"Bản thân tôi từng là nạn nhân khi đi vào "ổ gà" và ngã ra đường nên rất hiểu sự nguy hiểm. Tôi làm công việc này chỉ mong ai tham gia giao thông cũng được an toàn" - anh Phạm Văn Hiếu (sinh năm 1991; ngụ thôn Khê Hồi, xã Hà Hồi, huyện Thường Tín, TP Hà Nội) tâm sự.
Từ một cú ngã xe
Vào một chiều tối mưa năm 2010, trên đường đi làm về anh Hiếu đã đi vào một "ổ gà" ngập nước và bị ngã ra đường. Rất may lúc đó đi với tốc độ chậm và không có xe nào đi phía sau nên anh Hiếu chỉ bị trầy xước ngoài da. Tấp vào lề đường nghỉ ngơi, anh Hiếu tận mắt chứng kiến có phụ nữ cũng đi vào "ổ gà" ngập nước đó và cũng ngã ra đường.
Về nhà, anh Hiếu suy nghĩ rất nhiều. Nếu như không ai vá "ổ gà" đó thì sẽ còn nhiều người ngã xe, mình là người biết sự nguy hiểm mà không có cách nào ngăn chặn thì không được. "Những cảnh tượng người ngã xe tại "ổ gà" cứ ám ảnh tôi trong giấc ngủ. Sáng dậy, tôi quyết định sẽ đi vá những "ổ gà" gặp trên đường, còn lưỡng lự ngày nào thì sẽ còn có những vụ tai nạn xảy ra" - anh Hiếu nói.
Vốn là một nhân viên giao giấy nên Hiếu thường xuyên đi lại trên đường, những "ổ gà" Hiếu gặp không phải ít. Để có nhựa đường, đá dăm vá đường, thời gian đầu Hiếu đã bỏ tiền túi ra mua nguyên liệu và chờ đến khoảng từ 21 giờ khi phương tiện giao thông ít đi thì mới vá đường. Vá xong, Hiếu nhờ xe tải cán qua cho bằng phẳng, đợi khô mới về. Những "ổ gà" đầu tiên Hiếu vá ở trên đường Tam Trinh, đường Trường Chinh, tuyến đường gom cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ…
Thấy con trai đi làm cứ đêm mới về nhà, mẹ Hiếu - cô Lê Thị Chiến - rất lo. "Bình thường cứ 19 giờ là Hiếu đi làm về nhưng đợt đó cứ thấy 23 giờ mới về, tôi hỏi thì con bảo tăng ca. Mãi sau mới biết con đi vá đường. Tôi bảo đấy là việc của cơ quan chức năng, con đi vá đường ai ghi nhận mà có khi họ tưởng "phá đường" lại bắt đấy nhưng Hiếu bảo mẹ cứ yên tâm, con không làm việc gì xấu đâu" - cô Chiến tâm sự.
Quả thật, trong những lần vá đường đã có không ít lần Hiếu bị người dân hiểu lầm. "Có lần vào khoảng 20 giờ, tôi đang lấy chậu tát nước tại một "ổ gà" khá lớn để chuẩn bị vá đường. Thấy tôi lúi húi làm một mình, người dân nghi ngờ và báo chính quyền địa phương. Sau khi nghe tôi giải thích, người dân đã hiểu việc làm của tôi và hỗ trợ tôi điều khiển giao thông, vá đường" - Hiếu nói.
Những chú "ong thợ" cần mẫn trong đêm
Sáu năm tình nguyện vá đường, Hiếu chẳng khoe khoang với ai, cũng chẳng có tấm hình nào trên trang cá nhân Facebook, bởi việc làm của Hiếu xuất phát từ tấm lòng, không phải vì thành tích hay hư danh.
Khi tôi hỏi Hiếu đã vá được bao nhiêu đoạn đường, Hiếu nói chẳng nhớ nổi vì Hiếu không liệt kê những đoạn đường mình đã vá, Hiếu chỉ biết cứ ở đâu đường hỏng thì Hiếu sẽ cố gắng vá sớm nhất, trung bình một tuần Hiếu đi vá đường 2 - 3 lần, địa bàn chủ yếu là khu vực phía Nam TP Hà Nội.
Thấy chàng trai hì hục vá đường một mình, không mặc áo phản quang, không ai điều tiết giao thông, một số bạn trẻ đã chung tay cùng Hiếu vá đường và thành lập Nhóm Thanh niên thiện nguyện Thường Tín năm 2016. Từ đó, công việc vá đường của Hiếu đã có thêm đồng đội và được thực hiện bài bản, đều đặn hơn. Hễ thành viên nào trong nhóm phát hiện có "ổ gà" là sẽ đưa thông tin lên và nhóm sẽ tiến hành vá sớm nhất.
Không chỉ bỏ công mà các bạn trẻ còn tự nguyện đóng góp kinh phí mua vật liệu vá đường. Nhóm cũng được một số chủ công trình cho vật liệu khi họ thừa không sử dụng đến. Địa bàn vá đường cũng ngày càng được mở rộng - ban đầu chỉ ở khu vực phía Nam TP Hà Nội rồi dần dần đã lan ra cả thành phố và một số tỉnh lân cận như Hà Nam, Hưng Yên, Hòa Bình...
Cô Lê Thị Viết - 50 tuổi, thành viên nhóm - cho biết: "Tôi tham gia nhóm được mấy năm rồi, cứ ở đâu thấy đường hỏng là mọi người bảo nhau đi vá chứ không có lịch cụ thể. Ai có công bỏ công, ai có tiền góp tiền, chỉ mong không ai bị ngã xe từ những "ổ gà", "ổ voi", ai cũng được bình an trên con đường về nhà".
Trong số hàng trăm "vết thương" của những con đường được chữa trị, Hiếu nhớ nhất lần vá đường gần Nhà máy Đường Vạn Điểm (huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội). Đoạn đường có một "ổ voi" rất to - khoảng 6 m, sau khi Hiếu nêu kế hoạch vá đường đã được rất nhiều người giúp đỡ từ xe chở vật liệu đến nhân công. "Lúc đó nhóm có khoảng 7 - 8 bạn đi vá nhưng vừa bắt đầu công việc thì người dân xung quanh đã đến giúp đỡ rất đông, chỉ một lúc đã vá xong. Sau đó nhờ xe tải cán qua cho bằng phẳng, một "ổ voi" đã bị xóa sổ trong thời gian ngắn" - Hiếu kể.
Tuổi trẻ cống hiến cho cộng đồng
Giờ đã có gia đình nhỏ nhưng Hiếu vẫn không bỏ việc vá đường. Trong chái nhà của Hiếu ngổn ngang các bao tải nhựa đường, búa, găng tay... để vá đường. Hiếu nói để bảo đảm chất lượng, Hiếu đã học hỏi kỹ thuật từ một anh bạn kỹ sư cầu đường, để tránh việc vá không đúng kỹ thuật, dễ hư hỏng trở lại.
Chị Lê Thị Phượng, vợ anh Hiếu, chia sẻ: "Anh đi làm cả ngày, đêm lại đi vá đường nên tôi rất lo cho sức khỏe của chồng. Tuy nhiên, anh nói đây là cái nghiệp mang vào thân rồi, không làm thì trong lòng rất trăn trở. Nhiều đêm, cả gia đình tôi cũng đi vá đường, con gái nhỏ 6 tuổi cũng hiểu việc làm của bố góp ích cho cộng đồng nên rất tự hào. Tôi chỉ mong chồng và các anh em đi vá đường được an toàn".
Trên đường đi giao hàng, cứ gặp tai nạn giao thông là Hiếu dừng lại hỗ trợ nạn nhân, đưa họ vào cơ sở y tế. Hiếu không nhớ đã đưa bao nhiêu nạn nhân vào bệnh viện, gần nhất Hiếu đã đưa một người bị ngã xe trên đoạn đường gom cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ vào bệnh viện. Tôi hỏi Hiếu có sợ bị người nhà nghi "hôi của" hay nghĩ là người gây ra tai nạn không, Hiếu cười hiền nói: "Nếu sợ thì tôi đã không dừng lại giúp họ. Tôi giúp người bằng cái tâm nên không sợ họ hiểu nhầm, tôi chỉ biết nếu để họ nằm ở đường như vậy thì rất nguy hiểm, đặc biệt là vào đêm tối".
Anh Lê Đức Thọ - Bí thư Huyện Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên huyện Thường Tín - cho biết: Việc làm của anh Hiếu cũng như nhóm bạn trẻ suốt 13 năm qua rất đáng trân trọng, thể hiện tinh thần tuổi trẻ cống hiến cho cộng đồng. Ngoài vá đường, nhóm của Hiếu còn thường xuyên tổ chức dọn rác, trồng cây xanh và vận động làm thiện nguyện, giúp đỡ những mảnh đời khó khăn. Với những việc làm ý nghĩa trên, năm 2023 Hiếu đã được UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu "Người tốt, việc tốt".
Cho đi giọt máu đào
Trong căn nhà nhỏ đơn sơ của Hiếu chẳng có mấy đồ đạc có giá trị, ngay cả những giấy khen được tặng Hiếu cũng cất trong tủ, chẳng treo lên vì ngại lời đàm tiếu. Nhưng có một thứ Hiếu nhiệt tình "khoe" chính là 70 cuốn sổ chứng nhận hiến máu nhân đạo.
Hiếu tham gia hiến máu từ khi thực hiện nghĩa vụ quân sự tại Quân đoàn 1, từ đó, cứ khi nào đủ điều kiện Hiếu lại đến Viện Huyết học - Truyền máu trung ương để hiến máu toàn phần và hiến tiểu cầu giúp đỡ các bệnh nhân đang cần máu điều trị. Hiếu còn đăng ký hiến máu khẩn cấp tại một số bệnh viện để khi bệnh viện cần máu Hiếu sẽ đến ngay.
"Có lần đang đêm, tôi nhận được điện thoại cần máu gấp từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, tôi liền đi gần 30 km đến hiến máu. Đêm rất lạnh nhưng trong lòng tôi rất ấm áp vì đã góp giọt máu kịp thời cứu chữa bệnh nhân" - anh Hiếu nói.
(Theo Người lao động)
Xem thêm: Việc tử tế: Người phụ nữ nghèo hơn 10 năm bỏ tiền túi vá đường