Ôn thi tốt nghiệp: Các nhà văn Việt nhận định về truyện ngắn như thế nào?
Nếu vận dụng các nhận định của nhà văn Việt về truyện ngắn sẽ giúp bạn có được một bài văn sâu sắc, chất lượng hơn.
1. “Văn học phản ánh hiện thực nhưng không phải là chụp ảnh sao chép hiện thực một cách thời hợt nông cạn. Nhà văn không bê nguyên si các sự kiện, con người vào trong sách một cách thụ động, giản đơn. Tác phẩm nghệ thuật là kết quả của quá trình nuôi dưỡng cảm hứng thai nghén sáng tạo ra một thế giới hấp dẫn sinh động, thể hiện những vấn đề có ý nghĩa sâu sắc, bản chất của đời sống xã hội con người. Nhân vật trong tác phẩm của một thiên tài thật sự nhiều khi thật hơn cả con người ngoài đời, bởi chính sức sống lâu bền bởi ý nghĩa điển hình của nó. Qua nhân vật ta thấy cả một tầng lớp 1 giai cấp một thời đại thậm chí có nhân vật vượt lên khỏi thời đại có ý nghĩa nhân loại vĩnh cửu sống mãi với thời gian”.
2. Nhà nghiên cứu văn học Đặng Thai Mai viết: “Điều quan trọng hơn hết trong sự nghiệp của những nhà văn vĩ đại ấy là cuộc sống – trường đại học chân chính của thiên tài. Họ đã biết đời sống xã hội của thời đại, đã cảm thấy sâu sắc mọi đau đớn của con người trong thời đại, đã rung động tận đáy tâm hồn với những nỗi lo âu bực bội tuổi hổ và những ước mong tha thiết nhất của loài người. Đó chính là cái hơi thở cái sức sống của những tác phẩm vĩ đại”.
==> Nhận định trên của Đăng Thai Mai làm nổi bật nội dung cơ bản; mối quan hệ giữa nhà văn và cuộc sống. Đó chính là sợi dây vững chắc cho mọi cánh diều tài năng bay bổng vươn tới tầm cao của thời đại, của con người.
3. Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã từng nhận định: “Chỉ cần một số ít trang văn xuôi mà họ (các bậc thầy về truyện ngắn) có thể làm nổ tung trong tình cảm và ý nghĩ người đọc những điều rất sâu xa và da diết của con người, khiến người đọc phải nhớ mãi, suy nghĩ mãi, đọc đi đọc lại vẫn không thấy chán”.
==> Ý kiến nêu lên đặc trưng của truyện ngắn, đồng thời khẳng định giá trị của những truyện ngắn xuất sắc: Tuy có quy mô nhỏ nhưng những vấn đề mà các nhà sáng tác truyện ngắn đặt ra là hết sức lớn lao, thể hiện những tư tưởng nhân sinh sâu sắc, có khả năng tác động mạnh mẽ đến nhận thức và tình cảm của người đọc và sự tác động ấy là rất bền lâu.
4. Nguyên Ngọc: “Truyện ngắn dẫu sao cũng phải ngắn, do đó thủ thuật chủ yếu của truyện ngắn là thủ thuật điểm huyệt. Trên cơ thể con người cũng như trên cơ thể cuộc đời, có những huyệt điểm nào đó, có thể làm rung động tất cả. Truyện ngắn nhằm vào đó. Truyện ngắn điểm huyệt hiện thực bằng cách nắm bắt trúng những tình huống cho phép phơi bày cái chủ yếu nhưng lại bị che giấu trong muôn mặt cuộc sống hàng ngày”.
==> Nhận định trên của tác giả đã đề cập đến một trong những yếu tố quan trọng của thể loại truyện ngắn là cách lựa chọn và xây dựng tình huống truyện. Ý kiến trên xuất phát từ những kinh nghiệm và tài năng sáng tạo của nhà văn Nguyên Ngọc. Là tiêu chí để có thể đánh giá giá trị của một tác phẩm truyện ngắn. Đề cao vai trò của tình huống truyện nhưng không có nghĩa là tuyệt đối hóa vai trò ấy. Bởi vì có những truyện ngắn hay nhưng tình huống truyện chưa hẳn đã là độc đáo, hấp dẫn.
5. “Cả tư tưởng, cả tính cách nhân vật cũng chưa làm nên truyện ngắn thực thụ. Còn phải nói cái này nữa: giọng điệu, cái nhạc tính của tâm trạng, cái khiến cho người đọc không ngừng nảy sinh những liên tưởng , những cảm xúc , thiếu nó, không thể có nghệ thuật”
6. Nam Cao từng viết: "Nghệ thuật không cần là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối; nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than, vang dội, mạnh mẽ trong lòng".
==> Câu nói của Nam Cao thật hàm súc, đã nói lên được một cách thật thấm thìa và sâu sắc quan điểm nghệ thuật của xu hướng văn học hiện thực “vị nhân sinh” tiến bộ đương thời.
7. Phạm Thị Hoài: "Những truyện ngắn hay - theo cảm nhận của tôi - thường gắn với thơ (...) Truyện ngắn dường như là đứa con tất yếu của người mẹ thơ và người cha văn xuôi. Nó là thơ viết bằng văn xuôi, bề ngoài mang tính cha mà bề trong mang tính mẹ”.
==>Ý kiến của Phạm Thị Hoài đã thể hiện những suy ngẫm, trải nghiệm của bà với tư cách là một nhà văn. Bằng cách nói hình ảnh, tác giả đã khẳng định tính chất giao thoa của hai thể loại truyện ngắn và thơ.
8. Nam Cao: “Một tác phẩm thật giá trị phải vượt lên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho tất cả các loài người. Nó phải chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi, nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bằng.. Nó làm cho người gần người hơn”.
9. Nguyễn Tuân: “Ở đâu có lao động thì ở đó có sáng tạo ra ngôn ngữ. Nhà văn không chỉ học tập ngôn ngữ của nhân dân mà còn là người phát triển ra ngôn ngữ sáng tạo. Không nên ăn bám vào người khác. Giàu ngôn ngữ thì văn sẽ hay… Cũng cùng một vốn ngôn ngữ ấy, nhưng sử dụng có sáng tạo thỉ văn sẽ có bề thế và kích thước. Có vốn mà không biết sử dụng thì chỉ như nhà giàu giữ của. Dùng chữ như đánh cờ tướng, chữ nào để chỗ nào phải đúng vị trí của nó. Văn phải linh hoạt. Văn không linh hoạt gọi là văn cứng đơ thấp khớp”.
==> Ý kiến của Nguyễn Tuân cho thấy ông rất quan tâm đến vấn đề ngôn ngữ văn học nói chung và ngôn ngữ văn xuôi nói riêng. Tuy ngôn ngữ không phải là yếu tố duy nhất làm nên tác phẩm văn học có giá trị nhưng nó yếu tố góp phần tạo nên giá trị của tác phẩm.
10. Tô Hoài: Truyện ngắn chính là cách cưa lấy một khúc đời sống"
11. Nguyễn Minh Châu: "Tôi thường hình dung thể loại truyện ngắn như mặt cắt giữa một thân cây cổ thụ : Chỉ liếc qua những đường vân trên cái khoanh gỗ tròn tròn kia, dù sau trăm năm vẫn thấy cả cuộc đời của thảo mộc"
Xem thêm: Giải đề: Bàn về kết thúc của truyện ngắn
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận