Nghị lực phi thường của nhà giáo một chân
Bằng nghị lực phi thường cô giáo một chân người dân tộc Tày đã đứng vững trên bục giảng, vững vàng đưa bao chuyến đò cập bến bờ tri thức...
Cách đây hơn 20 năm, đang ở thời tuổi xuân phơi phới với bao mơ ước hoài bão thì cô Nông Thị Việt Nhung, giáo viên trường Tiểu học Trần Phú (thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái), gặp bạo bệnh, phải cắt bỏ một chân. Những tưởng tương lai đổ sập trước mắt nhưng bằng nghị lực phi thường, cô giáo người dân tộc Tày này đã đứng vững trên bục giảng, gắn bó với nhiều thế hệ học trò và đạt danh hiệu Nhà giáo ưu tú.
Sinh ra và lớn lên ở huyện miền núi Lục Yên của tỉnh Yên Bái, cô Nông Thị Việt Nhung đã sớm yêu nghề giáo từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông. Để thực hiện ước mơ của mình, cô đã đi theo học ngành Sư phạm rồi trở về công tác trên mảnh đất quê hương.
Vạch ra cho mình lộ trình phấn đấu trong nghề, cô Nhung không ngừng nỗ lực nhưng căn bệnh thoát bao hạch dịch ở ổ khớp chân đã lấy đi một chân của cô. Hơn 20 năm nay, cô bước đi tập tễnh trên chiếc chân giả.
"Khi nghe chỉ định của bác sĩ rằng tôi phải cắt bỏ một bên chân, tôi rất tuyệt vọng. Bao dự định còn dang dở sẽ phải gác lại. Nhưng khi bình tâm, tôi đã tự động viên mình phải vươn lên, không để bản thân tuyệt vọng như vậy.
Ngày đầu tập đi với chiếc chân giả bố tôi đóng cho bằng hai cây tre nhỏ để tôi vịn vào đó, bước chân chưa quen điểm tiếp giáp bị trầy xước, đau tưởng không nhấc nổi chân nhưng tôi vẫn quyết tâm để bước đi như thể mình chưa từng bị mất đi một phần cơ thể. Khi đi làm trở lại, tôi được phân công làm việc chưa đúng chuyên môn, lương thấp, cuộc sống vô cùng khó khăn", cô Nhung nhớ lại.
Nhưng rồi tình yêu với bài giảng, với học trò đã khiến cô quên đi những thiệt thòi mà số phận mang đến. Cô chuyên tâm vào nghiên cứu, tìm tòi phương pháp truyền đạt mới, nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và tăng tương tác với học sinh để cô và trò luôn có những tiết học vui, hiệu quả.
Năm tháng qua đi, mỗi ngày, cô lại tích góp cho mình thêm nhiều kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng truyền đạt cho học sinh. Cô đã đưa ra nhiều sáng kiến như: "Rèn kỹ năng giải toán 5", "Một số biện pháp bồi dưỡng học sinh giỏi môn Tiếng Việt", "Rèn đọc cho học sinh lớp 4 theo hướng phát triển năng lực", "Một số biện pháp nâng cao năng lực viết văn miêu tả cho học sinh lớp 4"…
Bằng những nỗ lực, quyết tâm và đam mê với nghề, cô luôn được nhà trường tín nhiệm, học sinh tin yêu. Nhiều năm, cô được tín nhiệm phân công dạy bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi của nhà trường và nhiều em đã đạt được thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi.
Hiện nay, cô Nhung đang là tổ trưởng tổ chuyên môn. Cô và các đồng nghiệp luôn xác định việc giảng dạy cần có sự trau dồi, đổi mới phương pháp.
Với những thành tích đã đạt được, năm 2017, cô giáo Nông Thị Việt Nhung đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Thời điểm đó, cô Nhung là người trẻ tuổi nhất tỉnh Yên Bái đạt được danh hiệu cao quý này. Cô cũng vinh dự là đại biểu tiêu biểu của tỉnh tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X năm 2020.
"Nhận được những danh hiệu, bằng khen, tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào. Tôi luôn tự nhắc mình cần phải cố gắng hơn nữa, cuộc sống không cho ai hết tất cả nhưng cũng không lấy đi hết của ai. Số phận tôi không được may mắn nhưng tôi được làm công việc mình đam mê, ngày ngày được làm việc cùng các đồng nghiệp, vui với học trò", cô Nhung tâm sự.
(Theo PNVN)
Xem thêm: Nghị lực phi thường của người mẹ trẻ mắc K giai đoạn cuối
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận