Bộ Y tế yêu cầu 63 tỉnh, thành hỏa tốc lập danh sách 10 nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin COVID-19 miễn phí

Để xây dựng kế hoạch phân phối, triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 thời gian tới, Bộ Y tế đã có văn bản hoả tốc đề nghị 63 tỉnh, thành phố lập danh sách 10 nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm miễn phí vắc xin COVID-19.

Thái An
15:35 06/04/2021 Thái An
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên vừa ký công văn hỏa tốc số 2447/BYT-DP về việc rà soát, thống kê đối tượng ưu tiên tiêm và tiêm miễn phí vắc xin phòng COVID-19. Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế 63 tỉnh, thành phố khẩn trương lập danh sách 10 nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm miễn phí vắc xin COVID-19 trên địa bàn theo đúng tinh thần của Nghị quyết 21/NQ-21 của Chính phủ và thông báo số 47/TB-VPCP của Văn phòng Chính phú.

Số lượng từng nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm miễn phí vắc xin COVID-19 phải gửi về Cục Y tế Dự phòng, các viện Pasteur khu vực trước ngày 15/4 để tổng hợp.

Theo Bộ Y tế đây là cơ sở để Bộ Y tế xây dựng kế hoạch phân phối, triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 trong thời gian tới.

10 nhóm ưu tiên tiêm vắc xin COVID-19 miễn phí
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên mới đây đã ký công văn hỏa tốc số 2447/BYT-DP về việc rà soát, thống kê đối tượng ưu tiên tiêm và tiêm miễn phí vắc xin phòng COVID-19.

Theo đó, 10 nhóm đối tượng ưu tiên tiêm miễn phí vắc xin COVID-19 gồm:

1. Lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, gồm:

- Người làm việc trong các cơ sở y tế.

- Người tham gia phòng chống dịch (Thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ COVID dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên...).

- Lực lượng Quân đội (lực lượng địa phương tham gia phòng chống dịch).

- Lực lượng Công an (lực lượng địa phương tham gia phòng chống dịch).

2. Nhân viên, cán bộ ngoại giao của Việt Nam và người thân được cử đi công tác nhiệm kỳ; cán bộ trực tiếp tham gia đón các đoàn khách của Chính phủ và đón người Việt Nam từ nước ngoài về; Đoàn Ngoại giao và các tổ chức thuộc hệ thống Liên Hợp Quốc tại Việt Nam.

3. Nhân viên hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh.

4. Người cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước...

5. Giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người.

6. Người mắc các bệnh mạn tính.

7. Người trên 65 tuổi.

8. Người sinh sống tại các vùng có dịch.

9. Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội.

10. Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài.

Đến nay, Việt Nam triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 được gần 53.000 người tại 19 tỉnh, thành phố từ lô vắc xin 117.600 liều nhận ngày 24/2. Nhiều cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 đã hoàn thành việc tiêm này.

10 nhóm ưu tiên tiêm vắc xin COVID-19 miễn phí
Buổi tiếp nhận hơn 811.000 liều vaccine Astrazeneca phòng bệnh COVID-19 do COVAX tài trợ về đến Việt Nam ngày 1/4

Trước đó, vào hôm 1/4, lô vắc xin đầu tiên từ COVAX gồm 811.200 liều đã về tới Việt Nam. Theo ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, đây được xem là thời khắc lịch sử, một tin mừng với người dân Việt Nam và là một yếu tố giúp thay đổi cục diện chống dịch COVID-19. 

"Lô vắc xin này là lô đầu tiên trong tổng số 4,1 triệu liều vắc xin dự kiến sẽ có mặt tại Việt Nam đến cuối tháng 5/2021. Cùng với những lô vắc xin tiếp theo sẽ được tiếp nhận sau tháng 5, Việt Nam sẽ đạt mục tiêu cung cấp vắc xin cho 20% dân số đến cuối năm 2021", ông Kamal Malhotra nói.

Dự kiến, trong tháng 5 sắp tới, Việt Nam sẽ có thể tiếp nhận thêm 4,1 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 để phục vụ công tác tiêm chủng mở rộng trên cả nước. Hiện, Bộ Y tế đang đàm phán và làm việc với các tổ chức quốc tế để thúc đẩy lộ trình cung ứng phù hợp, ưu tiên trong năm 2021 để có thể bao phủ được tỉ lệ tiêm vaccine tới người dân.

Được biết, để đảm bảo mục tiêu miễn dịch cộng đồng trong năm 2021, Việt Nam sẽ cần 150 triệu liều vaccine COVID-19 để tiêm chủng cho người dân. Cùng với các cuộc đàm phán với các nhà sản xuất vaccine nước ngoài, Việt Nam cũng đang nỗ lực thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, sản xuất vaccine COVID-19 trong nước.

Tuy nhiên, so với nhu cầu hiện nay, Việt Nam vẫn còn thiếu một lượng vaccine khá lớn, do vậy, Việt Nam rất cần sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các quốc gia, tổ chức trong việc tăng cường khả năng sớm tiếp cận với các nguồn vaccine COVID-19.

Những tác phẩm đẹp không tưởng được tạo ra từ thời gian giãn cách xã hội vì COVID-19

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận