Những điều cần biết về bệnh đậu mùa khỉ đang lưu hành ở 12 quốc gia trên thế giới

WHO cho biết, đã có 12 quốc gia báo cáo ghi nhận bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ. Đây là loại virus hiếm gặp, có họ hàng với đậu mùa.

Đỗ Thu Nga
10:26 23/05/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

12 quốc ghi ghi nhận đậu mùa khỉ

Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới, tính đến ngày 21/5 đã có 92 ca bệnh đậu mùa khỉ được xác nhận và 28 ca nghi nhiễm được báo cáo ở 12 quốc gia, trong đó có Anh, Bồ Đào Nha, Thụy Điển, Canada, Bỉ, Đức, Australia, Mỹ... WHO cũng tiết lộ, có nhiều ca mắc bệnh đậu mùa khỉ ở nam giới đồng tính, song tính hoặc nam giới có quan hệ tình dục đồng tính. 

Đức, Pháp và Bỉ đã xác nhận những ca nhiễm bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên. Bỉ ghi nhận 2 ca nhiễm ở vùng Flanders nói tiếng Hà Lan. Còn ca nhiễm tại Đức ở vùng Bavaria.

Ca nhiễm đầu tiên tại Pháp là một người đàn ông 29 tuổi ở vùng Paris, không có tiền sử dịch tễ tới quốc gia nào mà virus đầu mùa đang lưu hành. Các nhà nghiên cứu cho biết, trường hợp người đàn ông Pháp mắc bệnh nhẹ, đang được cách ly tại nhà.

trieu-chung-cua-benh-dau-mua-khi-0

Ở Canada hiện đang điều trị cho hàng chục ca nghi nhiễm ở Montreal, sau khi Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã ghi nhận hơn 40 trường hợp cả nghi nhiễm lẫn xác nhận nhiễm đậu mùa khỉ. Tại Anh xác nhận có tổng cộng 20 trường hợp mắc bệnh. Còn tại, Australia, Italy và Thụy Điển mỗi nước đều xác nhận ca mắc đầu tiên.

Bang Massachusetts của Mỹ cũng xác nhận ca đậu mùa khỉ hiếm gặp ở người đàn ông gần đây từ Canada trở về, đồng thời tìm hiểu xem liệu có mối liên hệ với các ca nhiễm ở châu Âu.

Các trường hợp ghi nhận tại Bồ Đào Nha liên quan đến nam giới, đa phần là người trẻ. Những người này gặp tổn thương trên da và hiện có tình trạng ổn định. Giới chức không tiết lộ những người này có tiền sử tới châu Phi hay có mối liên hệ nào với c ác ca nhiễm gần đây tại Anh hay các nơi khác.

Ở Anh, các ca nhiễm không có mối liên hệ với các bệnh trước đó, cho thấy có khả năng có nhiều nguồn lây đậu mùa khỉ. Ở Bồ Đào Nha, các trường hợp mắc bệnh là người trẻ và đang điều tra 15 ca nghi nhiễm khác. Ở Tây Ban Nha, các ca nhiễm chủ yếu là thanh niên, phần lớn có quan hệ đồng tính.

Đậu mùa khỉ là bệnh gì?

Đậu mùa khỉ là một bệnh truyền nhiễm do virus gây bệnh đậu mùa khỉ có thể xảy ra ở một số động vật, bao gồm cả con người. Virus đậu mùa khỉ tương tự như đậu mùa, thuộc chi Orthopoxvirus. Virus này có cấu trúc và tính chất gây bệnh tương tự như thủy đậu nhưng bệnh canh thường nhẹ hơn.

Dù có tên gọi là bệnh đầu mùa khỉ nhưng không phải do virus của khỉ gây ra. Hiện nay, vật lây virus này chưa được xác định rõ nhưng các sinh vật nghĩ tới hàng đầu là loài gặm nhấm và sóc nhỏ trong rừng nhiệt đới ở châu Phi, chủ yếu ở phía tây và trung tâm châu Phi. 

Dau-mua-khi-la-benh-gi-va-benh-dau-mua-khi-co-nguy-hiem-khong
Virus đậu mùa khỉ dưới kính hiển vi

Các trường hợp mắc đậu mùa khỉ ở châu Phi ngày càng gia tăng do con người ngày càng xâm phạm môi trường sống của các loài vật mang virus. Đậu mùa khỉ xảy ra đầu tiên ở châu Phi, đó là nước Cộng hòa Dân chủ Công. Nhưng từ năm 2016, các trường hợp mắc bệnh cũng được xác nhận và báo cáo tại Sirra Leone, Liberia, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Công và Nigheria.

Người mắc bệnh đậu mùa khỉ có triệu chứng gì?

Theo báo Sức khỏe và đời sống, bệnh đậu mùa khỉ có liên quan đến bệnh đậu mùa vốn bị xóa sổ từ năm 1980. Bệnh đậu mùa khỉ khó lây hơn, triệu chứng cũng nhẹ hơn và tỷ lệ tử vong thấp hơn so với bệnh đậu mùa. 

Các triệu chứng của bệnh đậu mùa là phát ban, mẩn đỏ, ngứa ngáy khắp người. Các triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ lúc khởi phát thường là sốt, nhức đầu, đau cơ, đau lưng, ớn lạnh, kiệt sức và sưng hạch bạch huyết.

Theo WHO, triệu chứng điển hình giúp các bác sĩ phân biệt đậu mùa khỉ với thủy đậu hay đậu mùa là: Một khi đã bị sốt, biểu hiện lâm sàng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ là nổi phát ban mẩn ngứa từ 1-3 ngày sau đó, thường bắt đầu nổi mụn mủ trên mặt và sau đó lan sang các bộ phận khác của cơ thể. Số lượng mụn mủ nước có thể từ xuất hiện từ một vài nốt cho tới hàng nghìn nốt.

Những nốt mụn mủ này sẽ "chín" lên rồi vỡ ra rất xấu xí. Ban đầu mụn nổi lên từ nốt phẳng nhỏ xíu rồi trở thành mụn nước (bên trong mụn chứa đầy dịch), rồi trở thành mụn mủ (bên trong nốt chứa đầy mủ) và cuối cùng đóng vảy trước khi biến mất.

trieu-chung-cua-benh-dau-mua-khi-8

Theo tìm hiểu, bệnh đậu mùa khỉ thường kéo dài từ 2 - 4 tuần và các triệu chứng có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể từ 5 - 21 ngày sau khi nhiễm virus.

Quá trình nhiễm bệnh thường chia làm 2 giai đoạn: 

- Giai đoạn virus xâm nhập, kéo dài từ 0 đến 5 ngày, triệu chứng đặc trưng là sốt, nhức đầu dữ dội, nổi hạch (sưng hạch bạch huyết), đau lưng đau cơ và suy nhược cơ thể (thiếu năng lượng). 

- Giai đoạn thứ hai là phát ban trên da, thường biểu hiện trong một đến ba ngày kể từ khi bệnh nhân bị sốt. Phát ban có xu hướng tập trung nhiều ở mặt và tứ chi hơn là thân. Phát ban tiến triển tuần tự, từ việc rát da (chưa nổi mẩn) đến sẩn ngứa (các nốt mẩn nhô cao), sau đó là mụn nước (tổn thương dứa dịch bên trong) và mụn mủ (tổn thương chứa dịch vàng).

Có 2 chủng đậu mùa khỉ phổ biến:

- Chủng thứ nhất là chủng Công, biểu hiện nặng hơn, tỷ lệ tử vong khoảng 10%.

- Chủng thứ hai tập trung ở Tây Phi, ít nghiêm trọng, thường gây tử vong cho 1% người bệnh. Hiện các bệnh nhân ở Anh mắc chủng đậu mùa Tây Phi. 

"Từ trước đến nay, các đợt bùng phát đậu mùa khỉ khá hiếm, chỉ xảy ra khoảng 8 lần trong quá khứ", Jimmy Whitworth, giáo sư y tế công cộng quốc tế tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, cho biết.

Bệnh đậu mùa khỉ lây nhiễm qua đường nào?

Theo nghiên cứu, người dân thường mắc bệnh đậu mùa khỉ khi ăn thịt chưa nấu chín kỹ và sử dụng các sản phẩm từ động vật bị nhiễm bệnh. Virus cũng có thể lây lan trong quá trình tiếp xúc gần người bệnh thông qua dịch thể, các tổn thương ở da, đường thở và niêm mạc (mắt, mũi hoặc miệng).

Lây truyền từ người sang người được cho là chủ yếu qua giọt bắn lớn đường hô hấp, nhìn chung là các giọt bắn này khó có thể văng xa vài mét, so vậy để có thể lây được đòi hỏi phải tiếp xúc trực tiếp khá lâu.

Một số chuyên gia ở Anh nói rằng, còn quá sớm để kết luận việc bệnh đậu mùa khỉ lây lan qua đường tình dục, dù đó có thể là một khả năng. 

trieu-chung-cua-benh-dau-mua-khi-5

"Các ca gần đây gợi ý một khả năng lây truyền tiềm năng", Neil Mabbott - chuyên gia tại Đại học Edinburgh, cho biết thêm các virus liên quan từng được biết tới lây qua đường tình dục.

Keith Neal - chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học Nottingham, cho biết lây truyền có thể không xảy ra trong hoạt động tình dục mà chỉ là "sự tiếp xúc gần gắn với hoạt động tình dục".

CDC Mỹ trong một tuyên bố nhấn mạnh "bất cứ ai, dù cho là xu hướng tình dục như thế nào, cũng có thể lây truyền bệnh đậu mùa khỉ thông qua tiếp xúc với dịch tiết cơ thể, vết loét đậu mùa khỉ, và đồ vật dùng chung (như quần áo và ga gối) bị nhiễm virus".

Bệnh đậu mùa khỉ có nguy hiểm không?

Bệnh đậu mùa khỉ tương tự bệnh đậu mùa ở người (căn bệnh đã bị xóa sổ trên thế giới vào năm 1980), và dễ dàng bị lầm tưởng là thủy đậu. Các triệu chứng ban đầu bao gồm sốt, nhức đầu, đau cơ, đau lưng, nổi mụn phồng, ớn lạnh và kiệt sức. Mụt thường nổi trên mặt trước khi lan sang những nơi khác của cơ thể.

Hiện nay chưa có cách trị bệnh đậu mùa khỉ, dù đa số bệnh nhân đều trải qua các triệu chứng nhẹ và thường khỏe lại từ 2 - 4 tuần. Tỷ lệ tử vong cũng chỉ 1%. 

Mặc dầu triệu chứng nhẹ hơn đậu mùa, bệnh đậu mùa khỉ được biết tới đã gây ra tỷ lệ tới 10% tử vong ở bệnh nhân nhiễm ổ dịch tại lòng chảo Congo, so với tỷ lệ 30% tử vong do đậu mùa, theo dữ liệu của WHO.

trieu-chung-cua-benh-dau-mua-khi-6

Tỷ lệ tử vong cao hơn ở trẻ em và thiếu niên, và những người có hệ miễn dịch suy giảm có nguy cơ bị bệnh nặng.

Mắc đậu mùa khỉ khi mang thai cũng dẫn tới biến chứng, truyền từ mẹ sang thai nhi, hoặc thai chết lưu, WHO cảnh báo.

"Các ca đậu mùa khỉ nhẹ có thể không phát hiện ra và tiềm ẩn nguy cơ lây từ người sang người", theo WHO.

Nhưng rất may, chúng ta đã có vaccine phòng bệnh này.

Điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ như thế nào?

Như đã chia sẻ, bệnh đậu mùa khỉ thường tự khỏi theo cách của nó. Nhưng một số loại thuốc chống virus đường uống có tên là Tecovirimat đã được Liên minh châu Âu (EU) phê chuẩn đầu năm nay để điều trị bệnh đậu mùa (smallpox), bệnh đậu mùa khỉ (monkeypox) và cowpox. Nó có thể hạn chế sự lây lan của virus cũng như ngăn bệnh nặng.

Tiêm phòng vaccine phòng bệnh đầu mùa được cho là có hiệu quả trong việc ngăn ngừa đậu mùa khỉ. Nhưng do bệnh đầu mùa đã được xóa sổ từ hơn 40 năm trước, dân số trẻ "không còn hưởng lợi nhờ chương trình tiêm chủng vaccine ngừa đậu mùa trước đây", theo WHO, do thời gian trôi qua đã quá lâu.

Một loại vaccine mới do Bavarian Nordic phát triển nhằm phòng ngừa cả đậu mùa lẫn đậu mùa khỉ đã được phê chuẩn ở EU, Mỹ và Canada, nhưng chưa được lưu hành rộng rãi. Ngoài ra, CDC cho biết việc sát khuẩn nhà cửa cũng góp phần tiêu diệt virus đậu mùa khỉ.

trieu-chung-cua-benh-dau-mua-khi-4

Anh bắt đầu tiêm chủng vaccine đậu mùa cho những nhân viên y tế có nguy cơ trong lúc chăm sóc bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ. Chính phủ Mỹ cho biết có đủ vaccine trong Kho dự trữ chiến lược quốc gia (SNS) để tiêm phòng cho toàn bộ dân số Mỹ.

Bộ Y tế và Dịch vụ Con người Mỹ cũng cho biết, hiện có một thuốc kháng virus dùng cho đậu mùa và có thể áp dụng đối với đậu mùa khỉ trong một số trường hợp cụ thể.

Để phòng tránh, giới chức y tế khuyến cáo mọi người nên tránh tiếp xúc gần với người có dấu hiệu bị bệnh đậu mùa khỉ hoặc đang bị ốm. Người nghi ngờ đang mắc bệnh này nên cách ly và tìm kiếm sự hỗ trợ từ cơ quan y tế.

Trong khi đó, bà Angela Rasmussen, nhà virus học của Tổ chức Vắc xin và Bệnh truyền nhiễm tại Đại học Saskatchewan (Canada) cho rằng không nên quá ngạc nhiên khi xuất hiện virus hoặc bệnh dịch.

Bà cho biết thế giới đang trở nên cảnh giác hơn sau khi dịch COVID-19 xuất hiện. Có nhiều yếu tố đẩy nhanh nguy cơ xảy ra dịch bệnh, bao gồm đi lại toàn cầu gia tăng, biến đổi khí hậu tăng tốc và virus lây lan nhanh hơn.

Liên quan tới bệnh đậu mùa khỉ đang xuất hiện tại một số quốc gia trên thế giới với nhiều người mắc, sáng 23/5, đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: 

Hiện nay, các đơn vị chức năng trong nước vẫn đang giám sát chặt chẽ căn bệnh này để ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập; Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới kịp thời cập nhật các thông tin về căn bệnh và các biện pháp ứng phó.

Xem thêm: Vua Gia Long chết vì bệnh gì mà đông y bó tay, tây y cũng bất lực?

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận