Ghé thăm "thủ phủ" bạch mã ở Khau Sao - nơi bảo vệ nguồn gen ngựa bạch thuần chủng lớn nhất Việt Nam

Ghé thăm huyện Chi Lăng (Lạng Sơn), du khách thường nghĩ tới đặc sản na hay các di tích lịch sử Ải Chi Lăng, hang Gió…. Nhưng, còn có một địa điểm thơ mộng: thảo nguyên Khau Sao hay “Vương quốc ngựa bạch”, nơi chăn thả hơn 2.600 con ngựa, trong đó có khoảng 1.500 con ngựa bạch thuần chủng.

Ghé thăm "thủ phủ" bạch mã ở Khau Sao - nơi bảo vệ nguồn gen ngựa bạch thuần chủng lớn nhất Việt Nam

Ghé thăm huyện Chi Lăng (Lạng Sơn), du khách thường nghĩ tới đặc sản na hay các di tích lịch sử Ải Chi Lăng, hang Gió…. Nhưng, còn có một địa điểm thơ mộng: thảo nguyên Khau Sao hay “Vương quốc ngựa bạch”, nơi chăn thả hơn 2.600 con ngựa, trong đó có khoảng 1.500 con ngựa bạch thuần chủng.

Là địa chỉ được cộng đồng những người yêu thích du lịch trải nghiệm truyền tai nhau, xã Hữu Kiên (huyện Chi Lăng, Lạng Sơn) được coi là "thủ phủ ngựa bạch lớn nhất Việt Nam" khi sở hữu thảo nguyên Khau Sao xanh ngát có diện tích rộng 8.000 m2 nằm giữa những dãy núi nối tiếp nhau.

Ngựa bạch được chăn thả tại Hữu Kiên
Khung cảnh bình yên, không khí trong lành, nơi đây đã thu hút được khá nhiều khách du lịch tự phát đến thăm quan, vui đùa cùng ngựa bạch
Hiện tại xã Hữu Kiên đang có khoảng 1200 con ngựa bạch
Những ngọn núi cao gần 1.000 mét nối tiếp nhau là nơi mọc nhiều cỏ cùng nguồn nước trong, khí hậu thoáng mát khiến loài ngựa bạch sinh sôi nhanh. Trung bình một năm số ngựa bạch của vùng tăng lên khoảng 25%.

Ngựa được thả rông từ tháng 10 đến tháng 3 âm lịch, sống theo đàn và được đánh dấu riêng bằng tiếng chuông ở cổ. Mỗi nhà sẽ có tiếng chuông khác nhau.

“Mỗi gia đình trong xã nuôi từ 2 đến 15 con ngựa bạch, số lượng ngựa luôn được khống chế để tiện cho việc chăm sóc. Ngựa được chăn thả ở đây rất ít khi bị bệnh, người dân chỉ phải phòng tránh bệnh tiêu hoá trong mùa mưa và mùa đông”, anh Trần Văn Quân, cán bộ thú y huyện Chi Lăng nói.

Ngựa bạch thuần chủng ở Lạng Sơn có thân hình nhỏ, trọng lượng từ 70 đến 100kg. Lông màu trắng, mắt, mũi, móng màu màu hồng. Người dân thường nuôi ngựa để lấy thịt và nấu cao.
“Ngựa nhỏ 6 tháng tuổi có giá 20 triệu, ngựa cái 40 triệu, ngựa đực có thể bán đến 70 triệu đồng. Thị trường tiêu thụ chính là Hải Phòng, Nam Định, Thái Nguyên, Hà Nội…”, bà Nguyễn Thị Định vui vẻ nói.

Những năm gần đây, khi kinh tế phát triển, nhiều người săn lùng, tìm kiếm mua ngựa bạch với giá cao nên người dân nơi đây tập trung làm kinh tế từ việc chăn nuôi ngựa sinh sản, ngựa thương phẩm và sản xuất cao ngựa bạch. Số lượng trâu bò cũng dần đần được thay thế bằng những đàn ngựa bạch trắng muốt quanh đồi.

"Đây là giống ngựa thuần chủng nên chăm rất dễ, được chăn thả tự nhiên ở những quả đồi quanh nhà, ăn thức ăn thô, xanh và tinh bột. Ngựa bạch toàn thân có lông trắng muốt không có một vết chấm đen nào. Da của nó có màu trắng hồng, kể cả viền mắt, mõm ngựa bạch cũng có màu hồng, bộ móng có màu trắng ngà. Ban đêm, khi chiếu thẳng ánh sáng vào, mắt ngựa bạch sẽ chuyển sang màu đỏ như đốm lửa", ông Nông Văn Chưng trú tại thôn Co Hương cho hay.

Các buổi chiều, nhiều hộ gia đình mang ngô để bổ sung tinh bột cho ngựa.
Nhiều năm gần đây, các hộ gia đình chủ động chăn nuôi và chăm sóc nên số lượng ngựa không ngừng tăng lên, góp phần bảo vệ nguồn gen ngựa bạch Việt Nam thuần chủng.

Hiện tại, mỗi con ngựa bạch giống có giá khoảng 30 triệu đồng/con; ngựa trưởng thành trên 3 năm tuổi có giá từ 50-60 triệu đồng/con. Ngoài bán ngựa giống và ngựa thương phẩm, những hộ dân nơi đây còn tiến hành nấu cao ngựa bạch để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng cả nước, nâng cao đời sống kinh tế tại địa phương.

Đọc thêm: Người Trung Quốc và sự "cuồng" may mắn: Mọi thứ đều do ông trời sắp đặt?