Người đàn ông khuyết tật dám thay đổi bản thân để thích nghi với cuộc sống
Không chỉ đánh bại nghịch cảnh, anh Mẫn còn khát khao vực dậy nghề làm chữ bằng mốp xốp để có nguồn thu nhập ổn định.
Không may mắn như bao người khác khi cơ thể bị khiếm khuyết nhưng anh Thái Minh Mẫn (khu phố Quyết Thắng 2, phường Khánh Hậu, TP.Tân An, tỉnh Long An) đã nỗ lực vươn lên, tự lập trong cuộc sống.
Trò chuyện với chúng tôi, gương mặt anh Mẫn méo xệch đi, giọng nói bị ngắt quãng. Câu chuyện cũng vì thế mà phải gián đoạn nhiều lần. Anh Mẫn kể, duyên phận đã cho anh gặp gỡ chị Nguyễn Thị Hồng và bắt đầu xây dựng tổ ấm tại quận 12, TP.HCM. Chị Hồng cũng có cuộc đời bất hạnh, từ nhỏ đã rong ruổi từ Bắc vào Nam theo cha mẹ mưu sinh bằng nghề bán vé số.
Tự lập bằng đôi bàn tay trắng với những người bình thường đã khó, đối với người khuyết tật như anh Mẫn và chị Hồng càng khó hơn bội phần. Không buông xuôi, phó mặc cho số phận, vợ chồng anh Mẫn vẫn kiên cường vượt qua khó khăn. “Trước đây, tôi bán vé số để trang trải cuộc sống. Tình cờ thấy người ta làm chữ bằng mốp xốp, tôi thích quá nên học theo. Ban đầu, tôi cắt bằng dao rọc giấy nhưng mất nhiều thời gian và công sức nên tôi sử dụng cái bàn lọng để cắt chữ” - anh Mẫn chia sẻ.
Kinh tế gia đình phụ thuộc vào nghề cắt chữ bằng mốp xốp để trang trí cưới hỏi của anh Mẫn. Thời điểm đó, nghề làm chữ bằng mốp xốp giúp anh Mẫn kiếm được kha khá tiền. Mỗi ngày, anh làm được 5-7 bộ chữ vu quy, tân hôn, đính hôn,... hoặc có thể nhiều hơn, tùy đơn đặt hàng của khách. Mỗi bộ chữ như vậy, anh Mẫn bán được 70.000 đồng. Thế nhưng, khó khăn chồng chất khó khăn khi chị Hồng chẳng may bị tai biến, cơ thể vốn yếu ớt vì khuyết tật nay lại suy kiệt hơn. Bệnh tật ập đến chưa lâu thì dịch Covid-19 bùng phát, không thể xoay xở cuộc sống hàng ngày, anh Mẫn quyết định bán căn nhà cha mẹ để lại. Sau đó, anh Mẫn cùng vợ và con trai Thái Minh Châu về phường Khánh Hậu, TP.Tân An tìm kế mưu sinh với ước mong cuộc sống ổn định hơn.
Rời nơi gắn bó máu thịt, hành trang anh Mẫn mang theo là nghề cắt chữ bằng mốp xốp và cái bàn lọng đã gắn bó với anh suốt 10 năm qua. Anh Mẫn cho biết: “Về Long An, tôi làm lại từ đầu. Hàng ngày, tôi cùng vợ rong ruổi bán vé số. Tối về, tôi mày mò cắt chữ, tô màu để bán kiếm thêm thu nhập”. Ngày nào cũng vậy, cứ hơn 5 giờ sáng, vợ chồng anh Mẫn lại đi bán vé số. Chiếc xe máy 3 bánh là "người bạn đồng hành" cùng vợ chồng anh trên mọi nẻo đường.
Với anh Mẫn, gia đình nhỏ là động lực to lớn giúp anh vượt qua mọi khó khăn. Nhìn con trai lớn lên khỏe mạnh, ngoan hiền, hiểu chuyện, vợ chồng anh không khỏi vui mừng. Con trai của anh Mẫn rất chăm học nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, năm lớp 11, em phải ngừng việc học ở trường và chuyển qua học nghề sửa xe để thay cha gánh vác gia đình.
Nói về tấm gương vượt khó của anh Thái Minh Mẫn, Trưởng khu phố Quyết Thắng 2, phường Khánh Hậu, TP.Tân An - Hà Văn Nên cho biết: “Gia đình anh Mẫn chuyển về sống tại địa phương 3 năm nay. Dù bị khuyết tật nhưng vợ chồng anh Mẫn luôn vượt khó. Mỗi người một hoàn cảnh nhưng bằng nghị lực, vợ chồng anh Mẫn đã cố gắng lao động, vươn lên trong cuộc sống”.
Khiếm khuyết hay bất hạnh không là nguyên nhân khiến anh Mẫn gục ngã mà là động lực giúp anh thay đổi bản thân để thích nghi với cuộc sống. Mong ước lớn nhất của anh Mẫn bây giờ là vực dậy nghề làm chữ bằng mốp xốp và được nhiều khách hàng biết đến. Vì chỉ có sống trọn với nghề và thỏa sức sáng tạo mới giúp anh Mẫn có nguồn thu nhập ổn định hơn./.
(Theo Báo Long An)
Xem thêm: Nghị lực phi thường của người phụ nữ 8X và dự án thiện nguyện tâm đắc "Cùng em đến trường"
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận