Sự thiên vị của ông nội – Câu chuyện nhân văn đáng ngẫm

Sau này tôi mới hiểu ra mình là phận con cháu thì phải luôn hiếu thảo và làm tròn bổn phận của mình, dù đúng hay sai đó vẫn là ông nội của tôi.

Sự thiên vị của ông nội – Câu chuyện nhân văn đáng ngẫm

Sau này tôi mới hiểu ra mình là phận con cháu thì phải luôn hiếu thảo và làm tròn bổn phận của mình, dù đúng hay sai đó vẫn là ông nội của tôi.

Một thời gian dài tôi luôn cho rằng ông nội là người, trong nam khinh nữ. Bởi từ lúc nào tôi cũng thấy ông giục bố tôi rồi các chú, các bác phải sinh con trai để nối dõi tông đường.

Tôi là cháu sớm trong nhà, nghe mọi người kể lại ngày tôi sinh ra ai cũng vui mừng hớn hở. Nhưng ông nội vẫn thẳng thừng tuyên bố tôi là cháu gái nên chỉ mang tính chất “tham khảo” thôi, khi nào mẹ tôi sinh được con trai thì ông mới thực sự yên tâm được. Sau khi sinh tôi được vài năm thì mẹ ra nước ngoài học thạc sĩ. Lúc mẹ về nước thì tôi cũng đã hơn 10 tuổi. Từ ngày mẹ tôi về nước, trong bữa cơm nào ông cũng giục mẹ tôi sinh thêm cháu trai cho ông bồng bế. Ban đầu mẹ tôi chỉ định sinh mình tôi thôi, nhưng sau vì áp lực của ông nội mà lại cố sinh tiếp. Cũng may trời thương mẹ sinh ra em trai nên ông tôi mới vui vẻ, thôi không đòi hỏi nữa.

Không chỉ ba tôi mà các chú tôi lấy vợ ông cũng lại tiếp tục điệp khúc con nối dõi ấy. Cũng may sau khi lấy nhau về không lâu, cô tôi sinh đôi được 1 trai, 1 gái. Ông thấy vậy thì mừng lắm, đi đâu cũng khoe. Ấy vậy mà tới ngày đầy tháng của hai em, ông lại quay sang nhìn bác cả thở dài nói: “Nhà vẫn thiếu thằng cháu đích tôn”. Bác cả tôi hồi đó cũng đã cứng tuổi nhưng vẫn còn độc thân. Gần 1 năm sau đó bác mới quen bác gái tôi bây giờ. Lúc cưới, bác gái cũng đã ngoài tuổi 40. Ở tuổi đó việc bác sinh được con thôi đã là quý lắm rồi, thế mà ông vẫn một hai đồi bác cả phải sinh con trai cho bằng được. Chắc là hiểu nỗi khổ của vợ chồng hai bác nên bác gái có thai tự nhiên rồi sinh được con trai như đúng mong ước của ông nội.

Khi đã có đủ cháu trai ông mới thôi việc “giao chỉ tiêu” cho các con. Nhưng tôi thấy ông vẫn có phần ưu ái cháu trai hơn. Trong bữa ăn, ông thường bắc các chị em gái trong nhà nhường phần ăn lớn hơn một chút cho các anh em trai. Các cháu trai dù có chạy nhảy, la hét ầm ĩ ông cũng chưa một phần phàn nàn hay cấm cả. Em trai tôi vô tình làm vỡ cái lọ quý của ông, ông cũng chỉ cười xoa đầu bảo nó là không sao, trẻ con nghịch ngợm hiếu động mới tốt. Ấy thế mà với các cháu gái thái độ của ông lại khác hoàn toàn, đứa nào nghịch ngợm là ông trách phạt ngay. Thế nên từ nhỏ đến lớn tôi luôn thầm trách ông thiên vị, không công bằng. Thậm chí tôi còn nghĩ sau này việc báo hiếu, chăm sóc ông cứ để các anh em trai trong nhà lo, phận con gái như chúng tôi chẳng đụng tới làm gì/

Thời gian cứ thế trôi qua, tôi cũng đã chính thức bước vào cánh cổng trường cấp 3. Trường của tôi ở khá xa nhà, bố mẹ tôi tính sẽ mua cho tôi một chiếc xe đạp để đi học cho tiện. Ông nội nghe tin liền gọi cả nhà tôi đến, rồi đưa cho bố tôi một bọc giấy, bên trong có một xấp tiền. Ông bảo đấy là tiền ông cho để bố mẹ mua xe đạp điện cho tôi đi. “Cháu nó là con gái, trường ở xa, đi xe đạp mệt lắm, cứ mua xe đạp điện nó đi cho thong thả”, ông nói.  Nhờ có số tiền đó của ông mà tôi đã có được chiếc xe đạp điện hết sức “hoành tráng”. Quả là ngạc nhiên hết sức!

Tối đó, tôi nằm cạnh mẹ, trằn trọc suy nghĩ mãi, cuối cùng quay ra hỏi mẹ ông là người thế nào? Tại sao tôi là cháu gái mà vẫn được ông cho xe đạp điện. Tôi tưởng ông chỉ thương cháu trai thôi chứ, còn cháu gái thế nào ông cũng chẳng quan tâm.

Mẹ tôi xoa đầu tôi, âu yếm nói: “Ông nội không phải là người hoàn hảo. Ông lớn lên trong thời phong kiến nên không tránh khỏi tư tưởng trọng nam khinh nữ. Ông rất coi trọng các cháu trai bởi ông cho rằng chỉ có cháu trai mới có thể nối dõi tông đường. Nhưng ông cũng không phải người ghét bỏ cháu gái của mình đâu! Hồi mẹ đi học nước ngoài, ông là là người chủ động nhận nuôi và chăm sóc con trong những ngày mẹ ở xa. Ông hay nghiêm khắc với cháu gái vì ông muốn uốn nắn để các cháu sau này trở thành người phụ nữ đoan trang, dịu dàng. Mặc dù trong sinh hoạt hàng ngày, ông cũng hơi có phần thiên vị cháu trai, dễ bỏ qua lỗi của cháu trai hơn nhưng khi các cháu gái có việc, ông vẫn luôn sẵn sàng giúp đỡ, bảo vệ cháu gái của mình”.

Mẹ nói với tôi, hãy chấp nhận cả mặt tốt lẫn mặt không tốt của ông nội vì đó mới là ông. Tôi là con cháu thì phải luôn hiếu thảo và làm tròn bổn phận của mình. Giống như mẹ, không bao giờ oán trách hay ghét bỏ gì về ông cả.

Sau buổi nói chuyện với mẹ hôm đó, tôi thấy suy nghĩ của mình về ông đã được gỡ bỏ, tinh thần cũng thoải mái hơn nhiều. Tôi luôn tin rằng, ông vẫn yêu các cháu gái theo cách của riêng ông - một người ông hơn 80 năm sống trong nếp nghĩ có phần nghiêng về giới nam.

Xem thêm: Người chồng tham lam – Câu chuyện nhân văn đáng ngẫm