Cách đây vài ngày, phim tài liệu về David Beckham đã được công chiếu và thu hút sự chú ý của dân tình. Trong đó, có điều khiến không ít bạn trẻ chú ý, đó là kiểu chi tiêu của ngôi sao này.
Cựu tuyển thủ hé lộ, anh đã ngay lập tức tiêu hết số tiền nhận được là 50.000 bảng Anh (khoảng 1,5 tỷ đồng) sau khi ký hợp đồng hợp tác với Adidas. Beckham nóis: "Tôi đã được họ trả tiền. Tôi lập tức tiêu tiền vì tôi thích đồ đẹp. Ngay khi có tiền, tôi đã muốn mua một chiếc đồng hồ đẹp. Tôi ký hợp đồng với Adidas với giá 50.000 bảng Anh và tôi đã đi mua một chiếc BMW với giá 50.000 bảng Anh".
Đôi khi, anh cũng nhận được lời khuyên của bạn bè là nên tiết kiệm. Thế nhưng, Beckham đã phản đối, và nói rằng bản thân là người thích sống hưởng thụ. Kiểu chi tiêu này không mới, có vô số người trẻ đang duy trì nó. Họ tin rằng để phục vụ lối sống hưởng thụ, ta sẽ có thêm động lực để kiếm tiền. Ngoài ra, khi sống hưởng thụ và dám tiêu hết số tiền mình đang có, việc này sẽ có lợi cho cảm xúc.
Tuấn Minh (26 tuổi) cho biết anh nhận được khoản lương 23 triệu đồng vào ngày 30 hàng tháng. Sống cùng gia đình, Tuấn Minh không phải chi tiền cho việc thuê nhà, mua thức ăn. Hầu hết lương chỉ phục vụ các nhu cầu của bản thân như đi lại, mua sắm, giao lưu thế nhưng, chưa có tháng nào Tuấn Minh để được một khoản nhỏ tiết kiệm.
Khi các thông tin liên quan đến quản lý tài chính, thắt chặt chi tiêu trong thời buổi kinh tế khó khăn ngày càng được nhiều người nhắc đến, Tuấn Minh vẫn khẳng định rằng bản thân không phù hợp với việc phải tiết kiệm. Anh muốn sống theo "chủ nghĩa" việc hôm nay, chớ để ngày mai.
Đồng quan điểm với Tuấn Minh, Ngọc Anh cho biết cô muốn được sống thoải mái, không muốn đau đầu tính toán mỗi ngày phải tiết kiệm bao nhiêu. Bên cạnh đó, Ngọc Anh cho rằng khi tiêu tiền càng nhiều, cô càng có động lực phải kiếm nhiều hơn thế. Cô nói thêm việc chi tiêu thoải mái có lợi cho cảm xúc. "Hãy dành thời gian để nghĩ xem kiếm tiền như thế nào thay vì tiết kiệm ra sao", cô chia sẻ.
Theo các chuyên gia, quan điểm này của những người trẻ không phải hoàn toàn sai. Thế nhưng, việc chi tiêu quá ngân sách có hại nhiều hơn có lợi. Những người có thói quen chi tiêu hầu như không có cơ hội tích lũy tài sản để xây dựng sự giàu có. Chưa kể, cuộc sống luôn đầy ắp những rủi ro, và bạn cần một khoản tiền cố định để chuẩn bị cho điều đó.
Về quan điểm tiết kiệm, với mỗi người, mỗi độ tuổi, mỗi mức thu nhập đều có con số tiết kiệm khác nhau. Không có quy tắc chung nào về việc này, tất cả chỉ là gợi ý mang tính tương đối.
Theo báo Dân Trí