Sinh ra với một bên chân phát triển không bình thường, à Nguyễn Thị Huê (P.Văn Quán, Q.Hà Đông, Hà Nội) đã trải qua tuổi thơ đầy khó khăn, cơ cực. Thường xuyên đối mặt với những ánh mắt thiếu thiện cảm, không thể chơi đùa, chạy nhảy như các bạn cùng trang lứa khiến bà Huê khi ấy vô cùng tự ti.
“Hồi nhỏ, chân yếu, khi di chuyển tôi phải dùng tay để chống. Nhiều người đi phía sau thấy vậy thì khoái chí cười rồi bắt chước theo. Khi đó tôi buồn lắm và rất ngại đi ra ngoài”, bà Huê chia sẻ.
Chính sự thiệt thòi lúc nhỏ ấy đã trở thành động lực để bà Huệ thay đổi khi lớn lên. Thay vì khép mình lại, bà Huê đã tự mày mò học nghề và tích cực tham gia các nhóm hỗ trợ người khuyết tật. Nhờ đó bà dần tìm thấy niềm vui trong cuộc sống, giảm bớt mặc cảm trong lòng. Tại đây, bà Huê cũng gặp được một nửa của đời mình – ông Trần Đăng Bình.
Như được ông trời se duyên, cửa hàng nơi cô thợ may Nguyễn Thị Huê làm việc lại nằm sát cơ quan của ông Bình. Ông cũng là người khuyết tật, bị liệt một bên chân từ khi lên 2 tuổi, tuổi thơ gắn với nhiều mất mát. Nhưng thay vì tự ti, ông Bình lại luôn nỗ lực học tập, lạc quan tin tưởng vào cuộc sống. Chính tinh thần vượt khó, nỗ lực ấy đã khiến cho cuộc sống của ông Bình luôn đầy màu sắc và càng thêm hạnh phúc từ khi gặp bà Huê.
"Nhà tôi ở phố Khâm Thiên, hàng ngày tôi đi làm bằng xe buýt. Xuống xe, đi bộ qua cửa hàng may để vào cơ quan làm, thấy có người cùng cảnh lại xinh xắn nên hay ghé vào nói chuyện, tìm hiểu...", ông Bình vui vẻ nhớ lại.
Bất chấp sự ngăn cản từ gia đình hai bên, ông Bình và bà Huê vẫn quyết tâm về một nhà. Tình yêu đã giúp cho đôi vợ chồng khuyết tật vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, xây dựng tổ ấm hạnh phúc với hai người con ngoan ngoãn, thành đạt.
Song song với việc chăm sóc gia đình nhỏ, bà Huê còn đồng hành hỗ trợ lan tỏa yêu thương đến cộng đồng. Trong vai trò Phó chủ tịch Hội Người khuyết tật Q.Hà Đông, bà Huê tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương, nhất là việc kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ tiền mặt, thuốc men, nhu yếu phẩm cho hội viên người khuyết tật nghèo, bệnh tật. Suốt nhiều năm nay, bà Huê đã trở thành một người truyền cảm hứng và là cầu nối yêu thương cho cộng đồng.
Hiểu được công việc và tấm lòng của vợ, ông Bình luôn đồng hành, hỗ trợ bà Huê trong mọi công việc. “Ông ấy thường giúp tôi vận chuyển đồ đạc và chia sẻ các công việc tại hội với tôi”, bà Huê xúc động chia sẻ.
Câu chuyện của đôi vợ chồng khuyết tật bà Nguyễn Thị Huê và ông Trần Đăng Bình không chỉ là hành trình vượt qua mọi rào cản mà còn là bài học sâu sắc về giá trị của sự kiên cường, niềm tin và tình yêu. Họ là nguồn cảm hứng cho cộng đồng người khuyết tật và tất cả chúng ta - những người có thể đang đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống, là minh chứng rõ ràng rằng: khi trái tim biết yêu thương và ý chí đủ lớn, không gì là không thể.
Xem thêm: “Anh hùng từ thiện” xây nhà nội trú giúp học sinh vùng cao có điều kiện bám trường