2 ngày trước, đang ngồi làm việc thì tôi nhận được điện thoại của mẹ, giọng run run báo tin dượng nhập viện, bảo tôi có tiền thì mang tới đóng giúp viện phí. Tôi vội vã an ủi mẹ bình tĩnh rồi lập tức xin nghỉ phép, ra ngân hàng rút 50 triệu, sau đó bắt xe đi thẳng tới bệnh viện.
Dượng tôi tên Hùng, là một thợ mộc nổi tiếng trong làng không chỉ bởi đôi tay khéo léo mà còn bởi sự chính trực, tận tâm của mình. Người trong làng mỗi lần ghé đến xưởng mộc của dượng đều tấm tắc khen: “Đồ gỗ nhà ông Hùng dùng 3 đời không hỏng”.
Sau khi bố tôi qua đời, dượng không chỉ lo liệu tang sự cho bố mà còn thường xuyên ghé sang sửa sang nhà cửa, dọn dẹp sân vườn giúp. Lâu dần, dượng với mẹ có tình cảm. Ông bà nội không ngăn cản, ông bà ngoại cũng ủng hộ, thế là mẹ và dượng về chung một nhà.
Từ lúc về chung nhà, dượng chăm sóc, đối xử với tôi rất tốt. Có lần tôi bị viêm ruột thừa cấp tính, cả nhà náo loạn, đêm đó mưa như trút nước, đường làng lầy lội không thể đi xe được, dượng một mình cõng tôi băng qua đoạn đường lầy, lên đường quốc lộ vừa đi vừa bắt xe đến viện. Gặp ai đi qua dượng cũng gào lên: “Cho tôi đi nhờ xe lên viện, cứu con tôi với, con tôi bệnh nặng sắp chết rồi”. Tôi nằm trên lưng dượng, bụng đau quằn quại nhưng nghe những lời đó vẫn ứa nước mắt. Nếu không có dượng đưa đi cấp cứu kịp thời đêm đó chắc tôi không còn trên đời này nữa.
Sau này dượng và mẹ có em trai, nhưng dượng vẫn đối xử rất tốt với tôi, lo cho tôi không khác gì con ruột, thậm chí là hơn cả em trai tôi. Tôi biết ơn dượng nhiều lắm
Khi đến viện, tôi gặp mẹ nói chuyện xong thì cầm giấy tờ của dượng đi đóng viện phí. Khi quay trở lại phòng bệnh, tôi nghe được tiếng dượng và mẹ nói chuyện bên trong. Dượng bảo: “Tiền viện phí sau này bà nhớ mà trả lại thằng Kiên, nó đang giai đoạn lập nghiệp, tiền nong đâu có nhiều”.
Mẹ tôi nghe vậy giọng rầu rĩ: “Dù sao nó cũng đi làm rồi còn hơn thằng Minh đang là sinh viên, lấy đâu ra tiền”. Minh là em trai tôi, con ruột của dượng.
Dượng nghe vậy thì bảo: “Thế tiền tiết kiệm của mình còn đồng nào không?”.
Mẹ khóc thút thít nói: “Lần trước ông nhập viện, đem ra lo hết cho ông rồi còn đâu. Những năm qua vợ chồng mình làm được đồng nào đều đem lo hết cho 2 đứa con trai lấy đâu ra nhiều tiền tiết kiệm. Rồi cả 2 lần ông đi viện, tiêu hết cả trăm triệu chứ ít gì…”.
Dượng nghe vậy thở thở dài an ủi mẹ : "Thôi bà đừng khóc, đợi tôi khỏe lại, tôi cố gắng làm nhiều hơn để kiếm tiền cho bà dưỡng già".
Tôi đứng sau cánh cửa, nghe được lời dượng nói mà cũng bật khóc theo. Hóa ra cuộc sống của dượng và mẹ tôi khó khăn hơn tôi tưởng rất nhiều, thế mà lần nào tôi về thăm nhà, hai người luôn thể hiện nhà thẳng thiếu gì, làm nhiều món ăn ngon, lại gói ghém nhiều đồ cho tôi mang theo. Mỗi lần tôi hỏi mẹ còn tiền không mẹ đều bảo không thiếu, hai ông bà già rồi cũng chẳng tiêu gì.
Bệnh của dượng cũng do lao lực và hít nhiều bụi gỗ mà thành, phải chữa trị lâu dài nên vô cùng tốn kém.
Tôi lặng lẽ quay ra ngồi xuống ghế chờ bên ngoài. Tôi chưa thành đạt, chưa có nhiều tiền để lo cho dượng và mẹ. Tôi vẫn ở phòng trọ, còn chẳng dám yêu đương vì sợ không gánh nổi tình phí. Làm được bao nhiêu đều gắng tiết kiệm, dành dụm để phòng những lúc cần gấp như thế này! Tôi chỉ sợ mình chưa thành công, chưa kiếm được nhiều tiền để báo đáp ơn nghĩa của dượng thì ông đã đi rồi.
Tôi quyết định sẽ ở cạnh chăm sóc dượng thời gian này, để dù không có tiền nhiều thì vẫn có tình, để dượng biết tôi thương và xem ông như bố đẻ của mình!
Xem thêm: Mệt mỏi vì đám giỗ - Câu chuyện nhân văn đáng ngẫm