Lê Văn Hiên: Thợ săn khét tiếng một thời buông súng, trở thành 'anh hùng bảo tồn' được Quỹ bảo tồn Disney tôn vinh

Từng là thợ săn khét tiếng, ông Lê Văn Hiên (60 tuổi) đã quyết định buông súng, trở thành 'anh hùng bảo tồn' tham gia bảo vệ voọc mông trắng.

Lê Văn Hiên: Thợ săn khét tiếng một thời buông súng, trở thành 'anh hùng bảo tồn' được Quỹ bảo tồn Disney tôn vinh

Từng là thợ săn khét tiếng, ông Lê Văn Hiên (60 tuổi) đã quyết định buông súng, trở thành 'anh hùng bảo tồn' tham gia bảo vệ voọc mông trắng.

Từ một thợ săn khét tiếng chốn rừng già, ông Lê Văn Hiên (60 tuổi, trú xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) đã quyết định "rửa tay gác kiếm", trở thành 'anh hùng bảo tồn' để chuộc lỗi với thiên nhiên.

Thợ săn khét tiếng một thời

Ông Hiên kể, nhà ông vốn ngay cạnh rừng, từ nhỏ đã làm quen với việc sống bám vào rừng. Năm 13 tuổi, ông bắt đầu theo chân bố mẹ vào rừng Kim Bảng mò ăn, khi thì săn bắn, khi thì lượm củi, lấy măng... Cứ thế, sau mỗi buổi đi học, ông lại vào rừng học cách săn bắn, kiếm củi. 

Ông Lê Văn Hiên (60 tuổi, Hà Nam) vốn là một thợ săn khét tiếng

Cạnh nhà ông Hiên khi đó là một tay thợ săn lão luyện, thấy thế ông liền xin đi theo phụ. Chuyến đầu tiên suôn sẻ, cả hai săn được 10 con don, ông được trả công 1. Thấy đi săn có lợi, mọi người cũng đi săn nhiều, ông Hiên quyết định chọn nghề đi săn. Từ đấy, ông học cách lần dấu vết, ẩn nấp, săn bắn từng loài thú.

Ông Hiên nhớ lại: "Tôi quyết định đi vay nặng lãi gần 30 triệu đồng mua một khẩu súng kíp. Năm 20 tuổi tôi trở thành thợ săn thực thụ, một mình vào rừng đi săn". Năm đó nghề thợ săn thu nhập rất khá, vào năm 1985, một con sơn dương đem bán được 5 tạ thóc, nếu bắt được khỉ hay voọc bán nấu cao thì được cả chục tấn thóc. 

Gần 20 năm, ông Hiên không nhớ nổi mình đã giết bao nhiêu con thủ, chỉ nhớ mỗi đêm về lại nhà, cả người ướt đãm máu, thú bày la liệt trong nhà. Không quan trọng là loài nào, sơn dương, hoẵng, cày, khỉ, voọc,... đều có cả, miễn sao bán được tiền. Rừng là nơi trú ẩn của muông thú, cũng vừa là nhà của ông, đi nhiều thành quen nên chẳng sợ gì, cứ quả quyết đi bất kể nắng mưa. Khi ấy, Lê Văn Hiên trở thành "ác mộng" của thú rừng, nghĩ rằng sẽ theo cái nghề này cả đời.

Buông súng vì loài voọc mông trắng

Mọi chuyện thay đổi khi cơ duyên của ông Hiên với loài voọc mông trắng xuất hiện. Năm 30 tuổi, ông bắt đầu nhận thêm việc dẫn đường cho các đoàn đi thực hiện khảo sát, ghi hình về động vật hoang dã. Khi đó, mỗi ngày ông được trả công tới 200-300.000 đồng, cứ thế đi từ 2-3 ngày đến cả nửa tháng.

Một lần, ông nhận lời dẫn đường cho chuyên gia Lê Văn Dũng đi điều tra loài voọc mông trắng tại một khu rừng huyện Kim Bảng. Lần đầu tiên sau nhiều năm làm thợ săn, ông vào rừng mà không mang theo súng. Suốt 1 tuần dài, ông ngồi ngắm bầy voọc qua ống nhòm, nhìn con non quấn quýt bên mẹ, trông con bố dạy con kiếm ăn.

Khi đó, ông Dũng đã nói rằng: "Anh thấy không, chúng có tình yêu thương như con người. Nếu một con trong gia đình chết, những con khác sẽ buồn rầu, bỏ ăn. Voọc mẹ chết, con cũng sẽ chết". Khi ấy, ông Hiên chỉ im lặng, hồi lâu sau, ông Dũng khuyên ông nên buông súng.

Ông Hiên quyết định buông súng vì loài voọc mông trắng

Sau chuyến đi ấy, nhiều đêm ông Hiên đều mất ngủ. Cứ khi đặt lưng xuống giường, ông lại nhớ đến đàn voọc, cảnh gia đình chúng quấn quýt bên nhau, sau đó lại đến ký ức săn voọc xưa kia. Với ông, đó giống như một điềm báo trước.

Trằn trọc nhiều hôm, ông quyết định tâm sự với vợ là bà Liên: "Có lẽ anh bỏ nghề". Sau đó, vợ ông cũng khuyên ông nên dừng lại, đừng sát sinh nữa. Rồi bà Liên nói: "Cốc nước đục ông đã lọc cho nó trong rồi. Giờ ông làm thế nào để giữ cốc nước đó được trong suốt, đừng để vẩn đục trở lại".

Dẫu biết từ nay cuộc sống vợ chồng ông sẽ khó khăn hơn, nhưng ông vẫn quyết định buông súng, không đi săn nữa. Sau khi bỏ nghề, hai vợ chồng ông thầu thêm ruộng làm ăn. Để kiếm thêm, ông đi làm thêm ở các mỏ đá, lương chỉ 4-5 triệu đồng. Thế nhưng, ông vẫn quyết tâm làm, không làm gia đình chỉ có... chết đói. Ông tâm sự: "Cuộc sống vất vả, khó khăn nhưng tôi quyết không trở lại nghề cũ nữa".

'Anh hùng bảo tồn' chuộc lỗi với rừng xanh

Ông Hiên kể, năm ông 32 tuổi, ông Tilo Nadler - hiện đang là Giám đốc Trung tâm Cứu hộ linh trưởng nguy cấp, vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) đã tới gặp ông nói chuyện. Ông Nadler đã đặt vấn đề với ông về việc tham gia bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã. Sau khi nghe xong, ông đã nhận lời ngày. Ông Hiên nói: "Đây chính là cách để tôi trả nợ cho rừng, trước tôi là tay thợ săn, là lâm tặc giờ là người giữ rừng."

Ông lập một tổ bảo vệ rừng với 6 thành viên, gỡ bẫy thú, theo dõi vị trí của đàn voọc mông trắng cùng các loài động vật khác

Nói là làm, ông thành lập một tổ bảo vệ rừng với 6 thành viên, mỗi tháng được trả khoảng 3 triệu đồng/người. Công việc của ông là gỡ bẫy thú, theo dõi vị trí của đàn voọc mông trắng cùng các loài động vật khác trong khu rừng. Nếu phát hiện hành vi săn bắn, phá hoại, họ sẽ báo lại cho kiểm lâm để họ xử lý. Từng là một thợ săn khét tiếng, nắm đường đi lối lại ở rừng Kim Bảng trong lòng bàn tay, việc phát hiện bẫy thú đều vô cùng dễ dàng với ông Hiên. 

Ông Lê Văn Hiên nhớ lại: "Năm 2018, chúng tôi cũng phát hiện một nhóm thợ săn ở khu rừng Kim Bảng. Họ có súng, chúng tôi không có. Chúng tôi đã hô lớn là có lực lượng kiểm lâm. Họ bỏ chạy để lại khẩu súng kíp. Sau đó, chúng tôi đem khẩu súng này về bàn giao cho kiểm lâm."

Từ khi "rửa tay gác kiếm", ông Hiên bị các "đồng nghiệp cũ" gây khó dễ ít nhiều. Có người nhắn tin đe dọa, có người gọi hẳn điện thoại cho ông rằng: "Chúng mày làm mất nồi cơm của bọn tao, giờ chúng mày tính sao?". Áp lực cao, lại thêm đồng lương ít ỏi, nhiều thành viên trong tổ đã xin nghỉ, mới đây ông Hiên phải tuyển thêm thành viên mới. 

Với tôi, đây là cơ hội để trả phần nào món nợ với rừng, còn khỏe tôi vẫn tiếp tục

Bà Vũ Thị Liên (54 tuổi, vợ ông Hiên) rất lo lắng cho chồng, mỗi ngày đều gọi vài cuộc điện thoại để hỏi thăm. Nếu ông không trả lời, bà ở nhà đứng ngồi không yên. Chỉ đến khi thấy ông về, bà mới yên tâm. Dù thế, ông Hiên vẫn quyết định làm, nói rằng mình đã đam mê công việc bảo tồn này rồi, không bỏ được. Ông tâm sự: "Nếu không thực sự yêu thích, không thể làm nổi công việc này. Với tôi, đây là cơ hội để trả phần nào món nợ với rừng, còn khỏe tôi vẫn tiếp tục".

Được biết, vào năm 2020, Quỹ bảo tồn Disney (Mỹ) phong tặng ông Lê Văn Hiên danh hiệu "Anh hùng bảo tồn" sau những đóng góp miệt mài của ông trong công tác bảo vệ động vật hoang dã, bảo tồn sinh cảnh và truyền cảm hứng cho cộng đồng. Nhận được danh hiệu này, ông Hiên nói: "Danh hiệu anh hùng là sự động viên, có hay không, tôi vẫn sẽ đi gác rừng, tháo bẫy thú, kiểm đếm, quan sát voọc mông trắng... Với tôi, tim còn đập là chân còn đi rừng, bảo vệ rừng đến khi chết mới thôi."

Ông Hiên tâm sự: "Danh hiệu anh hùng là sự động viên, có hay không, tôi vẫn sẽ đi gác rừng, tháo bẫy thú, kiểm đếm, quan sát voọc mông trắng"

Với ông Hiên, nuối tiếc duy nhất của ông là không đi bảo vệ rừng sớm hơn. Hệ sinh thái rừng hiện nay bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều nơi bị xóa xổ hoàn toàn. Người đàn ông 60 tuổi ấy bồi hồi nói: "Đến tuổi này rồi tôi chỉ muốn mỗi sáng mở mắt ra thấy rừng xanh, nghe tiếng vượn kêu, chim hót. Đó là giây phút tôi thấy hạnh phúc nhất!".

Ảnh: Dân Việt, VnExpress

"Cô bé H'Mong giỏi tiếng Anh" Lò Thị Mai trở thành y tá, tham gia phòng dịch COVID-19 tại Bỉ