Từ khi sinh ra Thu Trang đã bị liệt cánh tay phải, bàn tay co quắp lại, không thể cử động bình thường. Tuy gia đình làm nông khó khăn, nhưng bố mẹ vẫn mang Trang đi khắp nơi để chạy chữa. Ở viện không chữa được, thế là bố mẹ đưa Trang lên núi cả tháng trời để thầy lang chữa trị. Nhưng dù chạy chữa tứ phương, từ Tây y đến Đông y, cánh tay bị liệt của Trang vẫn chẳng có gì suy chuyển.
Dù đã chấp nhận khiếm khuyết của mình, nhưng Trang vẫn cảm thấy mặc cảm và tủi thân trước bạn bè. Nếu không được bố mẹ ủng hộ, động viên có lẽ Trang sẽ chẳng đến trường.
Thương con, biết con sẽ gặp khó khăn hơn các bạn khi đi học, nên mẹ dẫn Trang tới nhà một người khuyết tật lớn tuổi trong làng nhờ chú dạy cho cách viết chữ bằng tay trái. Ban đầu, Trang chống đối, không muốn vào học. Nhưng thấy chú bị khuyết tật cả 2 tay nhưng vẫn có thể viết chữ được, còn mình chỉ khuyết mỗi tay phải mà không làm được thì thật quá hèn nhát. Thế là Trang quyết tâm luyện tập. Đến lúc vào lớp 1, Trang đã có thể viết chữ như các bạn cùng lớp.
Biết mình là người khuyết tật, nên trong những năm tháng cắp sách đến trường Trang luôn xác định tư tưởng bản thân phải cố gắng gấp nhiều lần so với bạn bè. Cứ thế, Thu Trang theo học hết cấp 3. Khi chuẩn bị thi đại học, bố mẹ định hướng Trang theo học ngành dược nhưng cô không đồng ý. Lúc ấy, Trang lựa chọn thi vào khoa Quản trị kinh doanh của Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Công nghệ, chỉ vì một suy nghĩ ngây ngô “mình muốn làm giám đốc”.
Từ khi bước chân lên Hà Nội, tuy được ba mẹ hỗ trợ kinh tế nhưng Trang nghĩ mình đã lớn nên cần học cách sống tự lập. Thế là cô tìm mọi cách kiếm tiền bằng sức lao động của mình. Thậm chí, có lúc Trang còn mang bếp, chảo dầu ra ngõ làm bánh khoai để bán.
Nỗ lực làm việc, học tập chăm chỉ suốt 3 năm Trang cũng cầm được tên tay tấm bằng tốt nghiệp. Nhưng lúc này, cô mới thấu hiểu hết những rào cản, khó khăn khi một người khuyết tật tham gia vào thị trường lao động. Nộp hồ sơ vào đâu Trang cũng bị từ chối với một lời hứa hẹn mông lung “sẽ xem xét và liên hệ sau”. Trong thời gian tìm việc chính thức Trang đã làm rất nhiều công việc khác nhau như đi bán hàng bánh kẹo ở chùa Bái Đính (Ninh Bình), rửa chén bát thuê cho quán phở,…
Suy nghĩ của Trang khi ấy là phải tìm mọi cách để có việc làm chính thức, phải kiếm được tiền để nuôi sống bản thân, không thể là gánh nặng của bố mẹ mãi được. Nhờ ý chí kiên trì, may mắn đã mỉm cười với Trang khi cô được nhận vào làm tại một tổ chức chuyên hỗ trợ người khuyết tật.
10 năm làm việc ở trung tâm, Trang được tiếp xúc với nhiều người cùng cảnh ngộ. Khi ấy, Trang mới nhìn nhận ra bản thân còn may mắn hơn rất nhiều người khác. Khi cô còn một cánh tay để hoạt động và một khối óc để suy nghĩ, làm việc.
Trong thời gian đó, Trang quyết đi học thêm bằng trung cấp dược sĩ vào các ngày cuối tuần. Học hết trung cấp, cô học liên thông lên cao đẳng rồi đại học. “Toàn bộ thời gian hoàn thành bậc cử nhân dược sĩ mất 8 năm trời, tính cả thời gian bị gián đoạn vì Covid-19”, Trang nói.
Đến tháng 4/2022, Trang chính thực nhận được bằng tốt nghiệp cử nhân ngành Dược sĩ. Và một hành trình mới bắt đầu khi Trang xin nghỉ làm ở tổ chức hỗ trợ người khuyết tật để chuyển sang làm hành chính cho một công ty dược phẩm.
Hiện tại, cô dược sĩ khuyết tật cảm thấy cuộc sống của mình đang khá ổn khi có công việc, có thu nhập và có gia đình, bạn bè bên cạnh. Đặc biệt là có một người bạn trang luôn đồng hành, yêu thương cô.
Những gì Trang có được ngày hôm nay một phần nhờ được học hành, nhưng phần lớn là nhờ những nỗ lực, phấn đấu không ngừng của bản thân. Là người khuyết tật nhưng Trang không chấp nhận việc sống dựa vào người khác. Trang cho rằng, khi số phận không may mắn thì bản thân phải cố gắng hơn mọi người gấp nhiều lần.
Cô dược sĩ chia sẻ: “Những người khuyết tật như mình nên mạnh dạn tiếp xúc với xã hội nhiều hơn. Khi được đi ra khỏi vòng tròn an toàn của mình, chúng ta sẽ có hiểu biết rộng hơn, tự tin hơn để chọn những lối đi tốt nhất cho tương lai”.
Theo Vietnamnet
Xem thêm: Vượt nghịch cảnh, chàng trai khiếm thị chinh phục thành công học bổng Úc