Thế nào là buông xả? Bàn về sự bám víu tồn tại và sự buông xả trong đạo Phật

Buông xả hay còn gọi là xả bỏ, là thực tập quan trọng trong cuộc sống mỗi ngày, ảnh hưởng tới con đường giải thoát của người tu tập. 

Chi Nguyễn
11:47 20/01/2021 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Buông xả là gì?

Buông xả hay còn là xả bỏ, tức là buông bỏ những gì thuộc về tham - sân - si, nhờ vậy mà tâm được thanh tịnh, an lạc còn thể xác lại được tự do tự tại. Buông xả là thực tập quan trọng trong cuộc sống mỗi ngày, ảnh hưởng tới con đường giải thoát của người tu tập cũng như chúng sinh.

buong-xa-trong-dao-phat
Buông xả hay còn là xả bỏ, tức là buông bỏ những gì thuộc về tham - sân - si.

Sự buông xả có thể hiểu đơn giản như là ta hủy bỏ chương trình, kế hoạch nào đó vì thời tiết thay đổi. Buông xả cũng có thể hiểu một cách phức tạp hơn như là ta phải hy sinh một điều gì đó giữa bộn bề lo toan như gia đình, bạn bè, sự nghiệp, cũng có thể hiểu là sự thực hành về tâm linh. Buông xả là chìa khóa để con người có thể có được một cuộc sống hạnh phúc, an vui.

So với sự buông xả trong đời thế tục, thực tập buông xả theo đạo Phật cần phải khắt khe hơn. Buông xả lúc này không chỉ còn là từ bỏ những tham vọng, ham muốn hão huyền, mà người tu hành cần thực sự thực hành buông xả mọi nhu cầu thúc đẩy ta bám víu vào những ý tưởng, tham vọng đó. 

Theo nhà Phật, sự giải thoát không chỉ đơn thuần là sự buông xả các khái niệm lỗi thời, không chính xác. Buông xả còn là từ bỏ sự kiêu ngạo, uẩn ức, những gì đang nằm sâu kín bên trong tâm ta, khiến ta không thể nào tĩnh tâm, thanh tịnh được.

Dù vậy, không ít người nghi ngờ vào việc thực hành buông xả. Với một số người, buông xả là dễ dàng bỏ qua, buông bỏ những gì sai lầm trước đó. Cũng có người cho rằng buông xả hay từ bỏ giống như là bị từ chối, bị hạ thấp, khiến mình rơi vào thế yếu, khiến cái tôi bị hạ nhục. Họ hiểu sai rằng buông xả là bỏ đi mọi quan điểm và mong muốn cá nhân, thay vào đó là chiều theo ý niệm của người khác.

buong-xa-trong-dao-phat
Buông xả còn là từ bỏ sự kiêu ngạo, uẩn ức, những gì đang nằm sâu kín bên trong tâm ta, khiến ta không thể nào tĩnh tâm, thanh tịnh được.

Trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương, khi mà Đức Phật còn tại thế, Ngài đã hỏi một vị Sa môn rằng: "Tuổi thọ của con người thường kéo dài trong bao lâu?". Vị này sau đó mới trả lời rằng: "Chỉ dài bằng một hơi thở". Đức Phật liền nói rằng: "Đúng vậy, ông là người hiểu đạo". 

Hơi thở có thể hiểu là sự giác ngộ, một hơi thở ra không màng thế tình thế thái, như vậy thân tâm an lành, giác ngộ hơn cả. Nếu cuộc sống con người chỉ tồn tại dài bằng một hơi thở, vậy thì sao ta phải để tâm mình mãi luẩn quẩn trong phiền não, khổ đau? Chẳng phải nếu ta biết cách buông xả, quên đi những danh lợi hão huyền, bó đi những gì tham - sân - si thì tâm sẽ thanh tịnh, an lạc hay sao? 

Trong kinh Phật cũng có chuyện kể rằng: "Một tiểu hòa thượng cùng lão hòa thượng đi hóa duyên, vị tiểu hòa thượng lễ độ cung kính nên việc gì cũng nhìn theo sư phụ làm theo. Khi tới bờ sông, họ gặp một cô gái muốn qua sông nhưng không được. Thấy vậy, lão hòa thượng đã cõng cô gái qua sông, cô gái sau khi qua được thì cảm ơn rồi đi mất. 

Tiểu hòa thượng nhìn vậy thấy làm lạ, trong lòng thắc mắc sao sư phụ có thể cõng một cô gái qua sông như thế. Nhưng cậu không dám mở lời, cứ thế đi suốt 20 dặm, không kìm được mà hỏi sư phụ rằng: "Chúng ta là người xuất gia, sao thầy có thể cõng một cô gái qua sông?". Khi ấy vị lão hòa thượng kia mới điềm đại trả lời: "Ta đã bỏ cô ấy xuống bên bờ sông rồi, còn ngươi thì đã cõng cô gái ấy 20 dặm rồi vẫn chưa bỏ xuống."

Lời của vị lão hòa thượng kia hàm chứa trong đó biết bao nhiêu thiền ý, là bản chất của sự buông bỏ. Suốt cuộc đời con người, ta có thể chứng kiến biết bao nhiêu chuyện tốt đẹp, nhưng cũng không tránh khỏi phải trải qua những khó khăn, gập ghềnh. Nếu như ta mang theo tất cả những kí ức đó, những cảm xúc hỉ nộ ái ố bên mình mãi, chỉ là tự khiến mình chất chứa thêm nhiều phiền não mà thôi. Sẵn sàng buông bỏ mới là cách cân bằng tâm trí, khiến cho lòng thanh tĩnh, an yên. 

Buông xả thế nào thì tùy vào quan niệm, tư duy cũng như trình độ giác ngộ, căn tu của mỗi người mà khác nhau. Có người cho rằng chỉ cần bỏ tâm tranh đấu, sống đời nhàn vi, phó mặc hết cho duyên phận chính là buông xả, có người lại cho rằng chẳng còn suy nghĩ điều gì, cứ điềm nhiên mà sống cũng là buông xả. Nhìn chung, buông xả chính là giữ cho tâm được thanh thản, an yên, tâm mình giác ngộ, tư do tự tại, chẳng còn bị muộn phiền khổ đau làm phiền.

Bàn về sự bám víu tồn tại trước khi buông xả

Trước khi có thể đạt được sự buông bỏ, ta cần phải hiểu vì sao có tồn tại sự bám víu, cần phải hiểu rõ bản chất thứ mà ta đang bám víu. Có người sẽ cảm thấy dễ dàng để buông xả sự kiêu ngạo, bởi họ thế rõ những phản ứng không tốt đẹp mà người khác dành cho họ. Cũng có người thấy được những gì tiền bạc có thể và không thể mang lại, như thế mà buông bỏ ý niệm cho rằng tiền bạc là tất cả mọi thứ.

buong-xa-trong-dao-phat
Bám víu chính là nguồn gốc của sự khổ đau, là thứ làm ta trở nên dễ tổn thương hơn cả.

Điều quan trọng là ta phải hiểu bản chất của thứ mà ta đang bám víu, chứ không phải là cái ta đang bám víu. Bám víu chính là nguồn gốc của sự khổ đau, là thứ làm ta trở nên dễ tổn thương hơn cả. Chẳng hạn, một người luôn sống chìm đắm trong quá khứ thì sự việc xảy ra trong quá khứ không phải là thứ cần buông bỏ, mà chính sự bám víu luôn nghĩ về quá khứ mới là điều họ cần xả. 

Tìm hiểu rõ về sự bám víu, về thứ mà ta đang bám víu, ta sẽ biết được điều gì mà ta cần phải buông bỏ. Nếu thứ ta đang bám víu có hại, thì ta nên học cách buông bó nó. Nếu cái mà ta bám víu có lợi, thì ta cần biết cách buông xả sự bám víu mà giữ lại cái có ích lợi. 

Buông xả trong đạo Phật

Theo nhà Phật, việc thực hành buông xả cần có cả hai mặt cùng lúc, như hai mặt trên một bàn tay. Mặt thứ nhất là buông bỏ một cái gì đó, mặt thứ hai là buông bỏ rồi nhận lại kết quả tốt hơn. Cả hai việc phải cần thực hiện song song, chẳng hạn như là ta buông bỏ tính nóng vội, bộp chộp và nhận về kết quả là tâm thư thái, an yên.

buong-xa-trong-dao-phat
Buông xả tức là ngoài không sở cầu, trong không sở đắc.

Buông xả tức là ngoài không sở cầu, trong không sở đắc. Buông tức là không bám víu bên ngoài, xả là ý niệm tâm tư bên trong. Buông xả chính là đưa tâm về với an yên thanh tịnh, không gì có thể khiến tâm khởi động. Chỉ khi tâm thanh tịnh thì an lạc yên vui mới đến, khi ấy mới là hạnh phúc chân thực của đời người. Buông xả đem lại cho ta nhiều lợi lạc, nhất là nếu mang lại kết quả tốt hơn thì lại càng có giá trị hơn nữa. Khi ấy, buông xả nghĩa là được thêm chứ không phải mất đi. 

buong-xa-trong-dao-phat
Xuất gia nghĩa là từ bỏ, rời đi nơi chốn bụi bặm, mê mờ để tới một nơi chốn sạch sẽ, thanh bình.

Xuất gia trong đạo Phật đã nhấn mạnh cho chúng sinh thấy ta có thể đạt được gì qua buông xả. Xuất gia nghĩa là từ bỏ, rời đi nơi chốn bụi bặm, mê mờ để tới một nơi chốn sạch sẽ, thanh bình. Buông xả khiến người tu hành hiểu rằng chỉ cần sống trong từng giây phút là đã tự đủ đầy, và ta chỉ cần như vậy thôi, nào cần gì những thứ tham sân si quấy nhiễu nữa. Sự tồn tại ở chính giờ này, phút này mới là điều có ý nghĩa sâu sắc nhất, chứ không phải là quá khứ xa vời hay tương lai vô định. Một khi chúng ta có lòng từ bi, thì ngay cả khi ta bắt gặp chuyện trái ý, thì ta không chỉ buông bỏ sự ác ý, mà còn có thể đồng cảm với việc làm của người khác. Buông xả sự sợ hãi, lo lắng không đáng, rồi ta được nghỉ ngơi trong một tâm thế an yên.

Theo Phật giáo, kết quả của sự thực hành buông xả là giữ cho tâm tinh khiết, tĩnh lặng, đi vào trạng thái tốt đẹp, an lành. Hạnh phúc là tự mình xả bỏ bản ngã, tiêu diệt phiền não, nào phải là đạt được thứ gì. Khi ấy ta thấy được sự an yên thấm đẫm trong tâm, qua sự buông xả những gì bám víu, hoặc là qua sự buông xả và nhận về cái gì tốt hơn. Khi ta buông xả được cái tôi để sống trong sự bình an, thanh tịnh, thì khi đó ta sẽ có được sự an yên hoàn toàn. Chẳng còn cái tôi, cái chấp ngã nữa, thứ còn lại chỉ là chân tâm bình an mà thôi, và khi ấy mới chính là hạnh phúc thật sự.

Học cách sống buông bỏ cho cuộc đời an yên

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận