Lý luận văn học: Dấu ấn riêng của người sáng tác trên trang thơ 

"...Hãy mang con mắt thời đại anh để nhìn trời mưa cũ/ Nếu không, dù anh có tuôn xuống trăm câu, nghìn chữ/ Cũng thừa”.

Đỗ Thu Nga
10:00 03/05/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

“Vô vàn thi nhân trước anh đã viết về mưa

Mắt anh chả còn hồn nhiên đâu sau nhiều từ ngữ

Khéo cơn mưa anh viết bây giờ là cơn mưa của họ

Chiếc võng thơ anh chửa lên nằm, nó đã đung đưa

Này, thời đại anh có cái gì khác chứ?

Hình như anh có cả cơn mưa lửa

Hãy mang con mắt thời đại anh để nhìn trời mưa cũ

Nếu không, dù anh có tuôn xuống trăm câu, nghìn chữ

Cũng thừa”

(Chế Lan Viên toàn tập, NXB Văn học, 2002)

ly-luan-van-hoc-dau-an-rieng-cua-nguoi-sang-tac-tren-trang-tho-0

Dưới những “cơn mưa cũ” là hiện thực cuộc sống đã và đang qua; trước những nỗi đời in hằn nơi số phận con người qua năm tháng, người nghệ sĩ không được nhìn chúng bằng lăng kính cũ kĩ, thiển cận, lấy quan niệm cũ lấp đầy hiện thực trong thời đại mới, thời đại mình đang sống. Bởi cuộc sống là hành trình không ngừng tiến lên, như bông hoa không ngừng bung toả từng cánh mỏng để rực rỡ dưới ánh dương, người sáng tác phải đánh giá, nhìn nhận tất cả bằng cái nhìn, cách đánh giá mới mẻ, mang hơi thở của thời đại. Chỉ khi chịu đào xới mình để khám phá trong tầng sâu những lớp đất một vỉa quặng mới, ta mới có thể khám phá những điều độc đáo, khác biệt và mới mẻ. Chỉ khi nhìn cuộc đời bằng ánh mắt đa diện, đa đoan, ta mới hiểu cuộc đời hôm nay bằng sự thấu hiểu con người và thời cuộc hôm nay. Vì vậy, trong những “Chiếc võng thơ” của thơ ca kháng chiến chống Pháp, “Tây Tiến” đã in đậm dấu ấn sáng tạo của nhà thơ Quang Dũng, toả sáng bằng góc nhìn đặc biệt của thi nhân trước những tháng ngày dân tộc đỏ lửa, trước những ngày hành quân khó khăn, gian khổ nhưng tinh thần người chiến sĩ luôn nóng hổi một lý tưởng cao đẹp. Quang Dũng không né tránh hay tô hồng hiện thực tàn khốc, cũng không thi vị hoá quá trình vượt gian khó của người lính trở nên dễ dàng và yên ả. Ngược lại, nhà thơ mạnh mẽ tô đậm chất hiện thực khắc nghiệt của thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, hiểm nguy trùng trùng với dốc cao, núi thẳm, rừng lạnh giá hoang vu, rợn người; trong hành trình ấy, người lính trong “Tây Tiến” cũng hiện lên với vẻ chân thực nhất của những thanh niên Hà thành trẻ trung, hào hoa, lãng mạn. Họ vẫn ngã xuống trong những dãi dầu thăng trầm, họ vẫn xanh xao, tiều tuỵ và kiệt cùng về sức khỏe, thể chất trước những khó khăn; họ vẫn nhớ thương quê hương Hà Nội, vẫn yêu quý dáng hình mong mỏi của người thân ở mái nhà ấm áp mà mình đã rời xa. Nhưng vượt lên tất cả, Quang Dũng còn tái hiện mạnh mẽ chất bi tráng, dũng cảm, kiên cường trong lý tưởng và hành trình của người chiến sĩ miền Tây sơn cước. Vượt lên hiện thực, họ vẫn tiến lên phía trước - mặc kệ những ngăn trở về sức khỏe và thể chất, quyết tâm và ý chí của họ đã đưa họ đi trên con đường của lý tưởng tuổi trẻ một cách đặc biệt, đẹp đẽ va cao quý. Hiện thực song hành cùng lãng mạn nhưng không hề xa lạ, sáo rỗng; nó kết hợp tinh tế và song hành tạo nên một tinh thần bi tráng mạnh mẽ, làm nên một “Tây Tiến” độc đáo, khác biệt và đậm chất riêng của nhà thơ xứ Đoài mây trắng.

Như vậy, người nghệ sĩ phải biết nhìn những đề tài cũ bằng cái nhìn mới để những trang văn luôn in dấu ấn riêng của người sáng tác và dấu ấn riêng của thời đại. Con mắt thơ không được dừng lại ở bề nổi của thời đại mà phải đi vào bề sâu của hiện thực. Nhà thơ phải là người có ý thức tìm tòi, đổi mới, có tài quan sát tinh tế, có khả năng sử dụng ngôn từ.

(Nguồn: Thưởng thức sách)

Xem thêm: Giá trị của bạn nằm trong tay bạn - Bài văn nghị luận xã hội hay

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận