Điểm danh loạt "ông lớn" đứng sau hỗ trợ tài chính cho ICIJ - tổ chức công bố Hồ sơ Pandora
Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) là tổ chức công bố Hồ sơ Pandora. Vậy ai là người trả tiền cho 240 nhà báo của ICIJ rà soát, phân tích hồ sơ tài sản của các cá nhân ở nước ngoài?
Ai đứng sau hỗ trợ tài chính ICIJ?
Ngày 3/10, Liên đoàn Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) đã công bố Hồ sơ Pandora, trong đó chứa 11,9 triệu tài liệu mật từ 14 hãng dịch vụ tài chính và pháp lý khác nhau. ICIJ nói rằng, số tài liệu này "cung cấp cái nhìn sâu về một ngành công nghiệp hỗ trợ các quan chức chính phủ siêu giàu, nhiều quyền lực và giới tinh hoa che giấu hàng nghìn tỷ USD trước các cơ quan thuế và công tố".
Được biết, tài liệu Pandora là dự án hợp tác báo chí quy mô lớn nhất thế giới, với sự tham gia của hơn 600 nhà báo đến từ 150 cơ quan báo chí của 117 quốc gia. Hơn 330 chính trị gia, 130 tỷ phú Forbes cùng nhiều ngôi sao, kẻ lừa đảo, trùm ma tuý, thành viên hoàng gia và người đứng đầu các nhóm tôn giáo ở hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ bị nêu tên trong hồ sơ này. Họ tận dụng các "thiên đường thuế" và chính sách bảo mật tài chính để mua bất động sản, che giấu tài sản và trốn thuế.
Những khoản tiền được chuyển ra tài khoản nước ngoài, hầu hết ở những nơi đánh thuế thấp, là việc làm hợp pháp ở nhiều quốc gia và nhiều người có tên trong tài dữ liệu này không bị buộc tội hình sự. Nhưng ICIJ nói rằng 2,94 terabyte dữ liệu tài chính và pháp lý (lớn hơn hồ sơ Panama năm 2016) cho thấy “cỗ máy chuyển tiền ra nước ngoài đang hoạt động ở mọi ngõ ngách của hành tinh, kể cả những nền dân chủ lớn nhất thế giới”, với sự tham gia của những ngân hàng và dịch vụ pháp lý nổi tiếng nhất thế giới.
Theo truyền thông quốc tế, có đến 240 nhà báo của ICIJ đã làm việc cật lực để rà soát, phân tích hồ sơ tài sản của các cá nhân chính khách, giới siêu giàu ở nước ngoài. Vậy câu hỏi đặt ra: Ai là người đứng sau hỗ trợ tài chính cho ICIJ để trả tiền cho 240 nhà báo?
Theo báo Tin tức, những người hỗ trợ hỗ trợ tài chính của ICIJ gồm Quỹ tài trợ Adessium, Quỹ tài trợ Xã hội mở (OSF), Quỹ tín thác Sigrid Rausing, Quỹ tài trợ Ford, Quỹ tài trợ Fritt Ord và Trung tâm Báo cáo Khủng hoảng Pulitzer và ông trùm truyền thông Australia Graeme Wood.
OSF là phương tiện để tỷ phú George Soros tài trợ cho các tổ chức phi chính phủ khắp thế giới, trong đó nhiều tổ chức bị cáo buộc hỗ trợ thay đổi chế độ ở một số quốc gia.
Quỹ Adessium ở Hà Lan đã hỗ trợ tài chính cho Bellingcat, một tổ chức thường xuyên phát các tuyên bố cáo buộc Chính phủ Syria và đồng minh phạm tội ác chiến tranh. Trong khi không đả động tới các nước như Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ - hai nước tiếp tục hỗ trợ các nhóm phiến quân vũ trang.
Quỹ tài trợ Ford do ông trùm ngành ô tô Henry Ford và con trai sáng lập năm 1936, chín năm sau khi ông Ford ngừng sản xuất tờ báo chống Do Thái The Dearborn Independent do vướng các vụ kiện. Một trong những hoạt động ở ngoài nước của quỹ này do Nhóm đấu tranh chống tình trạng vô nhân đạo ở Tây Berlin đảm nhiệm. Đây là một mặt trận của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ chuyên thực hiện các chiến dịch gián điệp và phá hoại ở Đông Đức.
Quỹ tài trợ Fritt Ord thường trao các giải thưởng tự do ngôn luận hàng năm. Quỹ cũng tài trợ cho Tổ chức Nhân quyền (HRF) mà người sáng lập là Thor Halvorssen Mendoza - em họ của thủ lĩnh đảng đối lập Venezuela Leopoldo Lopez Mendoza. Lopez bị bỏ tù năm 2015 vì kích động bạo lực gây chết người năm 2014. Chủ tịch của HRF cũng là một nhân vật đối lập ở Nga.
Vì sao các tỷ phú giàu nhất nước Mỹ không có tên trong Hồ sơ Pandora?
Vụ rò rỉ Hồ sơ Pandora đang gây rúng động toàn cầu. Trong hồ sơ hé lộ rất nhiều tên chính khách, tỷ phú. Song điều lạ lùng là các tỷ phủ giàu nhất nước Mỹ như Jeff Bezos, Elon Musk, Bill Gates và Warren Buffett lại không xuất hiện trong danh sách.
Cựu tổng thống Donald Trump được đề cập do liên quan đến một dự án khách sạn ở Panama, nhưng Hồ sơ Pandora dường như không tiết lộ thông tin mới nào đáng kể về tài khoản của ông.
Chuyên gia tài chính cho rằng, sự vắng mặt của nhiều tỷ phú giàu nhất nước Mỹ có thể do chính sách thuế quá hào phóng với họ ở trong nước. Một số chuyên gia khác thì suy đoán rằng, giới siêu giàu ở Mỹ có thể sử dụng các "thiên đường thuế" khác nhau như Quần đảo Cayman, vốn không được đề cập trong hồ sơ.
Trong hồ sơ Pandora liệt kê 130 tỷ phú được cho là chủ sở hữu các tài khoản nhưng không bao gồm bất kỳ cá nhân giàu có nhất nào của Mỹ. Các nhà phân tích tài chính suy đoán những người giàu có ở Mỹ - như Jeff Bezos, Warren Buffet, Elon Musk và Bill Gates - có ít động lực hơn để sử dụng các ‘thiên đường thuế’ ở nước ngoài do mức thuế ở trong nước họ phải trả thấp.
Theo báo cáo của Forbes được công bố vào tháng 6, có 25 người giàu nhất nước Mỹ đã trả 'mức thuế thực' chỉ là 3,4% trong khi tài sản của họ tăng trưởng 401 tỷ USD từ năm 2014 đến 2018. Tỷ phú Jeff Bezos được cho là đã trả mức thuế thực chỉ 0,98% trong khi nhà đầu tư Buffet và tỉ phú công nghệ Elon Musk trả mức thuế lần lượt là 0,1% và 3,27%.
Vào năm 2018, ông Bill Gates thừa nhận mình phải trả nhiều thuế hơn. Ông nói với CNN rằng: "Tôi cần phải trả thuế cao hơn… Tôi đã trả nhiều thuế hơn, hơn 10 tỷ USD, nhưng chính phủ nên yêu cầu những người giàu như tôi phải trả mức thuế cao hơn đáng kể nữa”.
Các chuyên gia phân tích Hồ sơ Pandora còn cho rằng, các nhân vật giàu có của Mỹ có thể đã sử dụng các công ty khác nhau hoặc tài khoản nước ngoài ở các khu vực pháp lý khác nhau để che giấu tên mình. Hồ sơ này chỉ bao gồm tài liệu rò rỉ của 14 tổ chức dịch vụ tài chính đang hoạt động ở Thụy Sĩ, Singapore, Síp, Belize và Quần đảo Virgin thuộc Anh.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận