Chùa Từ Hiếu ở đâu, thờ ai?

Chùa Từ Hiếu là ngôi chùa cổ và là danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở kinh thành Huế. Chùa Từ Hiếu gắn liền với câu chuyện về lòng hiếu thảo, đạo làm con.

Đỗ Thu Nga
12:00 13/01/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Chùa Từ Hiếu ở đâu?

Cố đô Huế từng là thủ đô của nước Việt ta từ năm 1788 dưới triều đại Tây Sơn khi Hoàng đế Quang Trung tức Nguyễn Huế lên ngôi. Cố đô Huế là nơi hội tụ rất nhiều di sản văn hóa, trong đó có hệ thống kiến trúc cung đình Huế.

Tuy nhiên, bên cạnh Cố đô Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế còn nổi tiếng với hệ thống các chùa chiền cổ với nhiều ý nghĩa văn hóa, tâm linh khác nhau. Nổi bật trong số đó là chùa Tứ Hiếu.

Chùa Từ Hiếu an tọa ở thôn Dương Xuân Thượng III, phường Thủy Xuân, TP Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế). Đây là ngôi chùa cổ tự lớn và là một danh lam có tính văn hóa và lịch sử của Cố đô Huế.

Chùa Từ Hiếu ẩn mình trong rừng thông thanh mướt, rộng khoảng 8 mẫu (4.000m2) trên một vùng đồi. Phía trước có khe nước, phong cảnh nên thơ. Chùa nằm cách trung tâm TP Huế khoảng 5km, đường xá đi lại khá thuận lợi. Phật tử và du khách lên chùa mỗi ngày rất đông.

chua-tu-hieu-o-dau-tho-ai
Điện chính chùa Từ Hiếu

Du khách đến thăm chùa Từ Hiếu không chỉ để tìm hiểu và chiêm nghiệm đạo thiền của Phật giáo mà còn để tìm hiểu về một di tích lịch sử, văn hóa gắn liền với triều nhà Nguyễn.

Theo sách sử ghi lại, chùa Từ Hiếu ban đầu chỉ là một cái Am nhỏ mang tên An Dưỡng Am do sư Nhất Định lập ra để phụng dưỡng mẹ già. Sau này, vua Tự Đức vì cảm động lòng hiếu thảo của nhà sư Nhất Định mà ban tặng tấm biển "Sắc tứ Từ Hiếu Tự". Cũng chính từ đó mà chùa có tên là Từ Hiếu. Các vị thám giám trong nội cung thường xuyên ghé chùa để thăm và góp tiền công đức để tu sửa, mở rộng ngôi chùa.

Cho đến nay, dù đã trải qua thời gian dài và các diễn biến lịch sử của đất nước nhưng tổng thể kiến trúc của chùa vẫn được giữ nguyên. Cấu trúc của chùa Từ Hiếu gồm: cổng chùa, sân vườn, chính điện, hậu điện. 

Chùa Từ Hiếu được xây dựng theo kiến trúc kiểu vòm cuốn, bước qua cổng du khách sẽ bắt gặp một hồ nước hình bán nguyệt có nuôi cá cảnh và trồng sen. 

Chính điện được xây dựng theo kiểu ba gian hai chái, phía trước thờ Phật Tổ Như Lai, phía sau thờ Tả quân đô thống Lê Văn Duyệt và nhiều vị thần khác. Trong khuân viên của chùa có nhiều cây trái, hồ nước xen lẫn với tháp mộ của các vị thiền tăng đời trước. 

Cho đến nay, chùa Từ Hiếu đã trải qua nhiều đời trụ trì như: Hòa thượng Cương Kỷ, hòa thượng Huệ Đăng, hòa thượng Tâm Tịnh, hòa thượng Huệ Minh, Hòa thượng Chơn Thiệt, hòa thượng Chí Niệm, hòa thượng Chí Mậu.

Chùa Từ Hiếu được khánh thành năm 1848, có mặt tham dự của vua Dực Tông, bà Từ Dũ và các quan đại thần. Năm 1924, chùa tổ chức Đại Giới Đàn có sự tham dự của vua Khải Định, hòa thượng Tâm Tịnh làm đàn đầu, hòa thượng Huệ Minh làm đàn chủ. Hòa thượng Mật Khế, Viên Quan, Bích Phong, Đôn Hậu là những giới tử xuất thần từ giới đàn này.

Năm 1965, Đại Giới Đàn Vạn Hạnh được tổ chức tại đây. Qua các đời trụ trì, chùa đã trùng khắc và in các kinh văn như: Phật Thuyết Báo Ân Phụng Bồn Kinh, Cao Vương Quan Thế Âm Kinh, Thiền Môn Nhật Tụng, Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa Kinh, Pháp Bảo Đàn Kinh, Niệm Phật cầu vãng sanh nghi. Chùa cũng là nơi trực tiếp hoặc gián tiếp tác thành danh tăng và thiền sư như: Diệu Giác, Hải Thiệu, Tâm Tính, Huệ Minh, Huệ Pháp, Huệ Giác, Viên Giác, Viên Thành, Chơn Thiện, Chơn Như...

Chùa Từ Hiếu - biểu tượng của lòng hiếu thảo

Tương truyền, năm 1843, sau khi từ chức Tăng Cang Giác Hoàng Quốc Tự và trao quyền điều hành chùa Bảo Quốc cho pháp đệ là Nhất Niệm, hòa thượng Nhất Định đã đến khu rừng thông khai sơn, dựng An Dưỡng Am để tịnh tu và phụng dưỡng mẹ già.

 Hòa thượng Nhất Định nổi tiếng là người con hiếu thảo nên có lần mẹ bệnh nặng, hằng ngày ông lo thuốc thang nhưng bà vẫn không đỡ. Có người ái ngại khuyên ông mua thịt cá về tẩm bổ cho mẹ để bà hồi sức.

Nghe xong, mặc thiên hạ đàm tuế, chê bai, hòa thượng Nhất Định chống gạy băng rừng lội bộ xuống chợ mua cá về nấu cho mẹ già ăn. Sau này câu chuyện cảm động về đức hiếu thảo của hòa thượng Nhất Định truyền đến tai vua Tự Đức. 

Vốn là vị vua hiếu thảo với mẹ nên vua đi lên An Dưỡng Am để biết thực hư. Rất cảm phục tấm lòng của sư Nhất Định nên đã ban Sắc tứ Từ Hiếu tự. Chùa được mang tên Từ Hiếu từ đó. 

chua-tu-hieu-o-dau-tho-ai

Trong quá trình xây dựng, trong tấm bia đá có chú thích:

-Từ: là đức lớn của Phật, nếu không từ thì lấy gì tiếp độ tứ sanh cứu giúp vạn loại.

-Hiếu: là đầu hạnh của Phật, nếu không hiếu thì lấy gì để đạt thông cõi nhiệm bao phủ đất trời.

Có nghĩa, Từ là để dạy thiên hạ cái đạo làm cha và Hiếu là để dạy thiên hạ đạo làm con. Ngôi chùa từ đó đã đi sâu vào lòng người không chỉ bởi bề dày lịch sử hay công trình tráng lệ mà hơn cả đó là trường ca hiếu nghĩa và độ sinh.

Với câu chuyện cảm động trên, chùa Từ Hiếu đã trở thành biểu tượng của chốn thiền môn về đạo hiếu trong nhiều thế kỷ qua. Cũng không biết từ bao giờ chùa trở thành biểu tượng cho lòng hiếu thảo của con cái với đấng sinh thành. Điều này đã thấm sâu vào đời sống văn hóa của người dân nơi đây như một nét đẹp văn hóa.

Cứ vào mùa Vu Lan báo hiếu, các phật tử lại đến chùa làm lễ, cài hoa lên áo để thể hiện lòng hiếu thảo với cha mẹ. Ít ai biết rằng, nơi đây chính là mà thiền sư Thích Nhất Hạnh trụ trì. Ngài chính là người đặt nền móng khai sinh ra tục "bông hồng cài áo". Cho đến nay đã trở thành một nét văn hóa riêng của người Việt. 

Chùa Từ Hiếu - nghĩa trang của nhiều phi tần, thái giám triều Nguyễn

Chùa Từ Hiếu không chỉ khiến du khách tò mò về kiến trúc, câu chuyện về đạo hiếu mà còn tò mò về nghĩa trang đặc biệt nằm trong chính khuôn viên chùa. Ít ai biết rằng, đây là nghĩa trang độc nhất vô nhị, nơi an nghỉ của 24 vị thái giám triều Nguyễn.

Tương truyền, sau khi thiền sư Nhất Định viên tịch, Thảo Am đường được tu sửa và mở rộng thành chùa Từ Hiếu dưới sự giúp đỡ của vị thái giám tên Châu Phước Năng. Thiền sư chính là người nhận ra được số phận của các vị thái giám như mình khi về già không người thân, không nơi nương tựa.

chua-tu-hieu-o-dau-tho-ai
Nghĩa trang ở trung tâm chùa

Để khi chết đi họ có nơi thờ tự, hương khói nên thiền sư kêu gọi các thái giám trong triều quyên góp mở rộng Thảo Am đường để sau này có nơi yên nghỉ. Việc làm này sau đó được vua Tự Đức chấp nhận. 

Vì có sự đóng góp xây dựng chùa nên sau khi chết, các thái giám được chôn cất ở một ngọn đồi nhỏ nằm cạnh chùa Từ Hiếu. Vốn mang thân phận thiệt thòi, họ xem cửa Phật chính là nơi nương nhờ lâu dài. 

Trước đây, khu nghĩa trang này nằm bên phải của chùa có diện tích gần 100m2, xung quanh là những bức tường bảo vệ cao khoảng 1,5m. Hơn 24 ngôi mộ được chia làm ba hàng, sắp xếp từ nhỏ đến lớn theo chức vụ của quan thái giám xưa. Ở giữa có tấm bia khắc ghi công lao đóng góp của họ đối với triều đình.

Đại đức Thích Từ Hải tu hành lâu năm tại chùa Từ Hiếu cho biết: "Ngày trước nơi chôn cất của các vị thái giám ít người biết đến nên quanh năm thường hoang vu lạnh lẽo. Hằng năm cứ đến đầu tháng 11 âm lịch, chùa lại tổ chức hiệp kỵ, cúng viếng cho các vị thái giám. Gần đây, nhiều người đã quan tâm hơn đến những phần mộ này nên thường xuyên tới chùa thắp hương tỏ lòng thương cảm.

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận