Theo Forbes, nhiều người trẻ hiện nay đang rất lười biếng và thờ ơ về tương lai. Họ không chú trọng vào quản lý tài chính, mà chỉ muốn sống với tâm thế "You only live once"!
Thực ra, điều này không quá khó hiểu. Nhiều người trẻ cảm thấy khổ sở, vật vã khi phải tiết kiệm vì họ thấy nó quá tốn thời gian và phức tạp. 50% người tham gia khảo sát trên Business Insider cho biết, họ không có một kế hoạch tài chính cho tương lai. 30% người lại nhận định họ không lập kế hoạch tài chính vì thấy bản thân không dư dả tiền bạc để cần có một tài khoản tiết kiệm hay ghi chép cẩn thận nguồn thu chi mỗi ngày.
Jared Weitz là người sáng lập và điều hành công ty United Capital Source, một công ty cho vay khá có tiếng ở Mỹ. Ông cho rằng, việc người trẻ thờ ơ trong việc tiết kiệm là do 3 yếu tố này:
Tỉ lệ thất nghiệp cao, lương thấp
Rất nhiều chuyên gia tài chính khuyên rằng, bạn nên có một khoản tiền tiết kiệm hay quỹ lương hưu. Nói chung, họ thường khuyên rằng ta nên để dành tiền và đầu tư càng sớm càng tốt, đồng thời có sự chuẩn bị kinh tế khi về già.
Tuy nhiên, điều này rất khó thực hiện. Người trẻ hiện nay khó tìm được công việc ổn định, hay công việc có mức lương cao. Nhiều người ắt đầu sự nghiệp tại các công ty khởi nghiệp mà không có kế hoạch nghỉ hưu, hoặc đang làm freelancer. Thậm chí, dù bạn kiếm được công việc ổn định tại doanh nghiệp lớn, không có gì chắc chắn bạn có thể gắn bó ở đó đến tận năm 30 tuổi.
Khởi đầu khó khăn, kỳ vọng thấp
Theo Weitz, người trẻ gặp nhiều khó khăn khi lập nghiệp vì đại dịch, làn sóng sa thải và suy thoái kinh tế. Những thứ tiêu cực này ập đến một lúc, khiến kỳ vọng về tương lai của họ quá thấp. Đây cũng là nguyên do khiến nhiều Gen Z và Millennials không có mong muốn kết hôn, tạo danh mục đầu tư hoặc mua bảo hiểm khi so sánh cùng độ tuổi với thế hệ trước.
Với nhiều nhân viên, ở tuổi 20, "nghỉ hưu" là viễn cảnh gần như viển vông. Bởi lẽ, giới trẻ đang gặp nhiều khó khăn trong sự nghiệp đến mức nghĩ bản thân không kiếm đủ tiền nếu ngừng làm việc khi mới 65 tuổi.
Internet hỗn loạn thông tin
Gen Z và Millennials là các thế hệ lớn lên cùng Internet. Tuy rằng nó giúp họ tiếp cận thông tin nhanh hơn, nhưng nó cũng khiến họ cảm thấy bị ngợp.
"Làm sao tôi có thể biết chuyên gia quản lý tài chính này đưa ra nhận định đúng đắn hay không?", "Tại sao chuyên gia này này đưa ra lời khuyên A, trong khi chuyên gia kia đưa ra gợi ý B?", "Ứng dụng này có phù hợp với túi tiền của tôi?", "Ứng dụng này quá khó dùng với tôi"... là một trong nhiều phàn nàn của người trẻ khi tiếp cận với các phương pháp quản lý tài chính trên không gian mạng.
Theo PV