Có bao giờ bạn lạc lõng và chênh vênh trong những ước mơ, hoài bão của chính bản thân mình chưa? Bạn nuôi dưỡng một đích đến đầy khát khao nhưng lại băn khoăn không biết đâu là con đường phải đi tốt nhất cho hành trình đó. Một trong những câu trả lời đúng đắn nhất đó chính là đánh thức “con người phi thường” bên trong bạn, như chính Anthony Robbins đã từng cho rằng: "Tôi thật sự tin tưởng trong mỗi chúng ta có một con người phi thường đang say ngủ". Con người phi thường có phải là một con người biết "phép thuật" siêu nhiên hay một siêu anh hùng như trong vũ trụ Marvel? Thật ra, đó đơn giản là người dám thực hiện, dám đáp ứng bất kì nhu cầu khác thường của người khác và hoàn thành nó một cách xuất sắc. Và bất kì ai trong chúng ta cũng đều đang sở hữu nó. Nhưng vì sao Anthony Robbins lại nói rằng nó "đang say ngủ"? "Đang say ngủ" chẳng phải là trạng thái khả năng phi thường đó đang bị giấu kín, chưa được khai phá hoặc tìm thấy hay sao? Câu nói của Anthony Robbins khẳng định mỗi người đều có một năng khiếu hoặc năng lực riêng đặc biệt về một lĩnh vực nào đó, điều quan trọng là phải nhận ra điều đó và biết cách tận dụng năng khiếu năng lực ấy để phát triển và khẳng định bản thân. Khi nhận ra được năng lực của mình, cần biết phát huy tối đa năng lực, sức mạnh tiềm ẩn ấy để đi đến thành công, không nên để nó bị mai một.
Có như vậy, con người ta mới rèn luyện được cho bản thân những tài năng mình đang có, được mở mang, được khai phá bản thân, cống hiến cho xã hội, được hòa nhập với cộng đồng, nhận được sự yêu quý, kính trọng. Tôi từng đọc và suy ngẫm rất lâu về câu chuyện cuộc đời của Abraham Lincoln - từ một người kinh doanh thất bại đến một vị luật sự tài ba và vị tổng thống nổi tiếng của nước Mĩ, tôi lại càng thấm thía hơn về ý nghĩa sâu xa của chuyến hành trình tìm ra “con người phi thường” của chính mình. Tuy nhiên, trong xã hội vẫn còn có những người luôn tự ti, mặc cảm và luôn nghĩ mình sẽ không làm được bất cứ điều gì. Nếu bạn không nhận ra được tầm quan trọng của việc khám phá chính mình trong cuộc sống, “nếu bạn không lập trình chính mình, cuộc sống sẽ lập trình bạn”. Chính vì thế, ngay lúc này đây, tôi sẽ nỗ lực khai phá bản thân để đánh thức “con người phi thường” của mình. Còn bạn, bạn đã sẵn sàng để tìm thấy “con người phi thường” của mình chưa?
Cách viết đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ
1: Nêu vấn đề (câu mở đoạn)
- Dẫn dắt - giới thiệu vấn đề: Dẫn dắt từ câu nói hoặc trực tiếp nêu ngay vào đề tài yêu cầu. (thông thường là vấn đề đã cho trong nội dung phần Đọc hiểu).
- Đánh giá khái quát vấn đề (tích cực, tiêu cực, ....)
2: Triển khai vấn đề (đưa ra suy nghĩ - cách hiểu của em về đề tài nghị luận)
- Giải thích các khái niệm liên quan.
- Bàn luận về vấn đề: biểu hiện; tác dụng, ý nghĩa; phản đề hoặc mở rộng vấn đề dựa trên quan điểm cá nhân.
+ Đặt ra các câu hỏi vì sao, tại sao. Sau đó bình luận, chứng minh từng ý lớn, ý nhỏ, sắp xếp luận cứ một cách rõ ràng.
+ Lựa chọn dẫn chứng phù hợp, tiêu biểu, ngắn gọn, chính xác.
- Rút ra bài học cho bản thân hoặc liên hệ tới các hiện tượng tác động trực tiếp hoặc tương tự với đề tài.
3: Kết thúc vấn đề (tổng kết lại vấn đề)
+ Khẳng định ý nghĩa và tính thời sự của hiện tượng.