Chợ lá "độc nhất vô nhị" ở Tây Ninh: Mỗi năm chỉ họp 1 lần, sau 1 tiếng là đứng lên... đi về
Ở Tây Ninh, có một phiên chợ dùng lá thay tiền độc đáo mỗi năm chỉ họp 1 lần, đã tổ chức cả 10 năm nay nhưng không phải ai cũng biết.
Được biết, 10 năm trở lại đây, ở Tây Ninh xuất hiện một phiên chợ "độc nhất vô nhị" mỗi năm chỉ họp đúng 1 lần. Đó là phiên chợ lá - hay chợ tiên, lấy cảm hứng từ truyền thống lâu đời ở Nam Bộ, do một thầy thuốc nam chuyên làm việc thiện đứng ra tổ chức.
Điểm đặc biệt ở phiên chợ này là "tiền cũng chỉ là lá", nói cách khác là dùng lá cây thay cho tiền tệ. Khoảng tầm rằm tháng Giêng, bà con nơi đây sẽ bày biện thức ăn, nước uống như bánh ít, xôi, chè, sữa đậu,... rồi trao đổi, buôn bán bằng lá cây. Địa điểm tổ chức phiên chợ không cố định, thường ở trong các khu dân cư, gần các điện thờ hoặc các khu chợ truyền thống.
Chợ lá Tây Ninh là một cơ hội hiếm có, nơi mà cả người mua lẫn người bán đều trao đổi với tinh thần thoải mái. Chẳng cần lo đến chuyện được - mất, lời - lỗ, mọi người đều hòa chung vào không khí tấp nập, vui tươi. Người mua cứ mua, người bán cứ bán và họ gửi đến nhau những lời cảm ơn, nụ cười cùng lời chúc tốt lành đầu năm mới.
Một người dân ở xã Trường Tây, huyện Hòa Thành chia sẻ: "Hằng năm, tôi đều tham gia phiên chợ này. Chợ lá được tổ chức để cho người tới mua cầu chúc cho người bán ăn nên làm ra...".
Du khách từ tỉnh Ninh Thuận đến tham gia thì nói: "Tôi và mấy chị em đi Tây Ninh chơi, tình cờ gặp phiên chợ bán hàng, tôi cũng bắt chước bán hàng theo. Bán hàng khỏi cần tiền bạc gì hết, chỉ cần đưa 1 cái lá là mua được món hàng mình cần. Tôi thấy phiên chợ này thật vui, lần đầu tiên trong đời giờ mình mới thấy".
Ban đầu, phiên chợ lá chỉ họp theo tính chất "nội bộ", là cơ hội để vị thầy thuốc kia gặp gỡ, tiếp đãi những người anh em, bạn bè. Các khoản phí mở chợ khi ấy là do ông "tự thân vận động". Có điều, vì muốn phiên chợ thêm phong phú nên bạn bè ông có gì cũng đều mang đến. Sau vài năm tổ chức, chợ lá ngày càng được nhiều người biết đến, không chỉ nổi tiếng trong dân địa phương mà khách du lịch cũng tìm tới mua hàng.
Không chỉ vui vẻ buôn bán, chẳng ai bảo ai cũng đều tự giác giữ vệ sinh chung. Dùng xong bữa, chợ vừa tan, họ đều lặng lẽ gom rác vương vãi trên mặt đất, trả lại mặt đường "xanh - sạch - đẹp" như thời điểm trước khi họp chợ.
Phiên chợ tiên "hiếm có khó tìm" ấy chính là lời nhắn nhủ rằng, tiền suy cho cùng cũng chỉ là thứ phù du, là phương tiện phục vụ cho đời sống con người. Ta phải sống với đức thiện lương của mình, đừng vì tiền mà đánh mất lương tâm.
Theo Thanh Niên, Thể thao & Văn hóa
Xem thêm: Hội An lọt top 21 điểm đến lãng mạn nhất thế giới dành cho các cặp đôi trong dịp Valentine tới đây
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận