Vượt nghịch cảnh, nam sinh xương thủy tinh tốt nghiệp loại giỏi trường Bách khoa

Không cam chịu số phận, sau 4 năm nỗ lực không ngừng nghĩ, nam sinh xương thủy tinh – Nguyễn Đức Quân (SN 2002, Hải Phòng) bước khỏi cảnh cổng đại học với tấm bằng loại giỏi trên tay.

Vượt nghịch cảnh, nam sinh xương thủy tinh tốt nghiệp loại giỏi trường Bách khoa

Không cam chịu số phận, sau 4 năm nỗ lực không ngừng nghĩ, nam sinh xương thủy tinh – Nguyễn Đức Quân (SN 2002, Hải Phòng) bước khỏi cảnh cổng đại học với tấm bằng loại giỏi trên tay.

Mắc chứng xương thủy tinh ngay từ khi mới sinh ra, suốt 16 năm qua Quân luôn cần tới sự hỗ trợ của người thân để đi đến lớp. Ngày cầm tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi chương trình tài năng Toán – Tin của Đại học Bách khoa Hà Nội, Quân xúc động cho biết đây không chỉ là sự nỗ lực của riêng em mà còn là công sức của bố mẹ, thầy cô đã luôn giúp đỡ em trong quá trình học tập.

Vì căn bệnh xương thủy tinh mà suốt những năm tháng tuổi thơ của Quân thời gian ở viện còn nhiều hơn thời gian ở lớp học. Để chạy chữa cho con, mẹ Quân đã phải dồn hết các khoản tiết kiệm và vay mượn thêm họ hàng, đến căn nhà là nơi sinh sống duy nhất của gia đình cũng phải đem rao bán để có kinh phí điều trị.

Đến năm 6 tuổi, thấy bệnh tình Quân có phần thuyên giảm nên mẹ quyết định cho em đến trường giống các bạn. Nhưng vì thể trạng yếu, không thể tự đến trường được, mẹ bắt buộc phải nghỉ việc để đưa đón, đồng hành cùng con. Hàng ngày, ngoài giờ đưa đón con, mẹ Quân mở thêm một sạp rau để kiếm thêm thu nhập. Nhìn mẹ vất vả Quân buồn lắm, cảm thấy mình là một gánh nặng. Nhưng rồi em lại suy nghĩ số phận mình đã như vậy thay vì tự trách phải cố gắng hơn mỗi ngày. Thế là suốt những năm tháng đi học, dù mệt mỏi, vất vả nhưng chưa một lần em muốn dừng lại việc học. “Có kiến thức mới làm được việc có ích, để đỡ đần bố mẹ sau này”, Quân nói.

Kỳ 1 năm lớp chính, lúc đi thi học sinh giỏi Toán cấp trường, Quân bị vấp ngã ngay trước cửa phòng thi. Khi ấy, em chỉ thấy hơi đau nên nghỉ bị chuột rút thôi. Được các bạn đưa vào phòng, Quân vẫn cố gắng hoàn thành tốt bài thi. Kỳ thi năm ấy, Quân đạt số điểm tuyệt đối và giành được giải nhất. Nhưng cú ngã ấy đã khiến em bị gãy xương đùi, phải mổ để xếp lại. Thế là Quân phải nghỉ học toàn bộ kỳ 2 năm lớp 9 ấy. Dù không thể đến trường, nhưng em vẫn vừa điều trị, vừa duy trì việc học ngay trên giường bệnh để không bỏ lỡ kiến thức. Hạn chế về thời gian khiến Quân phải bỏ dở kỳ thi vào trường chuyên của thành phố năm ấy, nhưng nhờ những thành tích cao đạt được, Quân vẫn được tuyển thẳng vào lớp tài năng Toán của ngôi trường công lập top đầu Hải Phòng.

Đến khi Quân thi đỗ vào Đại học Bách khoa Hà Nội, vì công việc ở xa không thể kề cạnh chăm sóc con được nên bố mẹ Quân đành nhờ người bác ruột lên Hà Nội ở cùng để chăm sóc Quân. Suốt 4 năm qua, bác chính là người đồng hành, đưa đón Quân tới lớp mỗi ngày.

Sau 4 năm nỗ lực không ngừng nghỉ, vào ngày bảo vệ đồ án tốt nghiệp, đứng trước hội đồng, nam sinh xương thủy tinh – Nguyễn Đức Quân đã tự tin trình bày  đề tài em đã tâm huyết nghiên cứu, xây dựng dữ liệu trong suốt hơn 3 tháng, liên quan đến việc dự đoán bệnh tiểu đường sử dụng hồi quy logistic và thuật toán KNN. Nhờ vậy, Quân đạt 9 điểm, có CPA toàn khóa 3.37/4, tốt nghiệp loại giỏi.

TS Nguyễn Phương Thuỳ, cán bộ quản lý và hỗ trợ cố vấn học tập, đánh giá Đức Quân là một sinh viên giàu nghị lực, chăm chỉ, kiên trì, vô cùng nghiêm túc trong học tập và luôn toát ra năng lượng tích cực. “Trong suốt 4 năm qua, em chưa từng vắng mặt trong bất cứ buổi học nào. Em luôn nhìn mọi việc với góc nhìn tích cực, lạc quan”, thầy Thùy chia sẻ.

Với Quân, điều khiến em tiếc nuối sau 4 năm đại học là không thể tham gia vào một số hoạt động thể thao như bóng đá, bóng rổ dẫu bản thân rất yêu thích.

Hiện tại, sức khỏe của Quân đã dần ổn định, em có thể tự đi lại nhưng không thể leo dốc, leo cầu thang và đi bộ với quãng đường xa. Ngay sau buổi lễ tốt nghiệp, Quân được bố mẹ đón về nhà. Chàng nam sinh xương thủy tinh chia sẻ, mong muốn thời gian này có thể tìm được công việc yêu thích, phù hợp tại Hải Phòng để phụ giúp bố mẹ và lo cho em gái.

Xem thêm: Vượt nghịch cảnh, cô gái xương kính truyền cảm hứng cho những người kém may mắn