Đi tìm nguồn gốc của điển tích “con cà con kê” trong dân gian

“Con cà con kê” là điển tích để chỉ những người hay chuyện, nói dai, nói dài từ chuyện này đến chuyện khác. Vậy điển tích này bắt nguồn từ đâu?

Đi tìm nguồn gốc của điển tích “con cà con kê” trong dân gian

“Con cà con kê” là điển tích để chỉ những người hay chuyện, nói dai, nói dài từ chuyện này đến chuyện khác. Vậy điển tích này bắt nguồn từ đâu?

Theo cuốn Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, NXB Đà Nẵng năm 2000 thì Cà kê ở đây nghĩa là nói dai, dài dòng, hết chuyện này sang chuyện khác. Người ta có thể nói những câu như: “nói cà nói kê mãi”, “ngồi cà kê suốt buổi”... “Con cà con kê” ở đây cũng có nghĩa đó nhưng với mức độ nhấn mạnh hơn nữa. 

PGS.TS Phạm Văn Tình, Viện Từ điển học và Bách khoa toàn thư Việt Nam cũng lý giải rằng, chúng ta thường gặp người có thói quen nói nhiều, nói dài, nói dai, lan man từ chuyện này sang chuyện khác. Từ đó cha ông ta đã đúc kết lại thành một câu thành ngữ: Con cà con kê.

Nhưng tại sao lại có thành tố “con” ở đây. Con cà, con kê là hai con gì? Có hai cách hiểu khác nhau về thành ngữ đó.

Đều là con gà

Đầu tiên, theo phiên âm Hán Việt, “cà” và “kê” đều có nghĩa là “gà”. Như vậy theo nghĩa đen thành ngữ này ý chỉ sự dài dòng, luẩn quẩn và trùng lặp, “hết con gà lại quay lại... con gà”. Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội lý giải, “con cà con kê” chính là việc nói lặp đi lặp lại một câu chuyện. 

GS.TS Vũ Quang Côn, Hội Côn trùng học Việt Nam cũng cho rằng, gà là con vật hay lang thang, đi chỗ này, chạy chỗ kia để tìm kiếm thức ăn. Con cà hay con kê thì đều là con gà sẽ phù hợp với cách lý giải nói dài dòng, lòng vòng, không có chủ đích và rất mất thời gian. 

Là một loại cây

Cũng theo PGS.TS Phạm Văn Tình, một cách giải thích khác đó là: “cà” và “kê” trong thành ngữ nêu trên không phải là “con gà” mà là “cây cà” và “cây kê”. Bởi gieo cà phải thành đám, hàng trăm cây con mới kín luống. Kê cũng phải gieo thành đám như mạ. Việc trồng cà, trồng kê mất rất nhiều thời gian và công sức, phải tỉ mẩn, tỉa ra từng cây một cách rề rà, chậm chạp. Từ đó, theo nghĩa này thành ngữ chỉ sự dài dòng, hết cây cà lại sang cây kê, kéo dài như không dứt. 

Xuất xứ từ Pháp

Trong tiếng Việt ta con kê, con cà không tồn tại. Cuốn Từ điển Tiếng Việt của cố GS Nguyễn Lân cũng cho biết cà là do từ cổ ca nghĩa là gà. Về mặt ngữ nghĩa, thành ngữ “con cà con kê” tương đương với con gà con kê, nôm na là con gà và con gà.

Một số chuyên gia lại cho rằng, “con cà con kê” của Việt Nam được du nhập từ Pháp. Đó là kết quả của giao lưu văn hóa khoảng cuối thế kỷ XIX. Theo từ điển Robert và Larousse của Pháp: Caquet (đọc là ca kê, từ tượng thanh, có từ thế kỷ XV): Gloussement de la poule au moment où elle pond (tiếng gà mái kêu lúc đẻ trứng). Nghĩa bóng của Caquet là bavardage indiscret, intempestif (Ba hoa không đúng lúc). 

Caqueter là động từ, có nghĩa là nói không ngừng, nói dài dòng khiến người đối diện cảm thấy khó chịu. Vậy cà kê trong tiếng Việt giống với Caquet của tiếng Pháp đều là nói dông dài. Phát âm của hai từ này cũng giống nhau, "ca" của tiếng Pháp chuyển sang “cà” của tiếng Việt. Xét về mặt ngôn ngữ thì cà kê không phải là từ thuần Việt mà cũng không phải là thuần Hán. Vậy ta đã Việt hoá Caquet của Pháp thành Cà kê cũng là một cách giải thích thỏa đáng.

Xem thêm: Nhìn điển tích "Võ Tòng đánh hổ" dưới góc nhìn khoa học: Chắc chắn không chỉ dựa vào sức mạnh thuần túy