Chiến tích kỳ lạ của dũng tướng người Việt: Vừa cởi mũ ra thì hàng ngàn quân địch quỳ gối xin hàng

Dũng tướng Lê Khôi vừa bỏ mũ ra thì quân giặc liền xuống ngựa sụp lạy, mang biếu sản vật, rồi không dám đánh ông nữa. Ông đi đến đâu, giặc tan đến đó. Sau đó lại đánh thành Đồ Bàn, bắt được chúa là Bí Cai rồi rửa giáp thu quân về.

Đỗ Thu Nga
09:00 26/10/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Vì sao dũng tướng Lê Khôi được dân yêu quý?

Lê Khôi (? - 1446), tên thụy là Vũ Mục, công thần khai quốc nhà Lê sơ. Ông là người làng Lam Sơn (nay là xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Ông là con trai của Lê Trừ - anh thứ hai của Lê Lợi, tức là cháu gọi Lê Lợi bằng chú ruột. Tính tình độ lượng rộng rãi, ít nói, ít cười,  tham gia khởi nghĩa Lam Sơn từ đầu và lập được nhiều công lao.

Theo chính sử, Lê Khôi tham gia khởi nghĩa Lam Sơn từ những buổi đầu, trải qua 10 năm kháng chiến gian khổ, ông đã lập nhiều công trạng, nhất là trong các trận Khả Lưu, Xương Giang làm quân Minh bạt vía kinh hoàng.

Đại Việt thông sử có chép, anh em Lê Thái Tổ có 3 người, vua là con út trong nhà; người anh thứ hai tên là Lê Trừ sinh được hai người con trai đều theo chú là Lê Lợi khởi nghĩa chống giặc Minh, con trưởng là Lê Khang, con thứ là Lê Khôi.

dung-tuong-nguoi-viet-nao-vua-bo-mu-ra-quan-giac-da-xin-hang
Dũng tướng Lê triều (Hình minh họa – Nguồn: lichsuvietnam)

Trong sách Lịch triều hiến chương loại chí viết về Lê Khôi như sau: "Ông người làng Lam Sơn, huyện Thụy Nguyên (Thanh Hóa), con anh thứ hai của Lê Thái Tổ, sinh ra có dáng lạ, người thanh nhã, trọng hậu, ít nói cười, đàn bà trẻ con trong làng xóm đều biết tiếng.

Mùa xuân Mậu Tuất (1418), ông theo đầu tiên dưới lá cờ nghĩa, mình đeo bên tả túi tên, bên hữu túi cung, theo vua ra hàng trận, công lao rực rỡ. Trận đánh ở Khả Lưu ông cùng bọn Lê Sát lên trước vây đánh phá tan quân Minh, bắt sống đô đốc Chu Kiệt, chém tướng tiên phong Hoàng Thành, bắt được giặc nhiều không kể xiết.

Mùa xuân Đinh Mùi (1427), ông cùng Phạm Vấn đem vài nghìn binh giúp bọn Lê Sát đánh tan Thôi Tụ, Hoàng Phúc ở Xương Giang, bắt sống Tụ, Phúc và mấy vạn quân địch, dẹp yên giặc Minh, khôi phục lại Đông Đô.

Vì có công, ông được phong Kỳ lân hổ vệ Thượng tướng quân, tổng quản hành quân, nhập nội Thiếu úy; sau lại thăng Tư mã, đeo kim phù rất vinh hiển.

Năm thứ 3 Thuận Thiên (1430), vua thấy nước nhà mới định, miền người man chưa theo, đất châu Hóa giáp nước Chiêm, muốn ủy cho một chức quan trọng yếu trấn thủ, mới sai ông cầm quân tới trấn.

Khi đến, ông bãi trạm gác, bỏ sự xét hỏi nghiêm ngặt; chỉ chăm chiêu mộ những dân lưu tán, khuyên bảo làm ruộng trồng dâu; huấn luyện quân sĩ, giữ vững bờ cõi, chính sự nghiêm mà có tin nên được dân kính yêu.

Đường biển ngày một yên ổn; người Chiêm sợ uy, mến nghĩa. Dân ở biên giới có nhiều người bị bắt, ông đều đãi tử tế cho về. Mỗi khi có cống sứ sang, thường thường hỏi thăm ông có được bình yên, khỏe mạnh hay không. Đức vọng của ông vang lừng đến các nơi di địch là như thế".

Cũng theo sách này, Lê Khôi từng được triều đình triệu từ châu Hóa (Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay) để cầm quân đánh dẹp nổi loạn ở châu Thạch Lâm thuộc Thái Nguyên, lần đó ông cũng bắt diệt hết kẻ cầm cầu. 

Vào tháng 9 năm Qúy Sửu (1433) vua Lê Thái Tông nối nghiệp, Lê Khôi vừa là họ thân, lại có tài nên rất được coi trọng, được phong làm Nhập nội Tư mã, tham tri chính sự vào năm Đinh Tị (1437), hai năm sau theo vua đi đánh Ai Lao thắng lợi.

Về sau đánh phản loạn ở châu Thuận Mỗi (Sơn La, Lai Châu ngày nay), khi trở về, triều đình "định công lao, tiến phong ông làm Nhập nội đô đốc, cho tham dự triều chính, việc to việc nhỏ đều hỏi ở ông mới quyết định" (Lịch triều hiến chương loại chí).

Đến năm Qúy Hợi (1443) đời vua Lê Nhân Tông, Lê Khôi được phong làm Nhập nội Thiếu úy, được cử trấn thủ Nghệ An. Khi ông đến, sĩ phu và dân chúng xứ Nghệ đứng chật hai bên đường chào đón. Dưới sự quản lsy của ông, xứ này yên ổn, phát triển thịnh vượng.

Chiến tích kỳ lạ thuộc hàng "vô tiền khoáng hậu" trong sử Việt

Các dũng tướng Việt Nam trở thành nỗi khiếp sợ của quân địch là chuyện thường thấy. Thế nhưng, như trường hợp của dũng tướng Lê Khôi thì quả là xưa nay chưa từng có. 

Chính sử viết, tháng 5 năm Giáp Tý (1444) vua Chiêm là Bí Cai dẫn quân tràn sang cướp phá châu Hóa, triều đình sai tướng dẫn quân đi đánh.

Đến tháng 4 năm Ất Sửu (1445) quân Chiêm lại vào cướp thành An Dương ở châu Hóa, Lê Khôi được lệnh thống suất quân lính Nghệ An tăng viện cho quân triều đình đánh tan giặc, ông được thăng chức Nhập nội tham dự triều chính nhưng vẫn lưu lại Nghệ An.

Nhằm dập tắt mầm họa từ phương Nam, năm Bính Dần (1446) triều đình sai Đô đốc Lê Thụ, Lê Khả và Thiếu phó Lê Khắc Phục đem quân đánh Chiêm Thành.

Đại Việt sử ký toàn thư có chép ngắn gọn về chiến dịch Nam chinh này, theo đó vào ngày 23 tháng 2 cùng năm, "các quân của bọn Lê Thụ đến các xứ Ly Giang, Đa Lang, Cổ Lũy, mở thông đường thủy, dựng đắp thành lũy để đánh nhau với giặc, phá tan giặc, thừa thắng đánh thẳng đến cửa biển Thi Nại.

Mùa hạ, tháng 4, ngày 25, các quân của bọn Lê Thụ tiến công thành Chà Bàn phá tan quân giặc, bắt được chúa nó là Bí Cai và các phi tần, bộ thuộc, ngựa voi vũ khí, cùng các hàng tướng rồi đem quân về".

Sử sách chép ngắn gọn nhưng các nguồn tư liệu khác cho hay, Lê Khôi là người lập công lớn trong trận đó. Bây giờ, ông được lệnh dẫn quân tiên phong nên đã đem binh bản bộ tiến trước, xông phá tan đồn quân ở trên, vượt Ly Giang, đến cửa biển Thi Nại, rồi vượt biển đến đất giặc. Tướng giặc biết là quân của ông, gọi sang hỏi: "Có phải ông Tư mã đấy chăng?".

Ngay lập tức, ông bỏ mũ trụ ra để chúng nhìn thấy mặt. Giặc đều xuống ngựa sụp lạy, mang biếu sản vật, rồi không dám đánh lại ông nữa. Ông đến đâu, giặc tan vỡ đến đấy. Sau đó lại đánh thành Đồ Bàn, bắt được chúa là Bí Cai rồi rửa giáp thu quân về" (Lịch triều hiến chương loại chí).

dung-tuong-nguoi-viet-nao-vua-bo-mu-ra-quan-giac-da-xin-hang-5
Đền Chiêu Trưng, nằm trên ngọn Long Ngâm, đỉnh núi Nam Giới, xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh bao năm nay thờ phụng danh tướng Lê Khôi

Thế nhưng trên đường khải hoàn, ông bị ốm nặng, tướng sĩ ra sức cứu chữa nhưng không qua khỏi. Lê Khôi mất ở chân núi Long Ngâm (gần cửa biển Nam Giới, Hà Tĩnh), lúc đó tướng sĩ đau buồn kêu khóc thảm thiết.

Triều đình biết tin này, thương xót bãi triều 3 ngày, lại sai quan vào phúng viếng, truy phong ông chức Nhập nội đô đốc, đặt tên thụy là Trung Hiển. Sau lại truy tặng chức Nhập nội kiểm hiệu tư không, Bình chương sự, đổi tên thụy là Vũ Mục công.

Dân chúng châu Hoan nhớ công của ông nên đã lập đền thờ phụng ở chân núi Long Ngân. 

Năm Qúy Mùi (1463), Lê Thánh Tông sai Thượng thư Nguyễn Như Đỗ soạn văn bia ghi công đức của ông, lại gia phong tước vương nên người đời gọi ông là Chiêu Trưng vương; nhà vua còn làm bài thơ Nôm ca ngợi ông như sau:

Dẹp yên tám cõi mới buông tay,

Rỡ rỡ thai tinh một áng mây.

Tể tướng bếp tàn mai lạnh vạc,

Tướng quan dinh vắng liễu chau mày.

Phong lưu, phú quý ba đời thấy,

Sự nghiệp công danh bốn biển hay.

Thương ít, tiếc nhiều bao xiết kể,

Miếu đường hầu lấy cột nào thay.

Năm Mậu Dần (1638) vì thấy đền thờ ông bị hư hỏng, do dựng ở gần biển, sóng gió bất thường nên dân chúng dời đền về dựng ở dưới chân núi Lam Thành, thuộc xã Trào Khẩu, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An).

Tương truyền đền thờ Lê Khôi rất thiêng, "những khi gặp hạn, lụt, tật dịch, dân địa phương đến cầu đều có ứng nghiệm" (Lịch triều hiến chương loại chí); sách Bách thần sự tích cũng viết rằng Lê Khôi "sau khi mất, hiển ứng… cầu khấn nhiều lần linh ứng, các triều đại đều có sắc phong được ban quốc tế".

Ngôi đền thờ ông ngoài tên gọi là đền Vũ Mục còn có tên khác là đền Chiêu Trưng, dân gian truyền rằng đây là một trong bốn ngôi đền lớn, có kiến trúc đẹp và linh thiêng nhất xứ Nghệ: "Đền Cờn, đền Qủa, Bạch Mã, Chiêu Trưng".

Xem thêm: Danh tướng Lê Tần - khắc tinh của quân Mông Cổ

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận