Đại đức Giác Minh Tôn: Tuổi trẻ cần gắn với nhiệt huyết, mạnh mẽ và năng động

Hiện nay, công tác từ thiện xã hội đang diễn ra rất sôi động rộng khắp trong cả nước. Thành phần tham gia góp sức có nhiều độ tuổi, trong đó các bạn trẻ là lực lượng năng động và tích cực góp tay với chí nguyện đem chút sức nhỏ để đưa lại lợi ích cho các hoàn cảnh khó khăn.

Hoài Lương
11:25 02/07/2021 Hoài Lương
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Để hiểu rõ hơn về tấm lòng của những người tham gia thiện nguyện, Phóng viên đã có buổi trao đổi với Đại đức Giác Minh Tôn (Tịnh xá Ngọc Mỹ, Hệ phái Khất sĩ), một nhà sư trẻ tuổi nhưng có nhiều cống hiến trong các hoạt động xã hội hiện nay.

Phật giáo không yếm thế

Thưa đại đức, nhân duyên nào đưa đại đức đến con đường tu Phật và tham gia những hoạt động thiện nguyện?

Với Minh Tôn, nhân duyên đó đơn giản chỉ là bản thân đã trải nghiệm nhiều công việc ở thế gian (đã từng đi du học, làm cho công ty nước ngoài, góp vốn mở nhà hàng chay…) và thấy có tất cả đó rồi lại mất tất cả.

Đồng thời, từ nhỏ Minh Tôn đã có chí hướng muốn xuất gia nhưng do chưa đủ duyên nên không đi được.

Đến khi cha mất, Minh Tôn nghĩ: thương mẹ cho mẹ tiền bạc, vật chất đủ đầy thì cũng chỉ là cứu mẹ tạm thời chứ không cứu mẹ thoát ra khỏi tất cả các nghiệp báo mà người đang thọ nhận, giữ chữ hiếu như vậy cũng chưa phải là tròn vẹn.

su-giac-minh-ton-tuoi-tre-can-gan-voi-nhiet-huyet-manh-me-va-nang-dong-1
Đại đức Giác Minh Tôn suy nghĩ cần buông bỏ tất cả để tìm cầu con đường giải thoát, làm sao để có thể chuyển hóa nghiệp báo cho mẹ và gia đình.

Từ những điều này khiến Minh Tôn có suy nghĩ cần buông bỏ tất cả để tìm cầu con đường giải thoát, làm sao để có thể chuyển hóa nghiệp báo cho mẹ và gia đình. Từ đó, Sư chọn con đường mà Phật, Tổ, Thầy đã đi.

Còn những hoạt động thiện nguyện hiện nay mà Minh Tôn đang thực hiện, phần lớn cũng chỉ là “cái cho đi đâu chỉ nhận riêng mình” không có gì lớn so với công lao “mà người xưa lao khổ lại càng” để tìm ra con đường “chánh lý” cho chúng ta đi hiện nay.

Đại đức có thể chia sẻ việc học và hoạt động thiện nguyện hiện nay của bản thân như thế nào?

Hiện nay Minh Tôn là thành viên trong Ban đại diện của Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM sau khi tốt nghiệp khóa 10 tại Học viện.

Chính vì thế ngoài thời gian tu học, Minh Tôn cũng dành thời gian rãnh cho các hoạt động công quả của Giáo đoàn III hoặc Hệ phái Khất sĩ khi được Chư tôn đức chỉ dạy. Đồng thời, Minh Tôn cũng dành chút thời gian cho các hoạt động thiện nguyện, cùng chia sẻ Phật pháp ở các đạo tràng hay khóa tu quen biết.

Minh Tôn có duyên phước lớn khi xuất gia được ở gần Thầy là Hòa Thượng Giác Dũng – Nguyên là trưởng Giáo đoàn III – hệ phái Khất sĩ Việt Nam. May mắn hơn nữa là được lắng nghe nhiều tâm tư cũng như nguyện vọng của Người cho tha nhân, nhất là công tác từ thiện và việc phát triển sự ăn chay cho tín đồ Phật Giáo nói chung và những người chưa quy y… 

Những gì Minh Tôn đang làm hiện nay là muốn thực hiện tất cả những di huấn của Sư phụ một cách nhẹ nhàng nhất. Chương trình Bát Cơm Ngàn Nhà mà Minh Tôn lập ra hiện có mặt ở các tỉnh thành trong nước, cũng không ngoài tâm nguyện của Sư phụ đó là giúp nhiều người biết ăn chay và phóng sanh.

Việc xây cầu, trao xe lăn, học bổng hay xây nhà tình nghĩa vẫn là hoạt động thường niên luôn song hành với hoạt động của những bếp cơm chay ở các tỉnh.

Hy vọng những hoạt động tích cực này sẽ kích cầu cho sự ủng hộ cũng như tham gia chung tay của nhiều tấm lòng phát tâm đóng góp để mỗi chương trình thật sự không những mang thông điệp yêu thương mà ở đó còn là tinh thần nhân văn được phổ cập rộng khắp trong xã hội chúng ta.

Đại đức đánh giá thế nào về các hoạt động từ thiện cũng như công tác xã hội của Phật giáo đang diễn ra?

Công tác xã hội nói chung và hoạt động từ thiện của Phật Giáo nói riêng có thể nói đang trên đà diễn ra sôi nổi và tích cực. Điều đó cho thấy rằng: Phật Giáo không yếm thế như từ lâu nhiều người đã quy chụp mà thật sự Phật Giáo với xứ mệnh “Phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật”, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xóa đói giảm nghèo và kiến tạo một xã hội công bằng, văn minh và nhân hòa.

Nhưng theo nguyên lý “cái này sanh thì cái kia sanh” cho nên đã có không ít những hệ lụy từ việc từ thiện. Nhiều tổ chức từ thiện hình thành trên khắp cả nước, bài bản có, tự phát có, lợi dụng lòng tín thành, tâm vị tha của đại đa số người nhẹ dạ, đã lợi dụng vận động tịnh tài tịnh vật rồi sử dụng sai mục đích mà chúng ta thấy báo giới hay phản ánh thời gian qua.

Chỉ riêng về mặt Phật Giáo: Minh Tôn muốn gửi đến cùng chư huynh đệ đang làm công tác từ thiện hoặc những huynh đệ đang theo học ngành học công tác xã hội tại Học Viện lời chia sẻ chân thành nhất là: “Phàm làm việc gì cũng vậy, hãy nghĩ đến hậu quả của nó” ( Lão Tử) và chúng ta đang “sống chung tu học”, niệm niệm chánh pháp thì hành động phải theo chánh pháp, “không rời bỏ chánh pháp” đừng để Thầy Tổ buồn lòng vì chúng ta.

su-giac-minh-ton-tuoi-tre-can-gan-voi-nhiet-huyet-manh-me-va-nang-dong-2
Phật Giáo không yếm thế như từ lâu nhiều người đã quy chụp mà thật sự Phật Giáo với xứ mệnh “Phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật”

Vạn pháp tùy duyên mà phục vụ

Theo đại đức, việc làm từ thiện yếu tố nào quan trọng nhất?

Theo thiển ý của Minh Tôn thì yếu tố quan trọng nhất trong việc làm từ thiện đó là: Cái Tâm chân chánh với tình yêu thương vô điều kiện.

Đặc biệt ở các bạn trẻ, theo Minh Tôn điều quan trọng nhất đối với các em đó là lòng từ bi và nhiệt huyết của tuổi trẻ.

Đức Phật đã từng dạy các đệ tử như thế nào về việc làm từ thiện?

Trong Phật giáo, từ thiện có thể hiểu là hành động thiện xuất phát từ lòng từ bi. Bất cứ việc làm nào mang lại lợi ích cho tha nhân bắt nguồn từ tâm xả kỷ vị tha, cứu khổ ban vui đều mang ý nghĩa từ thiện.

Trong Luận Đại Trượng Phu có dạy: “Đem của bố thí làm cho chúng sinh mến, đem pháp bố thí thường được thế gian kính trọng. Thí của được kẻ ngu mến, thí pháp được người trí trọng, thí của phá trừ cái nghèo cùng về của, thí pháp phá trừ cái nghèo cùng về công đức. Hai món thí này ai chẳng kính trọng. Cho của là cho vui hiện tại, cho pháp là cho vui Niết bàn tương lai”. 

Lời dạy này cho thấy việc hành thiện, bố thí bao hàm cả ý nghĩa tự lợi và lợi tha. Chớ chú trọng cái cho vật chất mà quên cái cho tinh thần thì tất cả sự cho cũng hoàn về không. Sự nghèo khó của chúng sinh sẽ mãi không thoát nghèo khó.

Do vậy người đệ tử Phật phải hiểu được nguyên lý duyên sinh: “Do cái này có mặt nên cái kia có mặt, do cái này không có mặt nên cái kia không có mặt; do cái này sinh nên cái kia sinh, do cái này diệt nên cái kia diệt” (Thử hữu cố bỉ hữu, thử vô cố bỉ vô; thử sinh cố bỉ sinh, thử diệt cố bỉ diệt) (Kinh Phật Tự Thuyết - Tiểu Bộ kinh I). 

Các cá thể làm nên cộng đồng, xã hội, quốc gia, làm nên thế giới, mỗi cá thể có quan hệ cộng sinh, cộng tồn với cá thể khác, với cộng đồng, xã hội, quốc gia và thế giới. Bất ổn ở chỗ này sẽ sinh bất ổn ở chỗ khác và ngược lại, sự bình ổn, hưng thịnh ở phương diện này sẽ kéo theo sự bình ổn, hưng thịnh ở phương diện khác. 

Đó là do mọi sự vật tương quan tương duyên với nhau mà sinh khởi. Chỉ có sự san sẻ, chia sớt thật sự trí tuệ, chỉ có sự hy sinh, cống hiến, phụng sự chúng sinh trên tinh thần vô tư không vụ lợi, trên tinh thần từ bi, bình đẳng, vô ngã, vị tha mới thiết lập được xã hội bình ổn và an vui hạnh phúc.

Theo đại đức cách làm hiệu quả nhất đối với một chương trình từ thiện hay các hoạt động xã hội hiện nay là điều gì?

Như đã nói ở trên, trong ý nghĩa “Pháp giới trùng trùng duyên khởi”, theo thế giới quan của kinh Hoa Nghiêm, thì mọi sự vật hiện tượng trong đó có con người và muôn loại chúng sinh đều có các mối tương quan mật thiết, thực chất là ta có trong mỗi chúng sinh và mỗi chúng sinh có trong ta, do đó độ chúng sinh cũng chính là tự độ, việc từ thiện hay bố thí có ý nghĩa vô cùng trọng đại. Luận Đại Trượng Phu có nói: “Người có lòng từ bi hay thương tất cả chúng sinh, mà thương chúng sinh tức là thương mình vậy”.

Kế đến là phải có mối quan hệ tốt với số đông, số đông phải có tâm, có điều kiện.

Và có óc quan sát với tổ chức tốt. Khi kết nối được những yếu tố trên lại với nhau thì vạn pháp tùy duyên mà phục vụ.

su-giac-minh-ton-tuoi-tre-can-gan-voi-nhiet-huyet-manh-me-va-nang-dong-3
người đệ tử Phật phải hiểu được nguyên lý duyên sinh: “Do cái này có mặt nên cái kia có mặt, do cái này không có mặt nên cái kia không có mặt; do cái này sinh nên cái kia sinh, do cái này diệt nên cái kia diệt

Đại đức có thể chia sẻ tâm tư của mình đối với những người có tâm thiện nguyện, đặc biệt là các bạn trẻ hiện nay hay không?

Minh Tôn muốn nói với các bạn trẻ có tâm thiện nguyện rằng: Chúng ta không có tiền của (tài thí), chúng ta vẫn thực hành bố thí được, bằng sức lực, vui theo việc làm thiện của người khác, vận động sức ủng hộ của người khác,…Nhưng tất cả đều dựa trên tinh thần hết sức vô tư, lợi tha, chẳng tham cầu,…

Tuổi trẻ luôn gắn với nhiệt huyết, mạnh mẽ, năng động,…Nếu cộng hợp với lòng từ bi bác ái, sự vô ngã, chẳng chấp thủ, luôn lấy tinh thần lục hòa cộng trụ của nhà Phật làm kim chỉ nam trong cuộc sống và học tập của các bạn thì tin rằng các bạn luôn là sứ giả của hành trình “Đâu cần chúng tôi có. Đâu khó có chúng tôi”.

Ngoài những nội dung trên, đại đức có muốn chia sẻ thêm thông tin gì nữa không ạ?

Trước tiên Minh Tôn xin cảm ơn những người bạn mà mình đã đồng hành hổ trợ từ số ra đầu tiên cho đến thời điểm này. 

Thông qua trang báo nhỏ bé này cho phép Minh Tôn được gửi lời tri ân sâu sắc nhất đến Mẹ. Mẹ dù thế nào và có ra sao con vẫn yêu kính Mẹ. Gửi đến Mẹ lời cầu nguyện bình an và luôn nhất tâm niệm Phật để được đến và đi trong ánh hào quang của chư Phật Mẹ nhé! Con yêu mẹ nhiều lắm!

Nhân đây, Minh Tôn cũng xin gửi đến lòng kính tôn và sự quý kính đến các bậc Thầy đã luôn dìu dắt, chăm lo, bảo ban,…để Minh Tôn lớn thêm lên từng ngày trong nhà Đạo. Ân tình cao cả đó Minh Tôn luôn khắc cốt ghi tâm mãi chưa có cơ hội đáp tạ tri ân: Hòa Thượng Ân Sư, Thượng Tọa Giác Trí, Thầy Giác Hoàng, Sư Huynh Giác Nhường cùng Ni Sư Tĩnh Liên và sư cô Yên Liên. 

Cho con thành kính năm vóc sát đất đành lễ niệm ân với tâm thành hoan hỷ và nói lên: Con nguyện sẽ y giáo phụng hành và làm rạng danh tông môn Thầy Tổ. Kính chúc quý Ngài pháp thể kinh an, mãi là những bậc Thầy phạm hạnh cho chúng con noi theo trên bước đường tu nhân học Phật.

Minh Tôn cũng xin chúc chư Tôn đức làm công tác truyền thông, sẽ ngày càng phát triển lâu bền và có nhiều nội dung sâu sắc thiết thực để mãi là người bạn đồng hành cùng tuổi trẻ cả nước, làm sao cho các em hành trì theo và phấn đấu dấn thân cho sự nghiệp bảo vệ Tổ Quốc và sự trường tồn, hưng thịnh của Phật Giáo nước nhà.

Xin cảm ơn và chúc sức khỏe tất cả ban biên tập và ekip anh chị em đã thực hiện chương trình phỏng vấn nhanh này. Mô Phật!

Xin cảm ơn Đại đức!

Hoài Lương (thực hiện)

Hòa thượng Thích Thiện Bảo: Phật giáo mang đến cho giới trẻ sinh khí mới

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận