Trong xu thế chung của văn học hậu hiện đại, vấn đề tình yêu luôn đi liền với tình dục đã là một thị hiếu chung của các nhà văn, nhất là nhà văn trẻ. Đề tài tình yêu không bao giờ cũ với văn học. Những mối tình thơ trong sáng như Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng, Mẫn và tôi của Phan Tứ, Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu… của những nhà văn lớp trước dường như đã là quá khứ, là dĩ vãng. Các nhà văn đương đại và nhất là nhà văn trẻ khái niệm tình yêu gắn liền với tình dục. Nguyễn Thế Hùng trong truyện ngắn Ngược sáng (Báo Tuổi trẻ cuối tuần, số 16-2010, trang 32): “Tôi muốn tôn thờ một tình yêu thánh thiện. Tôi sợ lắm phút nhập thần cũng là tình yêu tắt thở… Nhưng tôi đã sai lầm, chí ít là trong tình cảm đối với Thi. Để đến khi em ra đi tôi mới biết em nghi ngờ khả năng đàn ông trong tôi”. Trong Vũ điệu của cái bô, Nguyễn Quang Thân viết về người đàn bà, sống trong tình dục để những khái niệm đẹp về tình yêu chỉ là thứ xa xỉ: “Chị phô bày cái bản năng dữ dội nhưng bao giờ cũng hồn nhiên của một người đàn bà. Nhưng anh không thèm chị. Giá chị để cho anh bình tĩnh anh sẽ an ủi chị như một người anh. Nhưng chị đã quýnh lên và cáu: “Trí thức chỉ là thế này thôi à? Trong sách người ta không dạy các anh ư?” Chị hạ mình trước anh, làm cả những điều chị chưa hề làm với người khác. Nhưng anh chỉ rúm ró lại trong nỗi đau hàn sĩ. Chị trần truồng đi ra cửa để về phòng mình, ném đại mảnh vải Thái lan nhỏ xíu vào mặt anh rồi rít lên trong cơn giông bão đàn bà” “Lại một con sứa nữa! Tôi còn căm ghét anh hơn cả ba thằng kia!”.
Nhiều câu chuyện tình yêu trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư là những mối tình chung thủy, yêu ai yêu đến trọn đời, yêu nhau là phải hy sinh cho nhau. Kiểu yêu của những người nông dân chân chất, trong sáng. Tình yêu trong truyện Nguyễn Ngọc Tư đậm chất truyền thống, yêu trong tâm hồn, trong thủy chung, yêu nhau là giữ gìn cho nhau. Chính vì thế, tình yêu không pha lẫn màu tình dục nên tạo vẻ đẹp thánh thiện, trong suốt. Phi trong Lý con sáo sang sông hết lòng yêu thương Út Thà nhưng anh nghèo quá không thể mang hạnh phúc cho người mình yêu. Và chính anh: “Nói cho kỹ, chuyến này là anh Phi gả em. Anh nói bên chồng em khá giả lại đàng hoàng, xứ đó ai cũng biết chịu khó làm ăn” [2, trang 79]. Một bức tranh đẹp về tình yêu nhưng nhuốm buồn. Một nỗi buồn cho thân phận con người trong kiếp nghèo, không thể tìm được hạnh phúc cho chính mình.
Truyện ngắn Lương (hay còn có tên khác là Bến đò xóm Miễu) , một anh chàng lái đò, yêu chân thật, tha thiết cô gái tên Bông. Mặc dù cô có lúc sa ngã, bán bia ôm, rồi làm gái bao… nhưng tình yêu chân thành của anh lái đò vẫn không thay đổi như nước không đổi dòng. Một mối tình là niềm thủy chung của Trọng luôn mong chờ ngày người đàn bà hồi tâm trở về mái ấm gia đình với chồng với con, mặc dù cô em vợ vẫn thiết tha yêu anh từ khi còn là những đứa trẻ mới lớn: “Nhưng từ lúc chị Ái tôi bỏ đi, cứ mỗi lần tôi qua nhà, Trọng lánh đi chỗ khác, tôi buồn, trách, thằng Bầu mới sáu tuổi nhưng đã trở thành xướng ngôn viên cho ba nó, nó biểu, dì Út đừng có giận, ba con nói dì giống má con quá, nhìn dì ba con chịu hổng nổi. Tôi nổi khùng trong bụng, nhìn tôi thì thương tôi chớ mắc mớ gì mà nhớ về người khác.” [4, trang 119]. Cái câu ca dao: “Trồng tre trở gốc lên trời, Con chị qua đời rồi tới con em.” xem ra không đúng trong nhiều truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư. Chiều vắng là một nỗi buồn mang mang về bi kịch gia đình. Câu chuyện hai mươi năm trước, đôi trai gái yêu nhau, vượt qua sự ngăn cản của gia đình. Và khi cả hai chờ tiếng khóc chào đời của kết quả tình yêu thì bi kịch đổ ập đến. Và rồi đứa bé không ra đời, người vợ bị gả đi xa xứ, chỉ nỗi uất nghẹn trong lòng người chồng. Mặc dù cô em vợ hết lòng yêu thương, quan tâm đến cậu Tư Nhớ: “Dì Thu Lý chỉ còn làm được một chút đó cho Tư Nhớ để trả cho cậu cái món nợ nhà dì đã vay, để cậu gặp lại người xưa nhưng cậu đã phụ lòng, khi dì Ba Thu Lê về, tận mặt nhau, cậu lắc đầu, cười, khẳng khái “Em Lê đâu có già, đâu có mập ú ù u như vầy”. Cả ba người quay lưng lại với nhau, bưng mặt khóc, thương cho tuổi xuân đã đi qua” [7, trang 50]. Đó là bi kịch của ba người, ba mảng đời dang dở trong mối tình chung thủy.
Truyện Hiu hiu gió bấc là một tấm lòng nhân nghĩa của hai tâm hồn yêu nhau tha thiết nhưng ngặt nỗi, chàng trai mồ côi quá nghèo không cục đất chọi chim và cũng vì món nợ ân nghĩa: “Hồi đó tía anh rầy dữ lắm. Anh thưa, với con nợ sữa là món nợ lớn nhất đời người. Con đã nợ má em Hoài, tía à” [3, trang 32]. "Hôm đám anh Hết còn tỉnh bơ ngồi ngoài bờ, dưới gốc còng, hào hứng bày cờ ra chơi với mấy đứa nhỏ. Đám bạn gái ai cũng xì xầm, chắc thằng Hết không thương thiệt con Hoài nên mới dửng dưng vậy. Chị Hoài nghe mà khóc không thôi, bảo với chị Hảo, có cái tiếng bạc tình ảnh cũng gánh cho em rồi." [3, trang 32,33]. Đúng là một nhân cách, một tâm hồn cao đẹp.
“Trên đời này chỉ có một việc đáng nói. Đó là tình yêu, vì đó là nguyên nhân của mọi sự sung sướng và là mầm mống của mọi sự đau khổ” (danh ngôn Pháp). Tình yêu là tinh hoa của cuộc sống và tình yêu chỉ thăng hoa trong những tâm hồn cao thượng, biết sống hết lòng cho nhau.
(Theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Thành - Trường THPT Vĩnh Viễn)
[1]. Huỳnh Như Phương tuyển chọn (1986), Mùa xuân chim én bay về, Nxb Cửu Long.
[2]. Nguyễn Ngọc Tư (2000), Ngọn đèn không tắt, Nxb Trẻ.
[3]. Nguyễn Ngọc Tư (2005), Cánh đồng bất tận, những truyện hay và mới nhất, Nxb Trẻ.
[4]. Nguyễn Ngọc Tư (2003), Giao thừa, Nxb Trẻ.
[5]. Nguyễn Ngọc Tư (2008), Gió lẻ và 9 câu chuyện khác, Nxb Trẻ
[6]. Nguyễn Ngọc Tư (2009), Yêu người ngóng núi, tản văn, Nxb Trẻ.
[7]. Nguyễn Ngọc Tư (2005), Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, Nxb Văn hóa Sài Gòn.
Xem thêm: Ăn chắc điểm cao bài lý luận văn học nếu biết cách vận dụng 108 nhận định dưới đây