"Một xu tiết kiệm được là một xu kiếm được", người đàn ông được in hình chân dung trên tở 100 USD đã nói như vậy. Benjamin Franklin nổi tiếng là người có đức tính tiết kiệm và cần cù chịu khó, luôn giữ bản thân liêm chính và không muốn mình là nô lệ của đồng tiền. Với ông, tích lũy và tiết kiệm không phải để sống một cuộc đời xa hoa, mà là để ta giữ được phẩm giá và là người mẫu mực.
Trên thực tế, việc tiết kiệm tiền như Franklin không phải là điều gì đó khó khăn. Chuyên gia tài chính Kimberley Uzzell từng nói: "Không bao giờ là quá muộn để thay đổi tư duy, thói quen chi tiêu hay tương lai tài chính của bạn. Tiết kiệm không khó khăn hay nhàm chán, miễn là bạn biết cách". Vậy làm sao để ta có thể tiết kiệm tiền một cách thật hiệu quả?
Quy tắc 1 USD
Những người mới thử sức với việc sống tiết kiệm thường cảm thấy không thoải mái, bởi họ cho rằng việc này quá gò bó và hạn chế. Hãy nghĩ rằng điều này giống như khi ta đi học vậy, ta phải học được các mặt chữ cái, rồi đến cách viết và cách đọc, sau đó mới đến cách làm văn. Tức là, làm điều gì cũng phải có sự khởi đầu, và bắt đầu từ những điều nhỏ bé trước.
Vì thế, Bernadette Joy - CEO công ty tư vấn tài chính Crush Your Money Goals đã gợi ý mẹo quản lý chi tiêu đơn giản: Quy tắc 1 USD. Theo Joy, quy tắc 1 USD có nghĩa là nếu món đồ có chi phí chỉ khoảng 1 USD (tầm 23.000 đồng) trở xuống, cô sẽ chi tiền cho chúng. 1 USD ở đây chưa hẳn là giá tiền của món đồ, mà là dựa trên thực tế sử dụng của ta.
Nữ CEO giải thích: "Ví dụ, trước khi mua một đôi giày giá 26 USD (khoảng 600.000 đồng), tôi sẽ giả định rằng mình sẽ đi chúng 1 lần mỗi tuần, 1 năm ít nhất 52 lần. Lấy 26 USD chia cho 52 USD sẽ có kết quả chưa đến 1 USD cho mỗi lần sử dụng nên tôi quyết định mua.
Một lần nọ, tôi nhìn thấy một chiếc áo được giảm 55%, từ 45 USD (khoảng 1 triệu đồng) xuống còn 25 USD (khoảng 575.000 đồng). Trước khi định mua, tôi áp dụng quy tắc trên và thấy kết quả lớn hơn 1 USD cho mỗi lần mặc nên tôi không mua.
Quy tắc 1 USD cho phép bạn mua những thứ mình sử dụng thường xuyên đồng thời giúp ngăn chặn việc mua sắm bốc đồng ngay cả khi món đồ đó có "giá hời". Ngoài ra, nó cũng khuyến khích bạn chi tiêu nhiều hơn vào các sản phẩm chất lượng cao vì chúng thường được bạn thích lâu và bền hơn".
Giới hạn thời gian khi mua sắm
CEO công ty công nghệ Becca Powers lại có cách khách để quản lý chi tiêu, đó là đặt ra giới hạn thời gian khi mua sắm. Cô cho rằng, điều này sẽ giúp ta bớt lang thang trong siêu thị và trung tâm thương mại, nơi có rất nhiều cái "bẫy" mua sắm đầy cám dỗ.
Becca giải thích: "Nhiều người đến siêu thị với ý định mua một ổ bánh mì và ra về với một đống đồ trang trí nhà cửa. Các cửa hàng đều thiết kế để 'dụ' khách hàng mua nhiều hơn. Vì vậy, hãy giới hạn thời gian nhất định để tránh mua sắm quá tay".
Mua đồ cũ
Việc mua đồ cũ chẳng có gì đáng xấu hổ, thậm chí còn khiến ta tiết kiệm được một khoản tiền lớn. Ngày nay, nhiều người trẻ có xu hướng mua quần áo vintage để mặc, đôi khi họ còn vớ được món đồ thương hiệu xa xỉ với giá hời. Điều này không chỉ giới hạn trong quần áo, mà còn là đồ nội thất, đồ gia dụng hay xe ô tô.
Nhà đồng sáng lập kiêm CEO của Tise - nền tàng mua bán đồ cũ tại Na Uy Eirik Rime cho biết: "Điều này giúp ta tiết kiệm tiền bạc và góp phần bảo vệ môi trường. Có rất nhiều sản phẩm đã qua sử dụng vẫn trong tình trạng tốt với giá rẻ hơn đáng kể so với đồ mới. Nếu muốn tiết kiệm nhiều tiền hơn, hãy làm điều này ngay".
Lên ngân sách chi tiêu
Đây là một trong những điều quan trọng trong việc quản lý tài chính cá nhân. Không có ghi chép rõ ràng, ta sẽ dễ tiêu xài quá trớn vì không biết mình đã "đốt" bao nhiêu tiền.
Ta có thể làm theo cách truyền thống là viết ra sổ, hay sử dụng những ứng dụng trực tuyến miễn phí. Việc lập ngân sách chi tiêu sẽ giúp ta phát hiện mình có đang chi tiền quá nhiều vào các hạng mục không cần thiết không và cắt giảm chi tiêu.
Coi tiết kiệm như hóa đơn phải trả
Chuyên gia tài chính Kimberley Uzzell cho hay, ta nên coi việc tiết kiệm tiền như một loại hóa đơn bắt buộc phải trả mỗi tháng. Warren Buffett từng nói rằng: "Đừng tiết kiệm những khoản còn lại sau chi tiêu mà hãy tiêu những khoản còn lại sau khi tiết kiệm".
Hiện nay, nhiều người trẻ sau khi nhận lương thường có thói quen tiêu xài hoang phí, và chỉ hối hận sau khi đã tiêu gần hết tiền. Lúc này họ chẳng còn bao nhiêu tiền, chưa kể còn tạo thói quen xấu trong chi tiền. Vì thế, hãy "trả" khoản tiền tiết kiệm trước ngay sau khi nhận lương, rồi mới tính đến chuyện dùng nó để làm gì.
Lối sống tiết kiệm của tỷ phú Warren Buffett: Càng giàu càng thấm giá trị đồng tiền