01
“Phải tạo ra một "khí quyển văn chương" thì văn học mới phát triển được. Người đọc yêu thích văn chương, tìm đọc văn chương thì mới kích thích nhà văn sáng tạo. Tác phẩm văn chương được yêu thích, được bảo vệ bản quyền, được chuyển thể thì nhà văn càng có cảm hứng sáng tác, có thể sống được bằng nghề. Khi một xã hội trọng văn chương, văn hóa, mới có thể hy vọng kết tinh ra tác phẩm lớn xứng tầm thời đại” (PGS. TS Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học). Sự tiếp nhận của người đọc và sự nghiêm túc, sáng tạo của người cầm bút là mối tương quan hai chiều nuôi dưỡng mảnh đất văn chương mênh mông, màu mỡ và phát triển không ngừng. Văn học trầm tư hay rộn rã, trơ độc giữa sương lạnh hay giương khát vọng giữa nắng ráo vàng ươm đều nằm trong sự tương quan hai chiều này. Vì thế, quá trình sáng tạo của nhà văn và tiếp nhận sâu sắc của bạn đọc vừa đong đầy sự rung cảm từ việc cảm nghiệm những trang văn, vừa là sứ mệnh để nuôi dưỡng và tiếp nối văn chương nước nhà vươn vai giữa biển lớn muôn ngàn. Khi ấy, ta đã cùng nhà văn tạo một “khí quyển văn chương”, cùng hít thở, dấn bước và đắm say trong những “mật ngôn” riêng dành từ tác phẩm.
02
“Sách xưa có câu: Văn chương là phương tiện để ghi chép đạo lý, cũng có nghĩa là cỗ xe chở đạo. Lại có câu: Nói mà không có văn chương thì lưu hành chẳng được xa. Vậy bất cứ tôn giáo nào cũng đều cần dùng văn chương để gửi gắm, phát triển, và truyền bá đạo lý, làm cho đạo lý có thể lưu lại ngàn đời, truyền xa ra ngoài muôn dặm. Ví như có một thắng cảnh kia, chân ta chưa từng bước tới, mắt ta chưa được xem qua, có thể nhờ văn chương của các tao nhân mặc khách miêu tả mà cảnh trí thanh lịch rực rỡ đều như hiện ra trước mắt, chẳng khác gì ta đã từng đi đến tận nơi vậy.” (Đoàn Trung Còn, tác giả cuốn “Tam Bảo Văn Chương”). Bởi thế, qua mỗi áng văn, ta lại đi qua những chuyến hành trình vô thanh nhưng đầy hương sắc, ta lặng lẽ cùng người nghệ sĩ cảm nhận thời cuộc, băng băng qua niềm vui - nỗi buồn - đau thương của con người để đến với chân trời khát vọng hướng con người có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
03
“Thời gian
Thoáng vội qua mau
Hình như
Thơ dẫn tôi vào mông lung
Đường đi thơ mãi vô cùng
Mà tôi hữu hạn
Tuổi xuân nẻo đời”
(Thi ca và tôi, Liên Phương)
Đường thơ thì vô cùng vô tận, kiếp người thì hữu hạn xuân xanh, nhưng cách ngăn ấy lại chưa bao giờ có thể ngăn trở người nghệ sĩ gửi nhớ gửi thương vào những vần thơ thanh lành. Câu thơ đong kín chất đời thốt lên giữa vần vũ mây gió, thủ thỉ về những vọng trông, vui - buồn, chua xót của muôn vạn hành trình mà con người đã trải qua. Câu thơ vang bóng kí ức, trầm tích miền thời gian ngưng đọng trong trái tim người để từ sâu thẳm tình cảm ấy đã chạm vào ta trong veo, sâu lắng và cảm động. Sức mạnh của thơ ca cũng vì thế được tỏ tường - qua hằng hà bão tố cuộc đời, qua năm tháng ngược xuôi…
(Theo Thưởng thức sách)
Xem thêm: Lý luận văn học: Quan niệm về người nghệ sĩ, văn chương và cuộc đời