Huyền thoại Mẹ-Anh hùng Epistinia Fyodorovna Stepanova mù chữ có 9 người con hy sinh vì tổ quốc

Nếu ở Việt Nam có tượng đài Mẹ Thứ với 12 con cháu hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc thì ở đất nước Nga xa xôi có người phụ nữ mù với 9 người con hy sinh vì tổ quốc.

Huyền thoại Mẹ-Anh hùng Epistinia Fyodorovna Stepanova mù chữ có 9 người con hy sinh vì tổ quốc

Nếu ở Việt Nam có tượng đài Mẹ Thứ với 12 con cháu hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc thì ở đất nước Nga xa xôi có người phụ nữ mù với 9 người con hy sinh vì tổ quốc.

Bà Epistinia Fyodorovna Stepanova - người phụ nữ nông dân mù chữ sống trong nông trại Kuban quanh năm lo việc đồng áng được trao tặng hai huy chương "Mẹ-Anh hùng" và “Chiến tranh Vệ quốc” hạng nhất. Hình ảnh bà được thể hiện trên phù điêu của quận Timashevsky thuộc vùng Krasnodar. Người phụ nữ ấy chính là biểu tượng người mẹ anh hùng của đất nước Nga.

Người nông dân mù đông con

Bà Epistinia Fyodorovna Stepanova vốn là một người nông dân bình thường ở vùng xa xôi hẻo lánh của nước Nga. Giống như bao phụ nữ khác bà quanh năm "bán mặt cho đất bán lưng cho trời". Chính vì thế mà cuộc sống của bà thời trước khi kết hôn ít được biết đến. Thậm chí nếu có được nhắc đến thì cũng khá mờ nhạt.

Trước đó, nhà văn Viktor Konov - tác giả của cuốn sách về Epistinia xuất bản trong tuyển tập ZhZL - đã thu thập từng ít một thông tin về thời thơ ấu và tuổi trẻ của người Mẹ-Anh hùng tương lai. Theo đó, bà sinh năm 1882 tại Ukraine. Khi bà còn nhỏ, cha mẹ bà là  Fyodor và Feodora Rybalko quyết định chuyển đến Kuban.

Tranh vẽ mẹ Epistinia Fyodorovna Stepanova và 9 người con

Bà Epistinia sinh ra trong gia đình có 8 anh chị em. Để giúp gia đình có cái ăn, bà đã phải đi làm ruộng cho các nhà địa chủ trong vùng từ năm 14 tuổi. Đến năm năm 16 thì kết hôn với Mikhail Stepanov - một chàng trai là con của một gia đình di cư từ tỉnh Kursk.

Các gia đình nông dân ở Nga thời đó thường đẻ khá nhiều con cái vì với họ, đó là nguồn lao động dồi dào. Song trên thực tế không phải tất cả những đứa trẻ sinh ra đều sống sót đến tuổi trưởng thành. 

Theo một số bài báo của Nga, bà Epistinia Fedorovna sinh hạ được 15 người con nhưng chỉ có 10 người trong số đó sống sót và trưởng thành. Đứa con gái đầu tiên của bà qua đời do bỏng nước sôi; hai đứa con trai sinh đôi ra đi ngay khi vừa chào đời; một đứa con trai khác qua đời khi lên 5 do bệnh quai bị; một đứa con gái khác thì bị điên. 

Trong số 10 người con sống sót thì có 9 nam và 1 nữ. Bà Epistinia Fedorovna đã trải qua 11 năm mang thai liên tiếp và sinh nở không ngừng nghỉ. Bên cạnh việc sinh đẻ, bà dành nhiều thời gian quản lý gia đình, làm nông nghiệp. Một tay bà tần tảo làm lụng nuôi con, dạy dỗ chúng nên người.

9 người con lần lượt đi theo tiếng gọi của tổ quốc

Mặc dù cuộc sống khá khó khăn do gia đình đông con nhưng bà Epistinia Fedorovna luôn tự hào khi sinh ra được những đứa trẻ ngoan ngoãn và sau này trở thành những con người vĩ đại trong cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc. Người con đầu tiên cống hiến cuộc sống cho tổ quốc là Alexander (1901-1918). Anh bị bọn Bạch vệ bắn trong cuộc Nội chiến vì đã giúp Hồng quân. 

Fedor (1912-1939) là người con tiếp theo hy sinh ở Khalkin-Gol. Anh mơ ước trở thành quân nhân và đã tốt nghiệp khó học chỉ huy ở Krasnodar. Anh được gửi đến phục vụ tại Quân khu Baikal. Trong trận đánh Đồi Peschanaya, Thiếu úy Stepanov chỉ huy đơn vị chiến đấu, đã anh dũng hy sinh. Fedor được truy tặng Huân chương “Dũng cảm”.

Và khi cuộc chiến tranh Vệ quốc diễn ra, bà Epistinia Fyodorovna bắt đầu đón nhận những tờ "giấy báo tử" của các con. "Giấy báo tử" đầu tiên là của Paul (1919-1941) - người từng học tại Trường Pháo binh Kiev, anh hy sinh vào mùa hè năm 1941 tại Pháo đài Brest.

Đến năm 1942, bà Epistinia Fyodorovna nhận "Giấy báo tử" của Ivan (1915-1942) hy sinh tại Belarus. Trước khi chiến tranh nổ ra, anh đã tốt nghiệp một trường quân sự và rất dũng cảm trong cuộc chiến đấu với Bạch vệ Phần Lan. Khi chiến tranh Vệ quốc bắt đầu, Trung úy Ivan Stepanov bị bắt, chạy trốn và tìm đến các đội du kích gần Minsk, bị quân Đức bắn.

Ilya (nhập ngũ năm 1937) là người con trai duy nhất được gặp mẹ  Epistinia Fyodorovna trước khi hy sinh. Ilya (1917-1943) cũng tốt nghiệp trường quân sự và trở thành chỉ huy một Lữ đoàn xe tăng chiến đấu tại các nước vùng Baltic. Trong quá trình kháng chiến, anh bị thương và được điều trị tại bệnh viện Rostov và được cho về nhà để bồi dưỡng và gặp mẹ. Sau khi ra viện, anh trở lại mặt trận chiến đấu  bảo vệ Stalingrad, và anh dũng hy sinh trong trận chiến tại Vòng cung Kursk.

Hai trong số 9 người con trai đã hy sinh của mẹ Epistinia Fyodorovna Stepanova

Đến tháng 10/1943, người con trẻ nhất của bà Epistinia Fyodorovna là Alexander hy sinh. Trung úy Alexander ((1923-1943) tốt nghiệp khóa chỉ huy năm 1942 và tham gia chiến đấu ở Stalingrad, vượt sông Dnepr. Alexander cùng đồng đội đã đẩy lùi 7 đợt tấn công của địch. Và trong trận cuối cùng anh còn lại 1 mình. Với quả lựu đạn cuối cùng, Alexander cho nổ tung chính mình và bọn lính Đức đang bao vây anh. Sau này, Alexander  được  truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô.

Người con tiếp theo của bà Epistinia Fyodorovna hy sinh là Vasily (1908-1943) mất vào tháng 12/1943. Anh bị bắt năm 1941 khi đang chạy trốn và tìm cách liên lạc với các đội du  kích khác ở Crimea. Anh ta bị bắn ở Nikopol. 

Ba tháng trước ngày Chiến thắng thì một người con nữa của mẹ Epistinia Fyodorovna hy sinh, anh là Philipp (1910-1945). Anh bị bắt vào năm 1942 tại “chảo lửa” Kharkov và hy sinh tháng 2/1945 trong một trại tù binh ở Đức.

Chỉ có một người con duy nhất trở về sau chiến tranh đó là người thương binh Nikolai (1903-1963). Anh chiến đấu ở Bắc Caucasus thuộc Ukraine, bị trọng thương nhiều lần và mang mảnh đạn trong người suốt phần đời còn lại của mình. Anh từng bị dính một vết thương nặng đến nỗi được cho là đã chết và mẹ anh đã từng nhận được Giấy báo tử của con trai.

Tượng đài mẹ Epistinia Fyodorovna Stepanova

Người mẹ mất 8 người con trong chiến tranh cuối cùng đã chờ được người con tàn phế trở về. Tuy nhiên, cuộc sống sum vầy chẳng được bao lâu thì chính bà Epistinia Fyodorovna lại phải chôn cất đứa con trai cuối cùng chết vì vết thương cũ tái phát. 

Sau khi các con ra đi, bà Epistinia Fyodorovna đã chuyển đến Rostov trên sông Don - nơi cô con gái duy nhất Varvara sống.

Nhiều năm sau chiến tranh, câu chuyện đầy cảm động của bà Epistinia Fyodorovna vẫn là nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà báo, nhà văn. Họ từng viết, xây dựng một bộ phim tài liệu vô cùng cảm động về bà. 

Các nhà văn, các tướng lĩnh và thủ trưởng các cấp bắt đầu đến căn hộ khiêm tốn nơi bà cụ Pestya sống cùng con gái. Bà được tặng ngôi nhà khang trang, được trao tặng Huân chương Mẹ-Anh hùng. Bà nhận được nhiều thư từ khắp nơi trên Liên Xô gửi đến. Những người lính xin phép được coi bà như mẹ của mình.

Nguyên soái A. Grechko đã viết cho bà vào năm 1966: "bà đã nuôi nấng, dạy dỗ 9 người con trai. Chín người thân yêu nhất của bà đã có những chiến công hiển hách, dâng hiến thân mình cho Tổ quốc Xô viết... Bà - người Mẹ của lính - được những người lính coi là mẹ của mình. Họ gửi cho Bà sự ấm áp hiếu thảo từ trái tim họ, họ quỳ gối kính cẩn trước Bà - một người phụ nữ Nga giản dị”.

Được biết, người mẹ anh hùng này qua đời năm 1969 ở tuổi 87. Thi hài bà được mai táng tại vị trí danh dự Nghĩa trang chính của làng Dneprovskaya. Một tượng đài vinh danh Bà được xây dựng ở Timashevsk.

Hiện nay trong trang trại Olkhovsky - nơi gia đình của Người Mẹ có 9 người con đã xả thân vì Đất nước sống trong thời gian chiến tranh - một bảo tàng về gia đình Stepanov đã được khai trương.

Ngày 8/3 nhớ về huyền thoại mẹ Thứ: 14 lần tiễn con cháu lên đường, 9 lần nhận giấy báo tử