Hồ Am Chúa, Khánh Hòa: Đẹp như đôi mắt nữ thần khiến bao người xốn xang
Hồ Am Chúa cách Nha Trang khoảng 14km về phía Tây Nam thuộc huyện Diên Khánh (nơi có di tích Thành cổ của Khánh Hòa). Đứng giữa một không gian bao la trời nước hay trên lưng chừng núi ở Am Chúa thơ mộng và yên tĩnh, bạn sẽ thấy lòng mình được thanh thản và bình an…
Từ Nha Trang, theo đường 23 tháng 10, đến Cây dầu đôi rẽ qua Cải lộ tuyến, qua Cầu mới đi một quãng ngắn có tấm biển chỉ đường vào Am Chúa, một di tích lịch sử rất lâu đời nổi tiếng với những lễ hội hằng năm được tổ chức từ mùng 1 – 3/3 Âm lịch, thu hút rất đông người đến đây hành hương, dâng lễ.
Am Chúa (Diên Khánh)
Khánh Hòa có hai nơi thờ bà Thiên Y A Na thánh mẫu là Tháp bà Ponagar ở thành phố Nha Trang và Am Chúa Diên Khánh. Người ta kể rằng, ngày xưa ở núi Đại An có hai vợ chồng già không có con, sống bằng nghề trồng dưa, một hôm có một cô bé không biết từ đâu hiện ra đùa nghịch trong rẫy dưa, ông bà đưa về làm con nuôi.
Thời gian dần trôi, cô bé lớn lên thành một thiếu nữ xinh đẹp. Năm đó có trận lụt lớn, một cây trầm trôi qua, cô gái biến mình vào cây trầm ấy trôi về phương Bắc.
Người dân vùng biển nơi ấy thấy cây gỗ đẹp và thơm, muốn đem về nhà, nhưng cây gỗ nặng quá, bao nhiêu người xúm vào khiêng cũng không nổi. Có một vị hoàng tử trẻ đẹp đi qua, thấy thế đưa tay nhấc thử thì kỳ lạ thay, cây gỗ trở nên rất nhẹ nhàng. Hoàng tử liền đem về cung để ngày ngày chiêm ngưỡng.
Những đêm trăng thanh vắng, nàng từ khúc gỗ hiện ra. Một hôm, hoàng tử bắt gặp, giữ nàng lại và xin vua cho cưới nàng làm vợ. Hai vợ chồng sinh được hai con đặt tên là Quý và Tri. Sau vì nỗi nhớ quê hương, nhớ cha mẹ nuôi, nàng biến mình và hai con vào khúc gỗ trầm cho trôi xuống biển, trở lại phương Nam.
Đến quê nhà thì cha mẹ đã qua đời. Nàng ở lại săn sóc vườn dưa, dạy dân cách làm ruộng, cách nuôi dạy con cái, chữa bệnh… Một thời gian sau bà mất, người dân lập miếu thờ.
Miếu thờ Am Chúa Diên Khánh
Am Chúa Diên Khánh nằm trên lưng chừng núi Đại An, ở độ cao khoảng 80m. Xe máy có thể lên đến tận nơi bằng con đường mòn vòng ra phía sau miếu. Nơi đây những ngày lễ hội là lượt xiêm y đủ sắc màu rồng rắn lên miếu trông rất lộng lẫy. Bên trong miếu nổi bật nhất là tượng Bà cao khoảng 1m được đặt trong khám thờ cao 1,5 mét, bên dưới có bàn thờ.
Tượng Bà được tạo bằng đất nung, nét trang trí đơn giản không cầu kỳ. Lối trang trí và trang phục theo cách nhìn của người Việt. Trước tượng có đôi hạc, đứng trên lưng rùa. Nhìn chung cách bài trí ở Am Chúa nhẹ nhàng, thanh thoát, không có vẻ âm u như các ngôi miếu cổ.
Tế lễ ở Am Chúa là ngày hội lớn của tỉnh Khánh Hòa. Ngày xưa trong các kỳ lễ hội này, các quan đầu tỉnh đều về làm chủ lễ, cầu xin quốc thái, dân an. Phía sau ngôi miếu có một di tích còn sót lại từ thời Pháp là bề thành xây bằng đá 4 mặt, nơi cao nhất đến 3m, xung quanh có lỗ châu mai dày đặc.
Trong thành có hệ thống hầm hào kiên cố. Ngày xưa người Pháp đánh chiếm nơi này và xây lô cốt để bảo vệ. Từ sân miếu nhìn xuống dưới chân núi là cánh đồng lúa trải dài tít tắp. Gió lộng bốn bề, cảnh trí rất đẹp và thơ mộng.
Hồ Am Chúa
Từ dưới ngã ba đường rẽ lên Am Chúa, đi khoảng 1km nữa là đến hồ Am Chúa. Đây là công trình thủy lợi lớn của nhân dân huyện Diên Khánh sau ngày giải phóng.
Hồ Am Chúa có diện tích mặt nước khoảng 60ha, trữ lượng nước 45 triệu mét khối, có khả năng tưới cho 500ha đất gieo trồng. Nước từ hồ Am Chúa là nguồn nuôi dưỡng cánh đồng Đại Điền dưới chân núi Đại An. Hồ có một con đập chạy dài 128m, cao 32m.
Đứng trên đập nhìn xuống, hồ nước mênh mông bát ngát. Núi bao bọc tứ bề. Phía dưới chân đập là cánh rừng tràm xanh thẳm tạo thêm vẻ đẹp vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng. Nếu đi thuyền hết khu vực hồ sẽ đến suối Ồ Ồ, cũng là một thắng cảnh nổi tiếng của huyện Diên Khánh.
Khi nào có dịp đến Nha Trang, bạn hãy thuê một chiếc xe máy rồi tìm đến hồ Am Chúa. Đứng giữa không gian bao la trời nước hay trên lưng chừng núi ở Am Chúa thơ mộng và yên tĩnh, bạn sẽ thấy lòng mình thanh thản và bình an.
Còn nếu bạn đến đây vào mùa lễ hội chắc chắn sẽ chứng kiến được những nghi thức lễ, rước lân, biểu diễn múa lân…, tham dự các trò chơi dân gian như hò bài chòi, chơi đu… Phần lễ và hội đan xen cả ngày lẫn đêm.
Đọc thêm: Chinh phục Suối Ba Hồ - "viên ngọc quý" giữa núi rừng Khánh Hòa
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận