Tuyến đường có nhiều sai phạm nhưng giá cao ngút trời
Hồi tháng 6 vừa qua, Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra hàng loạt sai phạm liên quan tới tuyến đường Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Chẳng hạn như việc điều chỉnh công năng thành nhà ở, tăng thêm tầng cao, diện tích sàn,... dẫn đến việc quá tải hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Đó cũng là lý do khiến tuyến đường này vài năm trở lại đây thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc.
Dù vậy, giá chung cư ở khu vực này vẫn cao ngất trời, thậm chí cao hơn nhiều so với mặt bằng chung ở Hà Nội. Theo khảo sát, tại dự án BRG Diamond Residence mức giá dao động từ 65 - 75 triệu đồng/m2. Đơn vị bán cho biết, mức giá bán đã được điều chỉnh 2 lần kể từ khi mở bán đầu tiên vào năm 2020. Giờ đây, một căn hộ rộng khoảng 60m2, trước kia có giá 60 triệu đồng/m2, sau 2 lần điều chỉnh được bán với giá 75 triệu đồng/m2, tương đương gần 4,6 tỷ đồng.
Tại dự án Hà Nội Center Point, mức giá rao bán dao động từ 38 - 46 triệu đồng/m2. Đơn cử, một căn hộ cũ có diện tích 80m2, gồm 3 phòng ngủ, 2 nhà vệ sinh, đang được rao bán với giá 46,1 triệu đồng/m2, tương đương 3,7 tỷ đồng. Một số dự án tiếp giáp khu vực này cũng có giá cao như: Chung cư Stellar Garden giá rao bán từ 39 - 55 triệu đồng/m2, chung cư The Legend dao động từ 39 - 63 triệu đồng/m2, Chung cư ban Cơ yếu Chính phủ mức giá rao bán từ 31 - 41 triệu đồng/m2.
Lệch pha cung cầu khiến giá tăng mạnh
Môi giới bất động sản Ngô Thành cho hay, dù tuyến đường có nhiều vấn đề khiến quá tải hạ tầng, mức giá vẫn leo cao. Nguyên do là khu vực này có nhiều lợi thế, gần trường học, văn phòng, có vị trí đẹp dễ dàng kết nối với khu vực trung tâm.
Vị môi giới này cho hay: "Nhà ở khu vực này di chuyển đi đâu cũng tiện, dù liên tục tắc đường nhưng nhiều người vẫn lựa chọn mua nhà khu vực này. Theo đó, giá nhà ở tuyến đường Lê Văn Lương vẫn tăng đều theo thời gian".
Anh Nguyễn Trường, một môi giới khác ở khu vực Thanh Xuân (Hà Nội) thì cho biết, tuy mức giá ở đây cao nhưng tính thanh khoản vẫn thấp. Anh giải thích: "Khu vực này đông người ở cùng với đó các dịch vụ ăn chơi, giải trí, văn phòng đều có đầy đủ, cùng với đó là thời gian qua các khu vực liên tục lên cơn sốt nên thị trường thứ cấp mua đi bán lại giá đã tăng cao.
Còn ở thị trường sơ cấp, khu vực này hiếm có dự án mới vì cũng đã hết quỹ đất nên giá mở bán đã cao đến khi điều chỉnh lại càng cao hơn. Tuy nhiên, có những dự án dù bán nhiều năm nay nhưng chủ đầu tư vẫn chưa bán hết hàng".
Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, ông Nguyễn Văn Đính nhận định, giá chung cư ở Hà Nội thời gian qua tăng quá nhanh. Theo vị chuyên gia này, hiện thị trường đang có dấu hiệu của việc đầu cơ, sốt ảo. Ông giải thích: "Nhiều dự án hiện nay có mức giá bỏ xa thu nhập trung bình của người dân, trong khi giao dịch hiện tại ở mức không cao".
Tổng Giám đốc Savills Việt Nam, ông Neil MacGregor thì đánh giá, thị trường nhà ở trong nước sẽ chứng kiến nhu cầu lớn do tỷ lệ thuận với tốc độ đô thị hóa và dân số vàng. Dù vậy, nguồn cung dự án mới đang hạn chế, do nhiều vấn đề còn tồn tại. Điều này khiến thị trường rơi vào trạng thái lệch pha cung cầu, cần nhiều giải pháp thiết thực để giải quyết.
Dự báo về giá chung cư trong nửa cuối năm 2022, các chuyên gia cho rằng, kịch bản hạ giá chung cư là điều khó xảy ra nhất là khi nguồn cung đang khan hiếm. Tình trạng lạm phát, tăng chi phí nguyên vật liệu sẽ khiến cho giá chung cư tăng cao.
Theo Minh Tâm/Nhịp sống kinh tế
Xem thêm: Ở tuổi 40, tôi quyết không mua đất dù mỗi năm tiền rảnh rỗi lên tới 1 tỷ