Nguồn gốc và ý nghĩa của Kinh Pháp Cú
Kinh Pháp Cú được xem là quyển kinh Phật bỏ túi, kinh gối đầu giường của người học Phật, tu Phật và trải nghiệm chân lý Phật. Cùng tìm hiểu nguồn gốc, ý nghĩa, cách tụng Kinh Pháp Cú trong bài viết dưới đây.
Nguồn gốc của Kinh Pháp Cú
“Kinh Pháp Cú” (Dhammapada) là một trong 15 quyển kinh thuộc Tiểu Bộ Kinh trong Kinh Tạng Pali.
Đây là một quyển kinh Phật giáo được dịch ra nhiều ngôn ngữ nhất trên thế giới và là Kinh phổ biến nhất trong cộng đồng Phật giáo, đặc biệt tại các nước Phật giáo Nam tông bao gồm Tích-lan, Miến-điện, Thái-lan, Lào và Campuchia.
“Pháp” (Dhamma) có nghĩa là đạo lý, chân lý, giáo lý.
“Cú” (Pada) là lời nói, câu kệ.
“Pháp Cú” là những câu nói về chánh pháp, những câu ghi chép lời dạy của Đức Phật nên “Kinh Pháp Cú” còn được gọi là “Kinh Lời Vàng” hoặc “Lời Phật Dạy”.
Ngoài ra, trong ngữ văn Pali, “Pada” còn có nghĩa là con đường. Do đó, Dhammapada cũng thường được dịch là “Con Đường Chân lý” hay “Con Đường Phật Pháp”.
Kinh Pháp Cú là một tập hợp những câu dạy ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa của Đức Phật Thích Ca trong ba trăm trường hợp giáo hóa khác nhau. Những câu này do chính Đức Phật khi còn tại thế nói ra trong suốt gần nửa thế kỷ thuyết pháp của Ngài. Ngài giảng dạy bằng lời nói chứ không viết sách. Ba tháng sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn thời các vị đại đệ tử của Đức Phật mới nhóm họp để đọc lại và ghi chép, kết tập những giáo pháp của Ngài.
Các câu Pháp Cú được các vị đại đệ tử sắp xếp thành 423 bài “kệ”, chia ra làm 26 “phẩm” theo như hình thức hiện nay để cho thích hợp với giới độc giả và người nghe. Kinh Pháp Cú cũng được tụng đọc trong Đại Hội Kết Tập Kinh Điển lần đầu tiên sau khi Đức Phật nhập diệt.
01. Kinh Pháp Cú Phẩm Song Yếu
02. Kinh Pháp Cú Phẩm Không Phóng Dật
03. Kinh Pháp Cú Phẩm Tâm
04. Kinh Pháp Cú Phẩm Hoa
05. Kinh Pháp Cú Phẩm Ngu
06. Kinh Pháp Cú Phẩm Hiền Trí
07. Kinh Pháp Cú Phẩm A-La-Hán
08. Kinh Pháp Cú Phẩm Ngàn
09. Kinh Pháp Cú Phẩm Ác
10. Kinh Pháp Cú Phẩm Hình Phạt
11. Kinh Pháp Cú Phẩm Già
12. Kinh Pháp Cú Kinh Pháp Cú Phẩm Tự Ngã
13. Kinh Pháp Cú Phẩm Thế Gian
14. Kinh Pháp Cú Phẩm Phật Ðà
15. Kinh Pháp Cú Phẩm An Lạc
16. Kinh Pháp Cú Phẩm Hỷ Ái
17. Kinh Pháp Cú Phẩm Phẫn Nộ
18. Kinh Pháp Cú Phẩm Cấu Uế
19. Kinh Pháp Cú Phẩm Pháp Trụ
20. Kinh Pháp Cú Phẩm Đạo
21. Kinh Pháp Cú Phẩm Tạp Lục
22. Kinh Pháp Cú Phẩm Ðịa Ngục
23. Kinh Pháp Cú Phẩm Voi
24. Kinh Pháp Cú Phẩm Tham Ái
25. Kinh Pháp Cú Phẩm Tỷ Kheo
26. Kinh Pháp Cú Phẩm Bà La Môn
Kinh Pháp Cú tóm thâu tinh hoa giáo lý của Đức Phật. Đọc những bài kệ trong kinh này người đọc cảm thấy như chính mình được trực tiếp nghe lời Phật dạy từ bao năm trước vọng lại. Mỗi bài kệ có thể xem là chứa đựng một cách súc tích và trung thành nhất những lời dạy, những giáo lý căn bản nguyên thủy của Đức Phật.
Mỗi phẩm trong Kinh Pháp Cú đặt trọng tâm vào một đề tài chính, ví dụ “Phẩm Tâm”, “Phẩm Đức Phật”, “Phẩm Địa Ngục”… Mỗi bài kệ trong từng phẩm đều chứa đựng một nội dung tu học rất sâu sắc và phong phú. Nhiều bài tương đối đơn giản và dễ hiểu nhưng nhiều bài không thể nào chỉ đọc một lần mà hiểu ngay hết được. Cần phải đọc đi đọc lại nhiều lần, đọc thêm các tích truyện đi kèm và tra cứu thêm các bản chú giải.
Trong Kinh Pháp Cú người đọc sẽ thấy những lời dạy về triết lý và luân lý cho cả hai giới xuất gia và tại gia. Những lời dạy cho hàng xuất gia tất nhiên không bao hàm hàng tại gia, nhưng những lời dạy cho hàng tại gia đương nhiên có thể áp dụng cho cả hàng xuất gia. Do đó dù ở cương vị nào người đọc cuốn kinh này cũng thu nhập được nhiều lợi ích thanh cao.
Hơn nữa những người muốn đi tìm chân lý, dầu theo tín ngưỡng nào chăng nữa, đều có thể thấy hứng thú và bổ ích khi đọc bộ Kinh Pháp Cú này. Giới học giả và người có trình độ học thức Tây phương, không phân biệt niềm tin tôn giáo, đã nghiên cứu bộ Kinh Pháp Cú nhằm giúp họ phát triển về tâm linh để mà tự bản thân họ có thể thanh tịnh hóa tâm thức của mình khiến cho không còn bị nhiễm ô bởi đám mây vô minh che khuất.
Ngày nay, nhiều người châu Âu bắt đầu theo Đạo Phật và tìm hiểu kinh điển Phật giáo. Họ nhận ra rằng kinh điển Phật giáo thường chỉ nêu ra chân lý cho toàn thể nhân loại chứ không mang tính chất giáo điều.
Kinh Pháp Cú có những bài kệ được kết hợp với những ví dụ cụ thể rất sinh động, súc tích, và cảm hứng đến nỗi cuốn kinh có thể được xem như là bộ tuyển tập thánh điển cổ xưa nhất trên thế giới và là một trong những bộ thánh điển thiêng liêng nhất của Đông phương.
Nhiều học giả quốc tế chuyên về tôn giáo và thần học đã từng nói đại ý rằng: “Kinh điển của Phật Giáo thật quả là nhiều, nhưng nếu một ngày nào đó tất cả các kinh điển này bị thất lạc hay bị thiêu hủy đi hết mà chỉ còn lưu giữ lại được một cuốn Kinh Pháp Cú này thôi thì chúng ta cũng tạm coi như có đủ những gì cần thiết để noi theo giáo lý của Đức Phật”.
Tại các nước theo Phật Giáo Nam Tông các Sa di phải học thuộc lòng Kinh Pháp Cú. Riêng tại Việt Nam ta kinh này không được xếp vào danh sách các kinh để tụng niệm hàng ngày nên kinh ít được biết đến.
Ý nghĩa của Kinh Pháp Cú
Kinh Pháp Cú đề cập đến thế giới quan, nhân sinh quan, xã hội quan, đạo đức quan và giải thoát quan của đức Phật. Về thế giới quan, đức Phật chủ trương không có nguyên nhân khởi thủy của sự sống và mọi sự vật hiện tượng, dù đó là duy thần, duy vật hay duy tâm. Thế giới là một tương quan đa chiều, tương tác và tương thuộc.
Về nhân sinh quan, Đức Phật cho rằng con người là trung tâm của vũ trụ, con người là gốc của các hoạt động nhân văn, đạo đức và xã hội. Con người quan trọng hơn Thượng đế và thần linh.
Về xã hội quan, Đức Phật chủ trương công bằng xã hội, dân chủ, nhân quyền, bình đẳng giới, nhằm góp phần thiết lập một xã hội hòa bình, thịnh vượng và phát triển.
Đạo đức quan Phật giáo gồm ba phương diện: Không làm điều phi pháp, làm tất cả việc thiện, giữ tâm trong sáng và cao thượng.
Về giải thoát quan, Đức Phật chủ trương giải phóng tất cả nỗi khổ niềm đau của kiếp người bằng cách thừa nhận bế tắc, truy tìm nguyên nhân (tham ái, sân hận, si mê, chấp thủ), trải nghiệm hạnh phúc niết-bàn và thực hiện chánh đạo (chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định).
Mỗi một bài thơ thiền trong Kinh Pháp Cú là một triết lý sống vị nhân sinh, bây giờ và tại đây. Mỗi ngày, dành 10-15 phút đọc các bài thơ thiền của Đức Phật trong Kinh Pháp Cú, đọc thật chậm rãi, suy nghĩ nghĩa lý, chiêm nghiệm những điều minh triết của Phật, ta sẽ học được nhiều bài học cao quý, trong việc làm chủ cảm xúc và hành vi, nhờ đó, làm chủ được vận mệnh. Mỗi khi có nỗi buồn, lo lắng, căng thẳng, sầu bi, bất hạnh, thất bại khổ đau, thử tháchvà trở ngại, hãy đọc Kinh Pháp Cú, người đọc như được truyền thêm nghị lực để vượt qua, sống lạc quan, tích cực và thăng hoa các giá trị cao quý. Những lúc gặp thuận duyên, thành công, hạnh phúc, đọc Kinh Pháp Cú sẽ nuôi lớn các đức tính cao quý như từ bi, hoan hỷ, buông xả, vô ngã, vị tha, nhờ đó, ta có thêm lý do để tinh tấn vươn đến nhiều thành công to lớn hơn, góp phần làm cho cuộc sống có ý nghĩa hơn.
Cách tụng Kinh Pháp Cú 2021 chuẩn nhất
Dưới đây là nghi thức tụng Kinh Pháp Cú 2021 chi tiết nhất quý Phật tử có thể tham khảo:
NGUYỆN HƯƠNG
(Chủ lễ quì ngay thẳng, xướng bài Nguyện hương. Gia chủ đồng mặc niệm và quán tưởng theo lời Nguyện)
Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật
Trên sen báu, hào quang rạng rỡ
Đức Năng Nhơn tướng hảo huy hoàng,
Hóa thân cứu độ mười phương,
Cúi đầu đảnh lễ, đạo tràng quy y.
Đèn chánh pháp rạng ngời khắp chốn,
Đạo từ bi phổ biến muôn nơi.
Tăng Ni đạo lực sáng ngời,
Tại gia tu học, thảnh thơi, an nhàn.
Cầu thế giới hòa bình, phát triển
Mong nước nhà hưng hiển, tự do,
Mọi người hạnh phúc, ấm no,
Khắp nơi yên ổn, không lo lắng gì.
Chúng con nguyện, đời đời kiếp kiếp,
Được thân người, học Phật tu nhân,
Xa lìa biển khổ trầm luân,
Tấn tu đạo nghiệp, viên thành quả cao.
Nam-mô Hương Cúng Dường Bồ-tát
(3 lần)
ĐẢNH LỄ TAM BẢO
Phật là đấng giác ngộ mình,
Độ người thoát khỏi tử sinh bao đời,
Từ bi, trí tuệ rạng ngời,
Là thầy ba cõi trời người xưa nay.
Chí tâm đảnh lễ tất cả Đức Phật ba đời thường trú trong mười phương.
(1 lạy)
Pháp là phương thuốc diệu thay,
Chữa lành bệnh khổ bao loài chúng sanh,
Như vầng trăng sáng lung linh,
Soi đường ra khỏi u minh mê mờ.
Chí tâm đảnh lễ tất cả Tôn Pháp ba đời thường trú trong mười phương.
(1 lạy)
Tăng là những bậc chân tu,
Biết đời huyễn mộng, giã từ ra đi,
Thấm nhuần trí tuệ, từ bi,
Độ đời thoát khỏi tham ... si khổ sầu.
Chí tâm đảnh lễ tất cả Hiền Thánh Tăng ba đời thường trú trong mườiphương.
(1 lạy)
TÁN HƯƠNG
(Đại chúng đứng thẳng và chấp tay trước ngực. Duy-na và Duyệt Chúng khai chuông mõ. Từ đây trở đi, chủ lễ xướng và gia chủ cùng tụng theo).
Lò hương vừa bén chiên đàn
Tỏa xông pháp giới đạo tràng mười phương
Hiện thành mây báu cát tường
Xin Phật chứng giám tâm hương chí thành
Pháp thân các Phật tịnh thanh
Chứng minh hương nguyện, phước lành rưới ban.
Nam mô Hương Vân Cái Bồ-tát.
(3 lần)
TÁN DƯƠNG GIÁO PHÁP
Pháp Phật cao siêu, lý rộng sâu
Trăm ngàn muôn kiếp khó tìm cầu
Nay con gặp được xin trì tụng
Nguyện hiểu chân Kinh nghĩa nhiệm mầu
Nam-mô Khai Pháp Tạng Bồ-tát
(3 lần)
Xem thêm: Luận giải về 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp của Đức Phật
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận