Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam

"Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam" - đây không chỉ là lời kêu gọi mà còn là chân lý, là khoa học, là mỹ học. Phải biết lịch sử một cách tường tận, rõ ràng, cụ thể. Không dạy cho thế hệ tương lai biết về tường tận về lịch sử là có lỗi với lịch sử.

Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam

"Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam" - đây không chỉ là lời kêu gọi mà còn là chân lý, là khoa học, là mỹ học. Phải biết lịch sử một cách tường tận, rõ ràng, cụ thể. Không dạy cho thế hệ tương lai biết về tường tận về lịch sử là có lỗi với lịch sử.

Những câu chuyện về học và thi môn Lịch sử đã được bàn luận rất nhiều năm trở lại đây. Ngược thời gian trở về năm 2014, dư luận xôn xao câu chuyện, năm đó rất ít học sinh chọn môn lịch sử làm môn thi tốt nghiệp. Có trường không có học sinh nào đăng ký, có trường chỉ có một em, thế là em này liền được coi là hiện tượng, được phỏng vấn, được chụp ảnh đăng báo. 

Hay mới đây nhất là chuyện, Lịch sử trở thành môn "tự chọn" nằm trong tổ hợp khoa học xã hội từ lớp 10. 

Cụ thể, theo chương trình giáo dục phổ thông mới đã phê duyệt năm 2018 (thường gọi là chương trình GDPT 2018) và bắt đầu áp dụng kể từ năm học 2022 – 2023, chương trình lớp 10 mới nói riêng và bậc THPT nói chung cho phép học sinh được lựa chọn môn học, nội dung học để phù hợp với năng khiếu, sở thích của mình. Và trong số các môn học lựa chọn thì có: Nhóm môn khoa học xã hội: Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật; Nhóm môn khoa học tự nhiên: Vật lí, Hóa học, Sinh học; Nhóm môn công nghệ và nghệ thuật: Công nghệ, Tin học và Nghệ thuật (gồm Âm nhạc và Mĩ thuật).

Các trường có thể xây dựng nhiều tổ hợp môn học từ 3 nhóm môn học và chuyên đề học tập để đáp ứng nhu cầu của người học vừa đảm bảo phù hợp điều kiện đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của các trường.

Năm 2014, nói về câu chuyện "Lịch sử", PGS.TS Nguyễn Thanh Tú cùng chia sẻ trên tờ Quân đội nhân dân rằng: Lịch sử là môn học lẽ ra phải được coi trọng vì lịch sử là quá khứ của một dân tộc. Bác Hồ đã nói, lịch sử là "gốc tích nước nhà". Lịch sử làm nên văn hóa dân tộc, quy định bản sắc văn hóa, tâm hồn tính cách dân tộc. 

Người ta nói, quá khứ cắt nghĩa hiện tại, hiện tại cắt nghĩa tương lai là theo nghĩa này. Đúng vậy, quá khứ luôn là điểm tự, là bệ phóng cho hiện tại. Bài học từ quá khứ sẽ là hành trang tinh thần cho thế hệ hôm nay cất cánh bay vào tương lai.

Trong tác phẩm nổi tiếng “Lịch sử nước ta”, Bác Hồ có hai câu thơ này: Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam. Hai câu thơ này không chỉ đơn thuần là lời kêu gọi mà còn là chân lý, là khoa học, là mỹ học. Bác nói “cho tường” nôm na nhưng thật sâu sắc: Phải biết lịch sử một cách tường tận, rõ ràng, cụ thể. Không dạy cho thế hệ tương lai biết tường tận về lịch sử là có lỗi với lịch sử.

"Biết sử ta" không chỉ đơn thuần là ghi nhớ một vài mốc sự kiện, một vài chiến công hiển hách, một vài tên vị tướng anh hùng mà phải biết tìm hiểu "cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam". Có nghĩa là phải biết tường tận "chân tơ kẽ tóc", càng biết nhiều càng thấu hiểu nhiều, càng thấu hiểu nhiều mới càng trân quý giá trị lịch sử của dân tộc, nhớ ơn những bậc tiền nhân khai sinh nền móng nhà nước, nhớ ơn các anh hùng, liệt sĩ không tiếc máu xương đổi lấy nền độc lập của dân tộc

Khi chúng ta thấu hiểu được những điều đó và thấu hiểu được giá trị lịch sử, ngọn lửa yêu nước mới bùng cháy trong lòng ta, lòng tự hào, tự tôn dân tộc tự khắc lớn mạnh trong ta và ta càng có ý thức, trách nhiệm dựng xây quê hương, đất nước nhiều hơn. Câu nói của Người không chỉ có giá trị ở thời điểm đó, mà có giá trị muôn đời.

Xem thêm: Lịch sử trở thành môn "tự chọn": Đã có lý giải từ lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo