nhìn Sông Đà như một cố nhân”. Lúc đầu, chỉ là cảm giác còn mơ hồ về một sự “thèm chỗ thoáng”, do “ở rừng đi núi cũng đã hơi lâu”, thậm chí còn “quên đi mất là mình sắp đổ ra Sông Đà”. Rồi con sông hiện ra, nhưng chỉ một chút thôi, loang loáng như nghịch ngợm, đúng là cảm giác về cái nhìn con sông thấp thoáng, xa xa của con người còn phải bộ hành trong rừng cây, trên đèo dốc. Chợt kịp khi nhận ra được dòng sông – người bạn cũ thì sao mà nó sâu xa, ngơ ngẩn thế, trong cái ánh “yên hoa tam nguyệt” đọng sắc hoe hoe vàng tự thuở Đường thi. ít nhiều còn hiểu được vì sao cái vui gặp lại sông Đà cố nhân nó giống như “nối lại chiêm bao đứt quãng”. Nhưng thật khổng biết tại làm sao tác giả lại cảm giác được “nắng giòn tan… ”? Chỉ biết khi ba chữ ấy đã viết ra rồi thì rõ là không thể nào đúng hơn, hay hơn, không thể nào đổi khác. Và cứ thế, cái “đằm đằm âm ấm” của nắng mùa xuân trên dòng sông xuân lâu ngày gặp lại nó dư sức làm thấm thía thêm niềm hạnh phúc được sống trên mặt đất này.

nguoi-lai-do-song-da-ve-dep-cua-mot-dong-song-chu

Nhưng kì diệu hơn nữa, theo tôi, là đoạn văn bắt đầu từ câu viết: “thuyền tôi trôi trên Sông Đà”. Câu văn viết toàn thanh bằng, đẹp như một lời thơ. Mà đoạn văn xuôi ấy, sao tôi thấy nó thơ hơn nhiều lắm so với bao nhiêu bài thơ tôi đã đọc. Chắc phải có người thơ nào thèm muốn tạo được sự lặng lẽ đầy mơ mộng của một mũi đò lừ lừ trôi giữa đôi bờ hoang dại, cái lặng lẽ tuyệt đối để ru hồn người vào cái ảo giác về bờ sổng tiền sử, vể một nỗi niềm cổ tích hay hoài niệm về thời Lí thời Lê… Và là cái lặng lẽ mơ màng đến độ con người chờ mong một sự giật mình để rũ mình ra khỏi giấc mơ xưa mà không được. Mùa xuân dòng Đà giang được nhà văn cho e ấp tỏ mình qua mấy lá non nhú lên trên một nương ngô và những nõn búp cỏ gianh đồi núi. Rồi con hươu, mới tuyệt làm sao hình ảnh “con hươu thơ ngộ ngẩng đầu nhung khỏi áng cỏ sương”. Nhẩm lại lúc viết Sông Đà, Nguyễn Tuân đã đến bờ tuổi ngũ tuần, và kể thì hồn văn ấy đã già từ Vang bóng một thời, từ Một chuyến đi. Nghĩ thế lại càng thấy quý cái bờ ngỡ non tơ đến tuổi năm mươi lại nảy lộc trong nhà văn bên một dòng sông, một cuộc đời mới mẻ.

Và cảm xúc đáng quý ấy cứ du dương mãi trong tôi vói những âm thanh văn xuôi rất đáng gọi là “nên câu tuyệt diệu”: “Hỡi ông khách Sông Đà có phải ông cũng vừa nghe thấy một tiếng còi sương?”. “Đàn cá dầm xanh quẫy vọt lên mặt sông bụng trắng như bạc rơi thoi… Dòng sông quãng này lững lờ như nhớ thương những hòn đá thác xa xôi để lại trên thượng nguồn Tây Bắc”… Tôi cảm thấy chiếc bè thơ kết bằng những câu văn xuôi ấy đem lại cho mình một thứ nhã thú văn chương mà phải nói rằng cũng còn hiếm gặp ở trong đời.

Nhưng tác giả Người lái đò Sông Đà cũng không phải con người duy mĩ. Ta trọng sự tinh tế của ông trong cảm thức vể cái đẹp. Nhưng qua thiên tuỳ bút, ta hiểu ràng cái còn đáng trọng hơn nữa của ông vẫn là tình yêu thiết tha thiên nhiên đất nước, là sự tôn kính công sức Lao Động của Con Người.

(Tác giả bài viết: Nhà giáo Đỗ Kim Hồi)

Xem thêm: 3 bài viết hay về phong cách nghệ thuật trong "Người lái đò sông Đà"

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận