Trong thực tế có rất nhiều trẻ em hay bỏ cuộc giữa chừng, hoặc khi phát hiện việc đang làm không được như ý liền muốn từ bỏ mà chưa hề cố gắng, sau đó lại làm lại từ đầu. Nhưng cuộc sống khắc nghiệt hơn nhiều, có rất nhiều tình huống không cho phép từ bỏ hoặc làm lại từ đầu. Cha mẹ cần giúp con hiểu rõ điều đó, hãy nói với con đây là cơ hội duy nhất, không có sự lặp lại lần sau, tạo cho con một chút áp lực để con cố gắng. Khi con đã hiểu ra, con sẽ có phương hướng rõ ràng và làm việc nghiêm túc, đạt được kết quả như mong muốn. Câu chuyện về vị thuyền trưởng sau đây là một minh chứng cho điều ấy.
Có một vị thuyền trưởng giàu kinh nghiệm, sau khi hàng hóa đã chất đầy khoang, tàu ra khơi. Đúng lúc con tàu đang ở giữa đại dương mênh mông thì gặp một cơn bão lớn. Các thủy thủ đều kinh hoàng, sợ hãi. Vị thuyền trưởng liền ra lệnh cho các thủy thủ lập tức dẫn nước vào khoang hàng.
“Thuyền trưởng bị làm sao vậy, dẫn nước vào kho hàng chỉ có thể làm tăng áp lực cho tàu, làm tàu nặng hơn, chìm nhanh hơn. Như thế không phải tự mình tìm đường chết sao?”, một thủy thủ trẻ hét lên.
Nhưng nhìn nét mặt nghiêm túc của vị thuyền trưởng, đoàn thủy thủ vẫn nghe theo mệnh lệnh của ông. Nước trong khoang hàng càng lúc càng nhiều, tàu dần dần chìm xuống.
Những cơn gió vẫn mạnh như trước nhưng sóng lớn uy hiếp tàu ngày càng giảm, con tàu dần dần ổn định, thoát khỏi tâm bão an toàn.
Lúc này vị thuyền trưởng mới điềm tĩnh nói với đoàn thủy thủ: “Những con tàu hàng triệu tấn rất ít khi bị lật, những con tàu bị lật thường là những con tàu nhỏ, trọng lượng nhẹ. Lúc tàu mang trọng tải lớn chính là lúc an toàn nhất, lúc tàu trống lại chính là lúc nguy hiểm nhất. Đương nhiên tải trọng của tàu dựa vào khả năng gánh vác của tàu, áp lực thích hợp có thể khống chế được gió to bão lớn, còn nếu tàu không chịu được tải trọng nó sẽ giống như điều mà mọi người lo lắng: biến mất giữa biển khơi".
Tất nhiên con cái chúng ta không nhất định sẽ gặp tình huống như câu chuyện của vị thuyền trưởng trên. Nhưng tôi thiết nghĩ rằng, nếu con cái chúng ta không có một chút áp lực nào, chúng cũng khỏi cần phải phấn đấu nữa và chắc chắn điều đó sẽ không có lợi cho sự trưởng thành của chúng. Ở đây, tôi cũng không tán thành cách giáo dục kiểu “nhồi vịt” nhưng đôi khi chúng ta cũng cần tạo cho con một chút áp lực, vừa đủ thôi để xây dựng cho trẻ thái độ và thói quen sống tốt.
Bình thường, trẻ em có năng lực lớn hơn so với những gì chúng ta biết. Thực tế đã chứng minh, chỉ có 5% tiềm năng não bộ được sử dụng trong đời, còn lại 95% tiềm năng vẫn chưa được khai phá. Áp lực thích hợp sẽ là động lực khiến trẻ nỗ lực phấn đấu, khai phá khả năng của mình.
Giáo dục gia đình phải tạo được áp lực nhất định cho trẻ. Vấn đề then chốt là áp lực ấy cần ở mức độ nào, mỗi cá nhân, mỗi giai đoạn phát triển khác nhau cần tạo ra áp lực khác nhau. Do đó, cha mẹ cần lưu tâm những vấn đề sau:
Cha mẹ đặt kỳ vọng hợp lý
Cha mẹ kỳ vọng vào con chính là tạo áp lực cho con, kỳ vọng quá cao hay quá thấp đều không tốt.
Kỳ vọng hợp lý nhất của cha mẹ phải là điều mà con đạt được sau một quá trình nỗ lực phấn đấu. Kỳ vọng quá cao, trẻ có cố gắng thế nào cũng không trở thành hiện thực, sẽ nảy sinh sự thất vọng, không muốn tiếp tục cố gắng. Kỳ vọng quá thấp lại gây ra thiếu tự tin vào bản thân, lòng tự tôn suy giảm, trẻ cho rằng “năng lực của tôi chỉ có thế”. Dẫn đến hoài nghi, buông lỏng bản thân, thậm chí coi thường bản thân, mất đi tinh thần cầu tiến.
Việc này giống như hái quả trên cây vậy, không cần nhảy lên cũng có thể hái được quả làm cho người ta chây lười. Nhảy mãi vẫn không hái được quả làm người ta thất vọng, dùng hết sức nhảy lên và hái được quả mới có ý nghĩa, buộc người ta lần sau phải biết nhảy cao hơn. Cha mẹ đặt kỳ vọng vào con cũng vậy: không thể với tới sẽ khiến trẻ nhụt ý chí, thấp quá sẽ khiến trẻ coi thường, còn mục tiêu có tính thử thách sẽ thúc đẩy trẻ phấn đấu.
Mức độ giúp đỡ khi con gặp áp lực
Một đứa trẻ hoàn toàn không có chút áp lực nào thì khó tiến lên được phía trước. Nếu áp lực quá cao lại thiếu sự cổ vũ, khích lệ của cha mẹ thì cũng đáng ngại bởi vì trẻ sẽ cảm thấy đơn độc. Nhưng nếu áp lực thấp lại nhận được quá nhiều giúp đỡ thì trẻ cũng không phát huy hết tiềm năng của mình. Áp lực và khích lệ thích hợp sẽ giúp trẻ có thêm động lực phấn đấu bước đến thành công.
Để tạo cho con một áp lực thích hợp, cha mẹ cần quan tâm, khích lệ những tiến bộ con đạt được cũng như kịp thời uốn nắn khuyết điểm của con. Điều này vừa có thể xoa dịu áp lực, đồng thời tạo cho con sự tự tin phát huy sức mạnh của bản thân.
Hơn nữa, việc cha mẹ cùng con đối mặt với áp lực sẽ giúp con có nhận thức đúng đắn thất bại là mẹ thành công, nhận thức được sự khác nhau giữa thất bại và tạm thời trì hoãn, giúp con nhận ra nguyên nhân và quá trình thất bại. Đặc biệt cha mẹ hãy phát hiện và khẳng định những ưu điểm của con, nếu có thất bại thì cũng động viên con làm lại từ đầu.
Áp lực không phải là sự ngược đãi tinh thần
Tạo áp lực cho con là cần thiết, nhưng tạo áp lực và ngược đãi tinh thần là hai việc hoàn toàn khác nhau. Một số cha mẹ muốn con nỗ lực hơn nên châm biếm, uy hiếp, đe dọa, bỏ mặc không quan tâm… Đây chính là hành vi ngược đãi tinh thần tạo cho con vết thương tâm lý khó lành. Dần dần trẻ sẽ sinh ra tự ti, nhút nhát, nặng hơn có thể phạm tội.
Nếu cha mẹ chủ động tạo cho con một chút áp lực dựa trên thái độ ôn hòa, ngôn ngữ hòa nhã, đối thoại và chia sẻ. Thì những gì con cái báo đáp cha mẹ có thể sẽ là “vụ mùa bội thu”.
Xem thêm: Ở chung với nhà chồng người Do Thái, mẹ Việt "học lỏm" loạt bí quyết dạy con về tài chính