Đến Tây Tạng khám phá những điều kỳ bí ở núi thiêng Kailash - vùng đất thủy tổ của sinh mệnh
Ngọn núi Kailash được xem là cửa ngõ vào cõi vô hình thứ 7 của các nhà hiền triết Tây Tạng. Đây là nơi ẩn chứa rất nhiều bí mật tâm linh hấp dẫn.
Núi thiêng Kailash cách thủ phủ Lhasa của Tây Tạng hơn 1.000 km về hướng Tây. Ngọn núi này nằm ở độ cao 6714m so với mực nước biển. Núi gần hồ Manasarovar và hồ Rakshastal, một khu vực xa và thời tiết vô cùng khắc nghiệt của dãy Himalaya. Đây là vùng đất tâm linh nổi tiếng trong suốt hơn 15.000 năm qua.
Theo tìm hiểu, núi thiêng Kailash là nơi bắt nguồn của một số con sông dài nhất ở châu Á: sông Indus dài 3,200km, sông Sutlej (một nhánh lớn của sông Indus), sông Yarlung Tsangpo dài 2,840km và sông Karnali (một nhánh của sông Hằng).
Với những đặc điểm nổi bật riêng có của mình, Kailash trở thành địa điểm linh thiêng được tôn sùng nhất thế giới. Nơi đây là thánh địa của cả 4 nền tôn giáo gồm: Đạo Phật, Đạo Hindu, Đạo Jains và Đạo Bonpo.
Theo thần thoại, núi Kailash là trục Trái đất hay chiếc thang dẫn lên trời, nơi giao thoa giữa Thiên đường và Hạ giới. Theo Ấn Độ giáo, núi Kailash được coi là nơi ở của Thần Shiva. Phật giáo lại cho rằng, Đức Phật từng sống tại đây.
Theo giáo lý Phật giáo Tây Tạng, Shambhala là “cõi tịnh độ và an nhiên của phật tử chúng sinh”. Đây là vương quốc huyền thoại, nơi con người mở rộng trái tim hướng thiện và trí sáng tạo, tìm kiếm tâm linh nhằm soi sáng bước đường tương lai. Trong suốt hàng thế kỷ qua, các vị Lạt Ma Tây Tạng đã và đang tìm kiếm vị trí thực sự của Shambhala, song họ đã ra đi mà chưa một lần trở lại.
Chính vì sự linh thiêng của Kailash nên hàng năm, các tín đồ đã thực hiện cuộc hành hương đến ngọn núi này. Các tín đồ tin rằng, nhiễu núi Kailash là một nghi lễ thiêng liêng mang lại nhiều may mắn và tẩy xóa đi tội lỗi trong cuộc đời. Tín đồ Ấn giáo và Phật giáo thực hiện nhiễu quanh núi theo chiều kim đồng hồ còn tín đồ của Đạo Jain và Bonpo lại đi theo hướng ngược chiều kim đồng hồ.
Đặc biệt ở nơi đây có một lời cảnh báo đáng sợ: "Không người phàm nào được phép bước lên đỉnh núi Kailash, giữa những đám mây, là nơi ở của các vị thần. Người nào dám lên đỉnh núi thánh và nhìn thấy các vị thần đều sẽ chết!”. Theo tìm hiểu, lời cảnh báo này có trong tất cả các văn tự cổ của Tây Tạng.
Tuy nhiên, vào những thập kỷ gần đây có không ít những kẻ phớt lờ lời cảnh báo mà tiến lên núi, liều lĩnh cố gắng chinh phục một trong những đỉnh núi bí ẩn nhất Thế giới. Có vẻ khó tin nhưng những người leo núi đều phải đối mặt với sự thay đổi thời tiết đột ngột, các trở ngại gần như không thể vượt qua, những trải nghiệm kỳ lạ, tất cả những hiện tượng không thể giải thích được này đều khiến họ phải quay lại.
Gần đây nhất là vào năm 2007, nhà leo núi người Nga Sergei Cistiakov sau khi thất bại trong cuộc khám phá núi Kailash đã kể lại rằng: "Tôi tin rằng những lời cảnh báo trong các văn tự của Tây Tạng không chỉ là chuyện tưởng tượng và những trải nghiệm mà hàng chục nhà leo núi đã trải qua trong nhiều năm không chỉ là trùng hợp...”.
Nếu có cơ hội, du khách Việt hãy một lần đến núi thiêng Tây Tạng để hành hương cũng như lắng nghe những câu chuyện kỳ bí về "vũ trụ tâm linh" của cả bốn nền tôn giáo gồm Phật giáo, Hindu, Jains và Bon.
Xem thêm: Lạc vào cõi hư không của Đền Rituo tọa lạc giữa Hồ Thánh ở Tây Tạng
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận