Những điều chưa biết về nghi lễ trai đàn chẩn tế trong Phật giáo

Trai đàn chẩn tế là nghi lễ của Phật giáo nhằm phổ độ những linh hồn không được thừa nhận, không nơi nương tựa, không phân biệt lãnh thổ và tầng lớp.

Loan Nguyễn
14:22 08/07/2021 Loan Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Nguồn gốc của trai đàn chẩn tế

Trai đàn chẩn tế là một nghi lễ truyền thống của Phật giáo Việt Nam. Nghi lễ này xuất phát từ thời Đức Phật, khi Ngài về thăm quê hương, đã có chỉ dạy cho Tôn giả A nan tổ chức cúng lễ cầu siêu giải oan cho ngạ quỷ, cô hồn, các Bà la môn tiên... Sau việc giải oan là bố thí ẩm thực cho những người nghèo khó có hiệu quả.

Nghi lễ trai đàn chẩn tế được nhắc đến trong kinh Phật Thuyết Đà La Ni Cứu Bạt Ngạ Quỷ Diệm Khẩu và xuất phát từ kinh Du già Tập yếu cứu A Nan Đà La Ni Diệm Khẩu Quỷ Nghi đời Đường,Trung quốc, Tam tạng Sa môn Bất Không phụng chiếu dịch Phạn ra Hán, tại Việt Nam do Quảng Minh dịch.

Một ngày nọ Tôn già A nan là thị giả theo Đức Phật về ở tại tịnh xá Ni Câu Luật Na, phía nam thành Ca tỳ La vệ. Đến đêm vào canh ba thấy có một ngạ quỷ tên là Diệm Khẩu, thân thể ốm yếu, trong miệng lửa cháy đỏ đến trước tôn giả A nan nói: “Sau ba ngày nữa mạng sống của Thầy sẽ hết, thác sanh vào loài quỷ”. 

A nan nghe nói sợ quá và hỏi: “Sau khi tôi chết sanh vào ngạ quỷ, phải làm điều gì mới hết?”

Ngạ quỷ nói: “Sáng sớm ngày mai Thầy có thể bố thí nước uống thức ăn cho trăm ngàn na do tha hằng hà sa số ngạ quỷ, bố thí cho vô lượng Bà la môn tiên, các vị minh quan nghiệp ty phủ Diêm la, các vị quỷ thần, những người đã chết lâu xa các lọai ẩm thực thích ứng, mỗi vị sẽ nhận được 49 đấu ẩm thực được tính theo cái lượng đấu của nước Ma già đà, lại còn vì ngạ quỷ chúng tôi mà cúng dường Tam Bảo, thì Thầy được tăng thêm tuổi thọ, và bọn chúng tôi nhờ đó cũng được lìa cái khổ làm thân ngạ quỷ.

Tôn giả A nan đến thưa với Phật như thế. Phật dạy thiết lập đàn tràng chẩn tế ẩm thực cho trăm ngàn na do tha hằng hà sa số ngạ quỷ, bố thí cho vô lượng Bà la môn tiên, các vị minh quan nghiệp ty phủ Diêm la, các vị quỷ thần, những người đã chết lâu xa khắp mười phương các lọai ẩm thực thích ứng, giúp cho các loài thoát khổ. 

Về tập tục tụng kinh siêu độ, theo Ngài Đạo An “vốn không phải là một tập tục truyền thống của Phật giáo”. Tập tục này chỉ bắt đầu có ở Trung Quốc từ đời nhà Đường. Năm 755, An Lộc Sơn nổi loạn, kéo binh về chiếm kinh thành, khiến vua Huyền Tông phải chạy vào Tứ Xuyên lánh nạn. Một năm sau thì quân triều đình dẹp yên giặc loạn, số người chết nhiều vô số kể. Triều đình bèn ra chỉ dụ cho tất cả các chùa Khai Nguyên trong toàn quốc, thỉnh chư vị cao tăng đại đức, thiết lễ tụng kinh cầu siêu độ cho mọi người đã chết trong cuộc chiến. Dân chúng thấy triều đình làm như thế, bèn bắt chước làm theo, cứ mỗi khi trong nhà có người chết, liền thỉnh chư Tăng tụng kinh cầu siêu độ. Từ đó mà lễ cầu siêu độ cho người chết trở thành một tập tục trong dân gian.

Tập tục cầu siêu đến Việt Nam bắt đầu từ thời nhà Lý. Đó là việc tổ chức các trai đàn chẩn tế, gọi là “diệm khẩu phổ thí pháp hội” nghĩa là đại hội về Phật Pháp để bố thí thức ăn cho quỷ đói. Pháp này được thực hành trên tác phẩm mang tên là “Thí Chư Ngạ Quỷ Ẩm Thực Cập Thủy Pháp” do Ngài Bất Không dịch vào thế kỷ thứ tám, đời Đường và hiện nay, trong thời khóa tụng niệm buổi chiều, các chùa ở Việt Nam thường có một nghi thức thí thực cô hồn, gọi là Mông Sơn Thí Thực. Nghi thức này có từ đời nhà Tống tại Mông Sơn, Tứ Xuyên, Trung Quốc, vì thế mới có danh xưng "Mông Sơn Thí Thực".

Trong “Thiền uyển tập anh”: Tăng thống Huệ Sinh (1064) đời vua Lý Thánh Tông, có để lại tác phẩm “Pháp Sự Trai Nghi” nói đến nghi thức chẩn tế. Vào năm 1789 sau khi đại phá quân Thanh năm Kỷ Dậu Vua Quang Trung đã ban sắc làm lễ tưởng niệm các chiến sĩ và tiến cúng cô hồn tử sĩ, kể cả quân Thanh đã tử trận.

Sau khi thống nhất sơn hà, năm 1802, vua Gia Long cũng thiết đàn siêu độ cho quan quân và những oan hồn uổng tử vì chiến cuộc do Tổng trấn Bắc Thành Nguyễn Văn Thành chủ tế với bài văn viết bằng quốc âm Tướng Sĩ Trận Vong và Cô Hồn Thập Loại.

trai-dan-chan-te-la-gi-va-trai-dan-chan-te-co-y-nghia-nhu-the-nao-1

Ý nghĩa của trai đàn chẩn tế

Trai đàn chẩn tế, phân tích về mặt từ ngữ:

+ Trai là tịnh trai tinh khiết

+ Đàn là chỗ đắp cao lên để cúng kiến và phân phối, hay là một sập gụ cao lớn, sân khấu để thiết lễ cúng và chẩn phát gạo cho bá tánh. 

Trai đàn có nhiều hình thức:  Một là “trai đàn chẩn tế”, cầu siêu bạt độ, hai là “làm chay”, ba là lễ chẩn tế “trong chay ngoài bội”. 

Đạo Phật quan niệm có nhiều cảnh giới khác nhau tồn tại trong thế giới này. Những người khi ở dương gian nếu có những suy nghĩ, lời nói và hành động xấu, hại người khác, gây oan nghiệp, hoặc bị chết do những nguyên nhân bất thường như tự tử, tai nạn.... không theo quy luật tự nhiên thì sẽ bị luân chuyển vào cảnh giới cô hồn, không siêu thoát, rất ít có cơ hội để đầu thai làm người trở lại. Với tinh thần từ bi, người học Phật không thể không nghĩ tới đối tượng đó.

Và nghi lễ này chủ yếu là nhắm đến họ, với quan niệm phải giúp đỡ họ tự nhận ra và tự tháo gỡ qua các khoa nghi chuyển tải Phật pháp và năng lực tâm linh, đạo lực của người hành trì. Trai đàn chẩn tế có thể tổ chức vào bất cứ thời gian nào trong năm và bất cứ vào dịp nào, chẳng hạn sau khi người thân mất, ngày chung thất, mãn tang..., nhưng quen thuộc nhất là vào dịp tiết tháng bảy âm lịch, mùa Vu lan - Báo hiếu theo truyền thống của Phật giáo Á Đông. Thời gian tổ chức thường sau 12 giờ trưa và không quá 0 giờ, vì theo quan niệm, khoảng thời gian đó thuộc về người âm, là thời gian thích hợp để giao tiếp với họ.

Năm 1965 Sư còn là Sa di tu ở núi có dự một lễ kỳ yên 3 ngày đêm tại Đền Hùng, xã Phước Hòa, quận Long Lễ, nay là huyện Tân Thành do Ông Nguyễn Văn Cầu chủ trì. Lễ này cũng được tổ chức trong “chay”, ngoài “bội”, tức là trong cúng chay, quý Sư tụng kinh cầu an cho bá tánh bá gia; ngoài cúng mặn kỳ yên cho xóm làng bình yên, có hát bội cải lương hồ quảng rất sinh động. Đây cũng là lễ cúng trai đàn nhưng với hình thức khác, có danh xưng khác, nhưng chủ yếu cũng vẫn lễ trai đàn cầu siêu bạt độ cô hồn chiến sĩ trận vong, đồng bào tử nạn do chiến tranh, cầu an cho bá tánh.

Cúng trai đàn chẩn tế là bài pháp giáo hóa, thuộc ý giáo: “Các Phật tử có phương tiện sắm sanh quà bánh, giấy tiền vàng bạc, các lễ vật cúng kiến, thí đốt cầu cho cõi “âm” hao tốn bao nhiêu cũng làm cho kỳ được...như vây các vị cũng phải làm được cho người sống quá nghèo khổ, khiến cho được no đủ...”. Đây là cách giáo hóa khéo của Đức Phật “cúng cho người “âm” để cầu thọ được, thì bố thí cho người “dương” được no không từ chối. Cho nên đây là việc làm đúng mà người Phật tử phải tham gia.

Lập trai đàn chẩn tế ngày nay có từ 50 đến 100 vị Tăng, trong đó có vị Thầy Cả, 2 vị Yết Ma, các bậc giáo phẩm chứng minh và Ban Kinh Sư, hàng ngàn Phật tử tham dự. 

Việc cúng kiến này dành cho các tổ chức tự viện lớn có khả năng thiết lễ, tập trung những Phật tử gia đình sung túc, các gia đình Phật tử nương theo đó mà ghi danh cúng kiến cầu khẩn. Cầu thỉnh quý Thầy, quý Sư các bậc cao Tăng, các bậc có đầy đủ phước đức, có nhiều lực dụng đến cúng thì hiệu quả, như cầu an, cầu siêu, cầu mưa thuận gió hòa, vượt qua những khó khăn trong công việc làm ăn...tổ chức như thế phước báo vô cùng, vì giúp cho hằng trăm, hàng ngàn Phật tử mãn nguyện.

trai-dan-chan-te-la-gi-va-trai-dan-chan-te-co-y-nghia-nhu-the-nao-2

Cách thiết trí trai đàn chẩn tế chuẩn nhất

Trong các lễ cúng thí Cô hồn, trai đàn chẩn tế được tổ chức quy mô nhất. Nó bao hàm cả hai khía cạnh văn chương và triết lý, gần như tất cả tinh hoa của tư tưởng và văn học Phật Giáo Đại thừa Mật Tông được gói trọn vào đây.

Về hình thức, trai đàn này dựa trên nền tảng của triết học Mật giáo. Tức bố trí theo một hình thức đơn giản của mạn đà la (mandala).

Đó là một vòng tròn, được tượng trưng như một đóa hoa sen nở trọn, và vòng tròn nầy là căn bản vũ trụ luận của Mật Giáo. Thông thường có hai bộ mạn đà la. Kim Cang giới mạn đà la (Vajradhàtu-mandala) biểu tượng cho trí huệ sở chúng của Phật. Thai tạng giới mạn đà la (garbhadhàtu-mandala) biểu tượng cho phương tiện độ sanh của Ngài. Mỗi mạn đà la đều dựa trên một số chủ điểm tư tưởng của Phật giáo Đại thừa. Chủ điểm đáng ghi nhớ nhất, đại lược như sau:

Trước hết, chúng ta nên biết rằng theo quan điểm truyền thống Phật giáo, vũ trụ gồm hai thành phần. Một đằng là nhân cách, tức lấy con người hay các loài hữu tình làm bản vị, mà trên hết, lấy nhân cách của Phật làm biểu hiện cho bản thể tuyệt đối. Đằng khác nữa, là thế giới của nhân cách, là những pháp sở chứng và thọ dụng bất khả tư nghị của Phật. Nhân cách có năm yếu tố, gọi là năm uẩn: sắc, thọ tưởng, hành, thức. Chúng tập hợp lại thành một bản ngã giả tưởng nên được gọi là uẩn. Thế giới của nhân cách được cấu tạo bởi bảy yếu tố, gọi là thất đại: địa, thủy, hỏa, phong, kiến, thức và không.

Trên cơ sở giáo nghĩa này, trước hết mạn đà la của Kim cang giới được thiết lập để biểu hiện trí huệ sở chứng của Phật. Kim cang là loại chất rắn không bị bất cứ gì hủy hoại được. Do đó kim cang được vận dụng như một khái niệm cụ thể hóa yếu tính tồn tại của Phật thân, gọi là kim cang bất hoại thân vajrasauhatanakàya). Thân ấy, cũng như thân của tất cả mọi loài chúng sinh, đều do năm uẩn và năm đại cấu thành. Nhưng tồn tại của Phật thân không khác biệt với hoạt dụng của Phật trí. Do đó, năm đại tương ứng với năm trí. Và nhân cách của Phật, như là chỉnh thể thống nhất của tồn tại và nhận thức, được biểu hiện thành năm đức Như Lai tương ứng, tức Ngũ Trí Như Lai, hay năm vị Thiền Phật. 

Dưới đây là mô tả sơ lược một trai đàn chẩn tế từ trong ra ngoài:

Nội đàn:

Bàn Phật: Tại chùa có Chánh điện, tại tư gia có Bàn thờ Phật là nơi Tham Lễ Giác Hoàng

Bàn kinh: Nơi để nghi thức, chuông mõ, pháp khí.

Ngoại đàn:

Màn Sư tử tòa: Sư tử tòa là chỗ ngồi của Phật. Phật là bậc oai đức hơn tất cả chúng sanh. Cũng như sư tử dõng mãnh hơn tất cả các thú. Chớ chẳng phải Phật ngồi trên mình con sư tử. Cho nên dù Phật ngồi bất cứ đâu, dù trên ghế, hòn đá, gốc cây hay mặt đất. . . thì những chỗ đó đều gọi là Sư Tử Tòa. Vậy bức màn Sư Tử Tòa là bức màn có hình con sư tử được vẽ rất oai nghiêm, dõng mãnh treo sau lưng vị Gia Trì Sư, tượng trưng chỗ ngồi của Phật.

Bảo Tọa: chỗ ngồi của Gia Trì Sư, khi ngồi vào đây là đại diện chư Phật vì chúng sanh, đặc biệt là cô hồn mà tuyên dương Chánh pháp. Theo khoa nghi, trước khi vị chủ sám vào chỗ ngồi phải cung hành một nghi thức mật pháp rất trang nghiêm. Sau khi cung thỉnh Ngũ Phương Phật xong , vị chủ sám đến đứng trước bàn Giác Hoa. Vị tả kim đài 1 đứng ở vị trí ở bàn kim đài, hai tay nâng thủ lư cung thỉnh Vị Gia Trì Sư đăng bảo tọa để thuyết giới cho cô hồn. Sau khi vị Gia Trì Sư đáp lại và xin chư Phật cho phép đăng bảo tọa. Vị tả kim đài 1 ra lệnh cử chuông trống bát nhã bằng động tác vỗ vũ xích, chuông trống bát nhã cử hành, Vị Gia Trì Sư quay về trái đi lên bảo tòa. Kinh sư vào vị trí bàn kim đài.

Màn song khai: Trước bảo toạ là bức màn phân làm đôi, được đóng lại hoặc mở ra tùy theo lúc qui định trong khoa nghi.

Bàn kim đài: Kinh sư ngồi hai bên tả hữu mỗi bên ba hay bốn vị. Thứ tự tính từ trong ra ngoài. Có một vài sự đổi thay nhỏ tùy vùng xử dụng tang và mõ. Huế, kinh sư ngồi ghế để đầu trần. Bình Định, kinh sư ngồi xuống chiếu, đầu đội tỳ lư, sử dụng 2 đẩu (giống cái tang nhưng không có cán) và mõ. Miền nam, kinh sư ngồi ghế đầu trần, xử dụng 2 đẩu và mõ.

Bàn Giác Hoa: Giác hoa Định Tự Tại Vương Như Lai, một đức Phật ở cõi Ta bà, hồi đời qúa khứ cách nay không biết bao nhiêu kiếp. Ngài có tuổi thọ bốn trăm ngàn vạn ức a tăng kỳ kiếp. Về đời tượng pháp của đức Phật ấy có một cô gái Bà la môn, nhơn mẹ vừa khuất, đến chiêm lễ tượng Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương tại chùa cầu cho biết hồn mẹ ở chốn nào, ngài liền khiến thần thức của cô gái ấy đến cõi địa ngục. Nơi đây quỷ vương cho biết nhờ phước đức cúng Phật và bố thí của thánh nữ, hồn bà được thoát cảnh điạ ngục mà lên cảnh tiên. Cô gái ấy tức là tiền thân của Địa Tạng Bồ Tát.

Các án Ngũ phương Phật: Ngũ phương Phật là một hệ thống phối trí chư Phật, chư Bồ Tát, chư Hộ pháp hết sức thâm diệu của Phật giáo Mật Tông, Ngũ phương Phật là sự phối hợp giữa Ngũ phương, Ngũ Trí, Ngũ Phật, Ngũ Bộ và Ngũ Hành trong Thai Tạng Mạn đà la và Kim Cang Giới Mạn đà la. Theo sự truyền thừa của Phật giáo Việt Nam từ xưa đến nay trong Trung Khoa Du Già Tập Yếu khắc bản năm Mậu Tý triều Vua Đồng Khánh và bài viết “Lễ tháng bảy cho những oan hồn phiêu bạt” của Thầy Tuệ Sĩ, đàn tràng Chẩn tế tại Việt Nam được cung trần theo Kim Cang Giới Mạn Đà La. Chúng tôi xin trình bày khái quát như sau:

Kim cang giới mạn đà la là thuyết minh hoạt dụng của trí huệ sai biệt trong lý tính không sai biệt, do đó Ngũ trí Như lai là trọng tâm của mạn đà la nầy. Hình dạng cơ bản là một hình tròn, gọi là nguyệt luân (candramandala). Bên trong hình tròn nầy thiết lập các biểu tượng của năm vị Như Lai.

Án Trung ương: Chính giữa là vị trí Đức Phật Tỳ Lô Giá Na tức Đại Nhật Như Lai (Mahà Vairocana – Tathàgata) hiển thân sắc màu vàng, đối diện với bàn Giác Hoa. Đó là Pháp thân Phật (Dharmakàya Buddha), như mặt trời bủa rộng ánh sáng bình đẳng và bao dung cùng khắp vũ trụ. Trong năm đại, Ngài biểu tượng cho không đại (àkàzadhàtu), và bản chất của hư không là bao dung. Trong năm uẩn, Ngài là biểu tượng của thức uẩn. Trong năm loại trí, Ngài biểu tượng cho Pháp giới thể tánh trí.

Bốn phương chung quanh Ngài Đại Nhật Như Lai là vị trí của bốn đức Như Lai, theo thứ tự từ Đông qua Nam cho đến Bắc mà quý vị trong khoa Chẩn Tế thường nói cho dễ nhớ: Tả Đông, Nam. Hữu Tây; Bắc (từ trong đi ra) theo chiều kim đồng hồ, tức bên tay trái là phương Đông và Nam, bên tay phải là phương Tây và Bắc như sau:

Án Phương Đông: A Súc Phật (Akwobhya) hay Bất Động Như Lai, hiển sắc thân màu xanh, trở mặt vào án Trung ương với các biểu tượng: Phong đại (vàyu-dhàtu), nhờ đó mà vũ trụ có vận động; hành uẩn động cơ tạo tác của các loại hữu tình; Đại viên cảnh trí, như tấm gương tròn bao la và ngời sáng phản chiếu mọi hiện tượng sinh thành và hủy diệt của thế giới.

Án Phương Nam: Bảo Sanh Phật (Ratnasambhava), hiển sắc màu đỏ, trở mặt vào Trung ương) với các biểu tượng: Hỏa đại (tejo-dhàtu), khả năng làm chín muồi để đưa đến chỗ thành tựu các vận động của chúng sanh và thế giới; tưởng uẩn, khả năng truy ức quá khứ và ước vọng tương lai để thúc đẩy sự tiến hành sinh hóa; Bình đẳng tánh trí, khả năng quan sát bình đẳng các pháp không bị ràng buộc ngã và pháp.

Án Phương Tây: A Di Đà Phật (Amitabhà), hiển sắc màu trắng, trở mặt vào Trung ương), biểu tượng Thủy đại, khả năng kết hợp các pháp để tác thành duyên sinh hay duyên khởi; thọ uẩn, khả năng hưởng thụ thành quả của các vận động; Diệu quan sát trí, nhìn thấy rõ chân tướng của vạn hữu, của tác dụng sinh khởi, tồn tại và hủy diệt.

Án Phương Bắc: Bất Không Thành Tựu Phật (Amoghasiddhi), hiển sắc màu đen, trở mặt vào Trung ương, biểu tượng Địa đại, khả năng duy trì sự tồn tại của vũ trụ; sắc uẩn, tác thành thế giới hữu tình; Thành sở tác trí, thể hiện các phương tiện giáo hóa chúng sanh.

Phía sau Ngũ phương Phật là:

Bàn Địa Tạng (đồng hướng với Trung ương)

Bàn hộc thực (thấp, để đồ cúng Cô hồn)

Bàn Tiêu Diện (cao hơn bàn Địa Tạng)

trai-dan-chan-te-la-gi-va-trai-dan-chan-te-co-y-nghia-nhu-the-nao-3

Văn khấn thỉnh hương hồn chẩn tế

Nam Mô Bổn Thích Ca Mâu Ni Phật

1. Nam Mô Tôn Giả Khải Giáo A Nan Đà.

Nam mô Tiêu Diện Đại Sĩ Bồ Tát Ma Ha Tát. (chuông)

Hôm nay đây cảnh đàn nghi ngút

Hương hoa thơm bay vút trời cao

Tỏa ra khắp chốn dạt dào

Mười phương tám hướng thấu vào tận nơi

Lòng thành kính thỉnh mời hết thảy

Nước dương chi thấm rảy cùng hoa

Tịnh bình rưới khắp hằng sa

Cho hồn tỉnh thức để mà nghe kinh

Này bao kẻ hương linh lúc trước

Nạn chiến tranh chưa được giải oan

Bởi hay cách trở nhiều đàng

Trong thời loạn lạc tan hoang cửa nhà

Hoặc cửu huyền ông bà thân quyến

Đã nhiều đời trận chiến xưa nay

Duyên đưa nghiệp đẩy chẳng may

Bởi do vận nước đổi thay lắm lần

Nạn chiến tranh tham sân gây tạo

Khắp mọi nơi trái đạo cương thường

Ở trên vạn nẻo ngã đường

Ngày nay gặp dịp muôn phương hãy về

Nghe kinh kệ u mê tan biến

Giải thoát vui tinh tiến bước lên

Niềm tin chí nguyện vững bền

Mau mau hồn hỡi chẳng phiền ngại chi

Oan chưa giải gia đình anh chị

Hoặc những người mến quý thân thương

Từ nay biết rõ con đường

Pháp mầu Tam Bảo tình thương an lòng

Này hồn hỡi sáng trong nên biết.

Phật Thích Ca tha thiết dạy rằng

"Lấy ân báo óan, oán tiêu

Lấy oán báo oán, càng nhiều oan gia"

Muôn hồn hãy nhớ mà tỉnh ngộ.

2. Phật hằng sa vô số Đông Phương (chuông)

Mở lòng âu yếm xót thương

Phóng quang, trợ giúp dẫn đường siêu sinh

Tâm tĩnh lặng hòa bình thế giới

Lòng ăn năn, sám hối tội tiêu

Mất thân chiến trận bao nhiêu

Lập đàn chẩn tế cầu siêu hương hồn

Pháp bình đẳng thảy không phân biệt

Khuyên quay về tha thiết rõ ràng

Khắp nơi thế giới các hàng

Sân si tạo nghiệp, thân tan nát hình

Bởi hay khởi ý tại mình

Nương vào câu kệ, lời kinh thoát nàn

Chuyện quá khứ chẳng bàn đến nữa

Phật từ bi chan chứa tình thương

Xa rời bao nỗi vấn vương

Nhẹ nhàng giải thoát quê hương mọi miền

Nước Nam ta hồn thiêng sông núi

Một ngàn năm đô hộ xâm lăng

Trăm năm đằng đẳng giặc Tây

Ngày nay triệu thỉnh về đây hội đàn

Khắp đất nước các hồn oan báo

Triều Đinh Lê còn lắm đinh ninh

Kính thỉnh chư Phật chứng minh.

3. Nam phương vô số siêu sinh muôn hồn. (chuông)

Hoặc những người vùi chôn đất ướt

Bị sa lầy vũng nước gò hoang

Bá, điền, thôn, hộ, chủ, làng

Hoặc là thầy Lý, Văn, Đoàn, Hương xưa

Hoặc là người nắng mưa tầm tã

Phận bán buôn, vất vả gian truân

Thức khuya dậy sớm tảo tần

Nguy cơ một lúc thiệt thân khó lường

Bị giặc cướp giữa đường bỏ xác

Đã lâu ngày, cỏ rác vùi lấp

Hình hài còn lại nằm đất

Vô danh , vô vị. thật rất tội tình

Giờ này thỉnh Phật chứng minh.

4. Tây phương vô số dạy kinh thoát nạn. (Chuông)

Hoặc có kẻ than van đơn lạnh

Hoặc là người bất hạnh số duyên

Không thầy, chẳng có bạn hiền

Chết sông, tử trận triền miên phiền lòng

Hoặc có kẻ mục đồng lên xuống

Tắm ao khe, nước cuốn mất thây

Hôm nay, gặp hội đàn chay

Vãng lai lui tới dịp may hưởng nhờ

Hoặc những kẻ dại khờ, ú ớ

Hoặc là người rong rỡ điếm đàng

Hoặc người cày cấy mùa màng

Gặp cơn gió độc , tử tang thình lình

Hãy về đây nghe kinh được cứu

Vơi bớt phần nặng trĩu bấy lâu

Nhất tâm kính Phật nguyện cầu.

5. Bắc phương thế giới nhiệm mầu giúp cho. (chuông)

Hoặc có kẻ rủi ro khốn đốn

Hoặc là người ám độn mê hồn

Chết rồi chẳng có ai chôn

Hôm nay nghe thỉnh, thiêng khôn hãy về

Hoặc có kẻ hành nghề cúng bái

Thế gian truyền, tiền giả giấy vàng

Theo Kinh Phật dạy rõ ràng

Nghiệp lành xa hẳn, tăng đàng ác duyên

Mau tu sửa tinh chuyên chánh tín

Niệm Nam mô cất tiếng thường xuyên

Nếu không đọa lạc liên miên

Mau mau hồn hỡi khôn thiêng hãy về

Hoặc có kẻ nhà quê sái dược

Hoặc tiều phu xuôi ngược trên ngàn

Hôm nay mời tới dự đàn

Hưởng mùi Pháp vị, thiên đàng rong chơi

Hoặc có kẻ tắt hơi vì đói

Chẳng trối trăng, chẳng nói được gì

Vô thường chốc lát biệt ly

Bốn lăm năm ấy. giờ thì siêu sinh (1945)

Hoặc quân đội, bộ binh, lính thủy

Những anh hùng, chiến sĩ Bắc, Nam

Mất tích, biển cả núi hang.

6. Thỉnh Phật Phương hạ rải ban pháp lành. (chuông)

Hoặc chú bác, chị anh hai phía

Khi chiến tranh hoảng vía mất thây

Hôm nay xin hãy về đây

Thương yêu đồng loại, bắt tay thắm tình

Hoặc các nước quên mình giúp đỡ

Chiến tranh xưa đã lỡ tạo ra

Đồn điền trận chiến xông pha

Nay bình đẳng cả một nhà Á Âu

Hồn ngoại bang ở đâu cũng thế

Nhanh về đây dự lễ Quy Y

Hào quang Phật chiếu đường đi

Giúp hồn tỉnh thức sân si tẩy mòn

Nghiệp chúng sinh muôn hồn tất cả

Còn tối tăm vạn ngã điêu linh

Về đây sẽ được an bình

Giải oan bạt độ, tâm tình thương yêu

Hoặc người bị lửa thiêu dang dở

Hoặc là người cùi, lở thảm thương.

7. Thỉnh vô số Phật Thượng Phương. (chuông)

Độ hương hồn được tựa nương lâu dài

Hoặc có kẻ ở ngoài biển cả

Bị sóng vồ, tơi tả thuyền bè

Hoặc là đỉnh núi, dốc khe

Đèo cao, đường hiểm, nạn xe càng nhiều

Biết bao kẻ tan tiêu tử nạn

Hoặc người thân, hoặc bạn, hoặc bè

Thiệt mình xin hãy lắng nghe

Ở đây dung lượng chở che trẻ già

Các oan hồn gần xa độ tận.

8. Phật, Pháp, Tăng lân mẫn xót thương. (chuông)

Hương hồn an ổn tựa nương

Thấm mùi pháp vị thuận đường siêu sinh

Ôi ! Những kẻ treo mình thắt cổ

Hoặc là người thiểu số sơn khê

Cũng như người thượng mù què

Rừng thiêng nước độc lắng nghe hãy về

Dân tộc Thái, nhiều bề trở chướng

Hoặc Cờ Ho, Mường Mán Nùng Tày

Ở trong quốc độ xưa nay

Chiến tranh cũng lắm, vui ngày cũng chưa

Nay gặp hội đàn vừa triệu thỉnh

Khắp nơi nơi Phật tính chung lòng

Tâm hồn hướng đến sáng trong

Hướng về thấu rõ thoát vòng u mê

Hỡi chúng sanh não nề lắm chổ.

9. Thỉnh Quan Âm Phổ hộ chứng minh. (chuông)

Lòng từ quảng độ oai linh

Cứu vớt tất cả chúng sinh xứ này

Hoặc có kẻ dựng xây nhà cửa

Trên lầu cao ngã ngữa tử ngay

Sa chân lỡ bước trượt tay

Hôm nay biết được về đây hội đàn

Hoặc nam nữ trong hàng sư sãi

Phá luật nghi, trở ngại chúng tăng

Lời kinh Đức Phật dạy rằng

Ăn năn sám hối siêu thăng lên tòa

Hoặc có kẻ tại gia sát hại

Giết chúng sinh mãi mãi chẳng tha

Tội này chồng chất hằng sa

Hãy mau sám hối lên tòa nghe kinh

Hoặc có kẻ bán mình vì hiếu

Nơi lầu xanh kế liệu mưu sinh.

10. Thỉnh Đức Địa Tạng chứng minh. (chuông)

Đại Thánh, Đại nguyện oai linh hộ đàn

Hoặc có kẻ luận bàn xúi dục

Gây tang thương giây phút nguy cơ

Trai đàn đúng lúc kịp giờ

Nghe kinh giải thoát qua bờ bình yên

Hoặc thi sỹ toàn chuyên bút giấy

Khiêu vũ người nổi dậy loạn tâm

Gián tiếp, trực tiếp gieo mầm

Xa rời nghiệp thiện nhiễm trần càng thêm

Hãy dừng lại xây nền đạo lý

Quyết một lòng ý chí viết lách

Bao người sửa đổi tư cách

Đẹp thêm xã hội nhân cách con người

Điều tốt tươi rõ ràng như thế

Bút giấy kia bách tuế về sau

11. A Nan Tôn Gỉa nhiệm màu. (Chuông)

Độ cho tất cả cùng nhau về đài (Đài Liên Hoa)

Hoặc những kẻ gái trai, già trẻ

Khi bán buôn sớt sẻ lường đong

Thợ vàng, thợ bạc, thợ đồng

Thợ may, thợ máy, tấm lòng nghĩ sao

Giữ cho được thanh cao hơn cả

Dưỡng an lành, dối trá lìa xa

Thợ thuyền, thợ xưởng, thợ nhà

Cùng nhau tu sửa bước qua thuyền từ

Hoặc những kẻ vô cư quá cố

Cảnh chia ly duyên số nửa vời

Than van khóc lóc vang trời.

12. Như Lai, Đa Bảo chẳng rời độ tha. (chuông)

Giúp hương hồn vượt qua bể khổ

Siêu về nơi Tịnh độ vui vầy

Hoặc là hành khất ăn mày

Lang thang đường chợ chết đầy xưa nay

Bốn mùa mưa gió đổi thay

Giải oan bạt độ, dịp may hãy về

Hoặc những người làm nghề y sĩ

Chữa bệnh nhân ích kỷ tấm lòng

Hoặc người vu khống, nói không

Chết rồi phảng phất hồn không được về

Hoặc những kẻ làm thuê cuốc mướn

Phận côi hèn nghiệp chướng tội tình

Phương xa mất hẳn thân mình

Người nhà chẳng biết được tin thế nào.

13. Đức Bảo Thắng Truyền Trao Thọ Ký. (chuông)

Hỡi hương hồn mến, quý về đây

Chẩn đàn, nghiệp cũ chuyển xoay

Siêu sinh tịnh độ vui thay lâu dài

Hoặc có kẻ lừa sư, gạt sãi

Bày âm mưu chướng ngại Tăng Ni

Hồn như thế vậy bất tri

Mau lo tu sửa bước đi sáng ngời

Trai đàn này thỉnh mời tất cả

Biết hồi đầu buông, xã ổn an

Hoặc là những kẻ đãi vàng

Hầm sâu đá sụp, lại càng xót thương

Hoặc máy bay giữa đường tai nạn

Mất tích luôn các bạn trẻ già

Hoặc là quan chức, án tòa

Xử sai oan ức, van la bao người

Nay cung thỉnh tốt tươi tận hưởng

Tội lỗi tiêu, ám chướng xa dần.

14. Thỉnh Như Lai, Diệu Sắc Thân. (chuông)

Độ cho hết thảy về gần Thế Tôn

Hoặc Phật tử, hoặc hồn ngoại giáo

Đã quy y hoặc, chưa quy y

Pháp mầu bất khả tư nghì

Diễn khai mở rộng đường đi nhẹ nhàng

Thấu tất cả thôn làng, núi, biển

Do vô thường chuyển biến đổi thay

Vô tình những lúc rủi, may

Hoảng hồn điện giật, lần này lắng nghe

Hoặc những người lái xe bất định

Gặp nạn tai chẳng tỉnh vu vơ

Mau mau hãy kịp đến giờ

Nương thuyền Bát nhã bến bờ an vui

Biết bao kẻ sụt sùi như thế

Chẩn đàn này chẳng để sót ai.

15. Thỉnh Quảng Bát Thân Như Lai. (chuông)

Độ cho hết thảy trong, ngoài tận nơi

Hoặc có kẻ chơi bời bài bạc

Hoặc rượu chè, thói ác xưa nay

Sống thì vất vưởng qua ngày

Chết thì nghiệp nặng , sâu dày đoạ sa

Hoặc những hồn mẹ cha vứt bỏ

Bào thai còn non nhỏ, thiếu nhi

Bị người phá nạo, tẩy đi

Oán trời trách đất, biết khi nào hoàn

Những hồn này, biến toàn yêu quái

Hận trách người, phá hoại khắp nơi.

Thiệt thân, ý chí chẳng dời

Tiểu yêu oán trách báo đời thảm thương

Nay nhờ Phật một phương cứu độ

Giúp tiểu nhi vô số khắp nơi

16. Phật Ly Bố Uý Sáng Ngời. (chuông)

Độ cho hồn được tới nơi sen vàng

Hoặc Thần Hoàng, xã, làng thờ tự

Bấy lâu nay nương ngự miếu đền

Có tên, hoặc lạc mất tên

Quan Chầu, Mẫu Tướng cũng nên hội đàn

Nương tựa Phật rõ ràng hơn cả

Pháp từ bi, hỷ xã nơi lòng

Hoặc là Thần, Thánh, Tiên ông

Hoặc là Cô, Cậu, Núi sông chúa ngàn

Chưa giải thoát một đàng rõ lắm

Pháp nhiệm mầu đằm thắm vui thay.

17. Thỉnh Cam Lồ Vương Như Lai. (chuông)

Mở đường giác ngộ chuyển xoay rõ ràng

Hoặc có kẻ ngang tàng bất hiếu

Nuôi mẹ cha thốn thiếu đủ bề

Tinh thần tư tưởng gớm ghê

Làm cho cha mẹ ê chề khổ đau

Các hồn này trước sau đọa lạc

Vậy mau mau bỏ ác cho rồi

Hoặc là những kẻ lôi thôi

Phản thầy hại bạn đứng ngồi kế mưu,

Đường đạo đức, dắc dìu dang dở

Gây oán thù nhiều thuở chưa nguôi

Giờ này tâm ý chín muồi

Hướng về theo Phật để rồi siêu sanh

Tâm ý sạch, tịnh thanh cõi Phật

Đã giác rồi, một lúc siêu sinh

Rõ đường ánh sáng quang minh.

18. Nguyện Mười Phương Phật Hiển Linh Độ Trì. (chuông)

Hưởng pháp lạc đường đi nuôi dưỡng

An trú vui, tuyên xướng lục hòa

Đã đi theo gót Phật Đà

Ánh đèn bát nhã, một nhà hữu duyên

Nương tăng chúng, cửa thiền gốc rễ

Xây tình người, huynh đệ có nhau

An nơi hơi thở nhiệm mầu

Bước chân giải thoát lo âu xa rời

Pháp vi diệu thảnh thơi sau trước

Tỉnh thức người, rõ bước đường đi

Thật là bất khả tư nghì

Vô vi cũng tiến, hữu vi chẳng lùi

Hương ngũ phần ngát mùi khắp chốn

Cửa thiền môn tiệm, đốn, pháp khai.

Hiền ngu, già trẻ, gái trai

Nhẹ nhàng siêu thoát trong ngoài xưa nay

Hướng đã vậy chung tay tấn tốc

Chuyển tâm lành mấy chốc, hỡi ai

19. Thỉnh Đức Di Đà Như Lai. (chuông)

Cánh tay bác ái, rộng dài chở che

Hoặc những kẻ xì ke, ma tuý

Do vô minh, suy nghĩ lầm sai

Liều mình nghiệp trộm kéo dài

Chết rồi sẽ bị đọa đầy long đong

Hoặc những kẻ chất chồng bệnh hoạn

Hoặc ung thư, rối loạn tinh thần

Hoặc là những kẻ nịnh thần

Tham ô móc ngoặc nhiều lần dối gian

Hoặc những người lang thang côi cút

Hoặc là người vi rút Si - đa

Mau về nương cửa Phật đà

An vui, tự tại bước qua thuyền từ

Hoặc những người thủy ngư, chài lưới

Hoặc những nơi động đất sóng thần

Hoảng hồn cuốn sạch nhiều lần

Tan tành một lúc chịu phần khổ đau

Nay cửa Phật nhiệm mầu tưởng đến

Gửi gắm tình, hồn được tiêu diêu

Nhất tâm, hướng về đàn siêu

Cam lộ pháp vị, thỉnh chiêu muôn hồn.

20. Đức Văn Thù ôn tồn cứu độ. (chuông)

Pháp lực giúp vô số tựa nương

Trí lành phương tiện chỉ đường

Hoá thân ban rải tình thương tràn đầy

Tiếp dẫn hồn về đây nghe pháp

Hưởng Cam Lồ thọ nạp siêu sinh

Một lòng thính Pháp văn kinh

Món ăn Thiền duyệt hiển linh nhiệm màu

Chẩn đàn này nguyện cầu hết thảy

Này hương linh hãy giữ niềm tin

Cấu trần rửa sạch phân minh

Sinh lên cõi thượng tâm tình an nhiên

Bao cảnh đẹp tốt hiền như thế

Giữa vườn xuân bách tuế nhân từ

Hiền lành quả báo thừa dư

Sinh về Thượng Phẩm an cư vững bền

Lý tưởng đẹp một nền chung hưởng

Nghiệp bao đời tội chướng tiêu tan

Lòng từ Bồ tát truyền ban

21. Phổ Hiền hạnh nguyện sẵn sàng chở che. (chuông)

Muôn hồn hãy lắng nghe cho kỹ

Chuyển tâm mình giản dị hơn xưa

Đông, Tây, Nam, Bắc có vừa

Nguyện cầu Bồ Tát rước đưa hồn về

Đây phương tiện một bề chuyển hóa

Pháp hội đàn Âu, Á gần xa

Về đây huynh đệ ruột rà

Về đây sưởi ấm một nhà xưa kia

Tình anh em chia lìa bao kiếp

Chịu đã nhiều liên tiếp oan gia

Nay nhờ Phật Pháp Tăng già

Chỉ cho lối thoát bước qua thuyền từ

Hãy định tĩnh tiêu trừ các nạn

Đã về đây chung bạn chung bè

Mười phương tám hướng chở che

Mong hồn tỉnh thức để nghe hội đàn

Này các hàng mau mau an tọa

Đạo từ bi, vô ngã vị tha

Trời cao biển rộng, núi nhà

Thỉnh hồn có Đức Di Đà hộ duyên

Hàng thất chúng hiện tiền niềm nở

Lớp Tăng ni rực rỡ y vàng.

Sẵn sàng chánh niệm hộ đàn

Cầu cho hồn được thoát màn vô minh

Kể từ nay vươn mình đứng dậy

Vô lượng quang tiếp lấy các người

Cười lên một nét cho tươi

Giải thoát rốt ráo vui chơi thỏa lòng

Thân ngũ uẩn giai không chớ tiếc

Tứ đại kia giã hợp ấy thôi

Nếu còn lưu luyến đứng ngồi

Trôi lăn lục đạo luân hồi khổ đau

Hãy chấp tay mau mau nghe thỉnh

Thọ tam quy vĩnh viễn lâu dài

Đàn siêu chẳng bỏ sót ai.

22. Tạ Mười Phương Đức Như Lai hộ đàn. (chuông)

Âm dương được bình an thịnh vượng

Ánh từ bi vô lượng vô biên

Cầu cho tất cả mọi miền

Tâm đồng như Phật siêu nhiên thoát trần

Thế giới được muôn phần lợi lạc

Thánh phàm đều tiến, khác hơn xưa

Phước duyên thấy rõ nhất thừa

Đồng cùng giải thoát đàn vừa đã xong

Khắp Tam giới hư không cùng tận

Niềm hạnh phúc nghiêm tấn mỗi ngày

Biết ơn Hộ Pháp đàn chay

Thiên nhân lợi lạc vui thay tạ đàn

"Giải kết, giải kết, giải oan kết

Nghiệp chướng bao đời đều giải hết

Rửa sạch lòng trần, phát tâm thành kính

Đối trước đàn tràng cầu xin giải kết"

Nam Mô Giải oan kết Bồ Tát Ma Ha Tát

Nam Mô Hộ Pháp Vi Đà Tôn Thiên Bồ Tát Ma Ha Tát,

Tiếp theo Kinh Di Đà.

Mông Sơn thí thực

Bát Nhã niệm Phật hồi hướng.

Xem thêm: Cách tụng kinh cầu siêu cho người chết tại nhà chuẩn nhất

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận