10x Đà Nẵng sở hữu thành tích xuất sắc, là thủ khoa ĐH Phòng cháy Chữa cháy

Nhờ có thành tích học tập xuất sắc, 10x Đà Nẵng Nguyễn Chí Cường đã trở thành thủ khoa ĐH Phòng cháy Chữa cháy.

10x Đà Nẵng sở hữu thành tích xuất sắc, là thủ khoa ĐH Phòng cháy Chữa cháy

Nhờ có thành tích học tập xuất sắc, 10x Đà Nẵng Nguyễn Chí Cường đã trở thành thủ khoa ĐH Phòng cháy Chữa cháy.

Nguyễn Chí Cường, 23 tuổi, quê Đà Nẵng vừa tốt nghiệp Đại học Phòng cháy Chữa cháy với thành tích đáng nể. Nam sinh có điểm trung bình 8.61/10, là thủ khoa Đại học Phòng cháy Chữa cháy. Chưa kể, anh còn là một trong 96 thủ khoa được UBND thành phố Hà Nội tuyên dương hôm 10/10, cũng là đại diện duy nhất của khối trường công an.

Cường tâm sự: "Mình thường đặt những mục tiêu nhỏ, ngắn hạn theo từng kỳ hoặc năm học. Do đó, trở thành thủ khoa đầu ra là thành tích ngoài mong đợi". 10x Đà Nẵng cho biết, bố của cậu là bộ đội, nhiều người quen cũng học An ninh, Cảnh sát nên từ nhỏ cậu đã thích ngành này. Biết con trai chọn khoa Chỉ huy chữa cháy, Đại học Phòng cháy Chữa cháy, bố mẹ Cường ủng hộ, dù lo con sẽ vất vả khi học xa nhà 800 km.

Nam sinh ở  ký túc xá với 7 bạn học khác, đến từ nhiều tỉnh như Thanh Hóa, Phú Thọ, Quảng Bình, Quảng Ninh, Thái Bình. Cường kể: "Mình không quen ai, lại xa nhà quá nên thời gian đầu khá rụt rè, ngại giao tiếp. Ngày trước, đau ốm chút là có bố mẹ nhưng giờ mình phải tự chăm sóc, cũng không dám gọi điện về, lại làm bố mẹ lo thêm".

Chương trình học kéo dài 4 năm, với 3 năm đầu là rèn thể lực, học lý thuyết, mô phỏng và nghiệp vụ cảnh sát. Với 10x, các môn thể lực khiến anh khá chật vật ban đầu. Nguyên do là khi chữa cháy, chiến sĩ phải mặc đồ bảo hộ, đeo bình oxy rất nặng. Nếu thở hồng hộc do mệt hoặc tâm lý hoảng loạn, họ sẽ khiến lượng oxy trong bình cạn nhanh, giảm hiệu suất công việc.

Dù vậy, Cường vẫn liên tục cố gắng trau dồi luyện tập. Đồng thời, nam sinh cũng là lớp phó học tập, thường chủ động xin giáo viên đề cương ngay khi bắt đầu môn học. Bài giảng tới đâu, Cường tổng hợp luôn phần trả lời cho mỗi câu hỏi trong đề cương, xin góp ý từ thầy cô, rồi chia sẻ với các bạn.

Kỷ niệm đáng nhớ với Cường là thời gian thực tập tại đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, quận Hoàn Kiếm, vào năm ngoái. Trong một lần tham gia chữa cháy, anh lên tầng ba, cõng một cụ ông ra ngoài an toàn.

Ban đầu, anh định đưa ông bằng lối thang bộ, nhưng vì có quá nhiều khói, Cường cõng nạn nhân theo lối ban công sang nhà bên cạnh, đi xuống bằng thang thoát hiểm. Xuống đến nơi an toàn, anh nhận được lời cảm ơn của nạn nhân và người nhà, trên gương mặt bám đầy bụi than. "Mình không thể diễn tả được cảm giác hạnh phúc và xúc động ấy. Trước đó, nạn nhân cũng nói rất tin lính cứu hỏa, điều đó tiếp thêm động lực cho mình rất nhiều", Cường nhớ lại.

Sau khi tốt nghiệp, chàng trai trẻ về  quê nhà Đà Nẵng, nhận nhiệm vụ tại Công an quận Cẩm Lệ. Cũng tại đây, anh nhận ra rằng trước kia mình đã tự mãn, không phải vì là "thủ khoa" mà tự khắc xuất sắc.

Học chuyên ngành Chỉ huy chữa cháy, vị trí của Cường khi tốt nghiệp là tiểu đội trưởng (người chỉ huy một xe chữa cháy). Anh phải quyết định toàn bộ hoạt động của cả kíp xe. Ngoài việc nắm bắt tình huống, chọn phương pháp chữa cháy, Cường còn phải đảm bảo an toàn của chiến sĩ theo xe. Chàng thanh niên tâm sự: "Lúc trước, mình được hướng dẫn, giờ là người đưa ra quyết định. Mình đã bị tâm lý, mơ hồ và bấn loạn về vai trò và những phán đoán của bản thân".

Biết rằng nếu không cải thiện, cái giá phải trả rất đắt, nên Cường bắt đầu xin lời khuyên của mọi người. Khi đã rõ vai trò của mình, Cường xây dựng thói quen kiểm tra dụng cụ trên xe chữa cháy mỗi ngày. Anh còn tham gia tập luyện cùng anh em trong kíp xe, nhằm nắm bắt tính cách, khả năng của từng người, từ đó phân công nhiệm vụ phù hợp.

10x Đà Nẵng tâm sự: "Dần dần, mình trưởng thành và tự tin, quyết đoán hơn. Mình thấy bản thân may mắn vì luôn có các anh chị, thầy cô đồng hành và hướng dẫn". Với thành tích tại Đại học Phòng cháy chữa cháy, tháng 6/2023, Cường được phong hàm trung úy, sớm hơn một năm so với thời hạn chuẩn.

Khi hỏi sợ nhất điều gì khi làm cảnh sát phòng cháy chữa cháy, anh đáp ngay: cháy nhà dân. Nếu nhận thông tin cháy nhà dân và còn người mắc kẹt, Cường và các anh em đều thấp thỏm và lo lắng, sẵn sàng bình khí, chuẩn bị phương án cứu người.

"Trong ít phút từ trụ sở tới hiện trường, cả kíp xe đều bận nghĩ phải làm gì, lên phương án chữa cháy thế nào. Mình không sợ hay lo lắng cho bản thân và nghĩ chiến sĩ nào cũng vậy thôi", Cường nói.

Theo VnExpress

Xem thêm: Nam sinh xứ Nghệ tốt nghiệp thủ khoa với GPA cao ngất ngưởng, có 47 môn đạt điểm A tuyệt đối