Người nghèo kiểu mới ở Trung Quốc ra sao?
Theo số liệu từ Toutiao, từ tháng 1 tới tháng 6/2021, GDP Trung Quốc đã tăng 12,7% so với cùng ky năm ngoái. Thu nhập của người dân đã đạt khoảng 32.189 NDT (khoảng 113,8 triệu đồng). Trước đó, vào năm 2010, thu nhập trung bình của dân thành thị chỉ ở vào mức 19.109 NDT. Nhưng đến năm 2020, con số này đã đạt mức 43.834 NDT. Có thể thấy, thu nhập của người dân nước này đang tăng lên, nền kinh tế quốc gia đang đạt đà phát triển cao và mức sống cư dân đang dần được cải thiện.
Dù vậy, cùng với sự phát triển của nền kinh tế trong nước, một nhóm người mới có tài chính khác biệt đang xuất hiện. Đó là những người nghèo kiểu mới, tuy sở hữu khối tài sản hiện vật đáng kể, nhưng chất lượng cuộc sống của họ lại không cao. Dù có nhà lầu, xe hơi, nhưng họ lại chi tiêu dè sẻn và không dám mua sắm hay hưởng thụ cuộc sống. Nguyên nhân được cho là do giá nhà đất tăng quá cao so với thu nhập.
Có nhà, có xe nhưng "gánh nợ còng lưng"
Trong một khoảng thời gian dài, hầu hết thành phố lớn tại Trung Quốc đều có sự phát triển nhanh chóng. Cơ hội việc làm hấp dẫn đã kéo theo nhiều người trưởng thành từ khắp mọi vùng miền hội tụ về đây. Khi thu nhập tăng lên, họ cũng muốn có cuộc sống ổn định hơn nên đã quyết định dồn tiền mua nhà, mua xe ở thành phố. Sau đó, điều này dần trở thành thói quen, và giờ đây việc có nhà và xe là điều bắt buộc trong cuộc sống.
Vì thế, không ít người đã dồn toàn bộ vốn liếng, tài sản cá nhân để mua được căn hộ, chiếc xe. Dù không có đủ điều kiện tài chính, họ vẫn cắn răng vay tiền, trả góp với kỳ hạn có thể kéo dài hàng chục năm. Tuy nhiên, điều đó chưa chắc đã đủ, bởi giá nhà đất tại các thành phố lớn ở Trung Quốc đang tăng mạnh. Các khoản vay phục vụ việc mua nhà ở chiếm khoảng 75% thu nhập bình quân đầu người.
Vì vay tiền nên kinh tế của nhiều người trở nên e hẹp. Dù đã mua được nhà, có thể họ vẫn phải gồng mình để trả nợ. Họ chấp nhận chi tiêu dè sẻn, giảm bớt nhu cầu cuộc sống để có tiền trả nợ. Khi đã trả tiền nợ hàng tháng, số tiền còn lại hầu như không thể trang trải chi phí hàng ngày.
Giới trẻ đang thay đổi
Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, mức tiêu dùng nội địa tại Trung Quốc đã giảm mạnh. Hầu hết người dân cảm thấy cẩn trọng hơn với tiêu dùng, đặc biệt là trước áp lực vay thế chấp. Dù là mua ô tô hay mua nhà, họ cũng không còn xu hướng chi tiêu trước - trả tiền sau như trước nữa.
Giờ đây, nhiều người đã bắt đầu có thói quen lập kế hoạch tài chính chặt chẽ, gia tăng các khoản gửi tiết kiệm để có cuộc sống tốt hơn. Người trẻ từng quen việc tiêu xài bằng thẻ tín dụng cũng dần thay đổi. Áp lực lớn về kinh tế khiến họ không còn "vung tay quá trán" cho bản thân nữa. 65% thanh niên được hỏi đã cho rằng, họ đang lên kế hoạch để tập trung chi tiêu những thứ cần thiết trong cuộc sống hàng ngày.
Theo Toutitao