Deepfake và trào lưu ghép mặt vào phim 'người lớn' khiến cả thế giới phải dè chừng

Deepfake là công nghệ sản xuất, chỉnh sửa ảnh hoặc video, ghép mặt những nhân vật nổi tiếng vào một sản phẩm nào đó và thường vì mục đích xấu. Ai cũng có thể trở thành nạn nhân của Deepfake đặc biệt là phụ nữ và những người nổi tiếng.

Hoa Nguyễn
20:15 02/03/2021 Hoa Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Mới đây, cộng đồng mạng vô cùng xôn xao trước một số hình ảnh nhạy cảm từ clip nóng được cho là của Ninh Dương Lan Ngọc bị phát tán trên một trang web 18+. Trang web này còn mô tả cụ thể các thông tin về nhân vật nữ trong clip nóng gồm tên, tuổi, nghề nghiệp của Ninh Dương Lan Ngọc.

deepfake 1

Tuy nhiên, phía nữ diễn viên cũng đã lên tiếng đính chính lại những thông tin này. Cô khẳng định người trong clip không phải là mình. Trước vấn đề trên nhiều người nghi ngại rằng có thể Ninh Dương Lan Ngọc đang bị một nhóm đối tượng nào đó chơi xấu, nhằm bôi nhọ danh tiếng và hình ảnh của cô. 

Xem thêm: CĐM tìm ra bằng chứng hình xăm, quyết tâm minh oan cho Ninh Dương Lan Ngọc trong vụ nghi vấn lộ clip

Thực tế thì việc ghép mặt một ai đó vào clip là hoàn toàn có thể làm được nhờ công nghệ "deep fake". Không chỉ có Ninh Dương Lan Ngọc mà nhiều ngôi sao nữ Kpop như Nancy (MOMOLAND), BLACKPINK, SNSD,... cũng từng rơi vào tình huống tương tự, bị ghép mặt vào các clip nóng và phát tán lên các trang web đen. Vì vậy, sau khi sự việc này xảy ra, nhiều người đã đặt vấn đề đó là Deepfake là gì và nó thực sự nguy hiểm đến mức nào? Có cách nào để kiểm soát nó hay không?

Deepfake là gì?

Deepfake bắt nguồn từ một người dùng Reddit có tên là "Deepfakes", cái tên này đã mở đường cho công nghệ học sâu (deep learning), một mảng nhỏ của công nghệ học máy (machine learning) - sử dụng trí tuệ nhân tạo để huấn luyện cho máy tính thực hiện một nhiệm vụ nào đó.

deepfake 6

Công nghệ Deepfake sẽ thu hình ảnh khuôn mặt của một đối tượng nào đó, sau đó thay thế cho khuôn mặt của một người khác trong video. Deepfake sẽ quét video và ảnh chân dung của một người sau đó hợp nhất với video riêng biệt nhờ AI và thay thế các chi tiết trên gương mặt như mắt, miệng, mũi với chuyển động gương mặt như thật. Thậm chí các tập tin âm thanh cũng sẽ được Deepfake tạo ra bằng cách sử dụng bản ghi âm thực để huấn luyện máy tính nói chuyện giống hệt đối tượng cụ thể.

Những kỹ thuật tương tự khác cũng có thể được sử dụng để tạo thành máy tính viết văn bản giả. Tùy theo ý đồ của người tạo mà video sẽ được điều chỉnh nhanh hay chậm để đánh lừa người xem, mang đến độ chân thật một cách kinh ngạc.

Deepfake sử dụng với mục đích gì?

Cách đây vài năm một công ty có trụ sở ở Amsterdam chuyên phát hiện và theo dõi các cuộc tấn trên mạng trong đó có 96% là các vụ lừa đảo trên mạng với nội dung khiêu dâm giả mạo. Trong đó có rất nhiều ngôi sao nổi tiếng của Hàn Quốc và Châu Âu bị ghép mặt một cách hết sức tinh vi. Điều này khiến không ít người lâm vào cảnh khốn đốn vì những tin đồn thất thiệt. 

deepfake 4

Đầu năm 2019, một nhóm tội phạm mạng đã sử dụng âm thanh deepfake để giả giọng ông chủ của doanh nghiệp này, lừa giám đốc điều hành của công ty số tiền là 243.000 USD. Tháng 6 năm 2019, bộ trưởng chính phủ của Malaysia bị cáo buộc là có liên quan đến một video quan hệ tình dục với người đồng giới. Hành vi này ở Malaysia được cho là bất hợp pháp. Dù những người ủng hộ vẫn tin tưởng ông nhưng họ lại không tìm được bằng chứng nào cho thấy video này là bị cắt ghép.

Phần lớn những video Deepfake đều có nội dung đồi trụy. CEO Deeptrace, ông Giorgio Patrini cho biết: "Chúng tôi phát hiện ra bốn trang web khiêu dâm hàng đầu chuyên đăng tải các video Deepfake có tổng lượt xem lên tới 134 triệu". Lượng người truy cập ngày càng lớn gióng lên hồi chuông đáng báo động về nhu cầu của người dùng Internet với công nghệ này.

Những mối lo ngại về công nghệ deepfake

Không chỉ dừng lại ở những video khiêu dâm giả, Deepfake còn đang trở thành nỗi ám ảnh trong giới internet khiến rất nhiều người phải khiếp sợ. Các chuyên gia lo ngại rằng công nghệ Deepfake có thể gây ra những tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế, chính trị, hủy hoại danh tiếng của một người. Sẽ thật tồi tệ khi điều này xảy ra với bất kỳ ai, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ - những người hoàn toàn không có khả năng chống cự lại trước những thông tin bịa đặt này.

deepfake 7

Những nhân vật có tầm ảnh hưởng trên thế giới như ông chủ của Facebook - Mark Zuckerberg - CEO của Tesla - Elon Musk, Tổng thống Mỹ Donald Trump hay cựu Tổng thống Barrack Obama từng là nạn nhân của những video giả mạo trên deepfake. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự và nhân phẩm của họ. Một khi video bị lan truyền trên mạng thì khả năng ngăn chặn gần như bằng không. Hơn thế nữa cũng rất khó để phân biệt được mức độ thật giả của những video này.

Ai là người đã tạo ra những nội dung deepfake?

Rất nhiều công ty công nghệ và cả những người dùng máy tính siêu hạng đang nghiên cứu để cải thiện kỹ thuật deepfake. Những chuyên gia của Đại học Carnegie Mellon đã tạo ra một hệ thống có thể chuyển các đặc điểm như hành động hoặc biểu cảm trên khuôn mặt từ người này ghép sang một người khác. Ngoài ra một số công ty phần mềm của Trung Quốc cũng cung cấp dịch vụ nhân bản giọng nói có thể áp dụng cho giao diện của người và máy.

deepfake 4

Công nghệ deepfake đã đặt ra một câu hỏi về vấn đề đạo đức cho các nhà nghiên cứu, bởi vì trong quá trình áp dụng công nghệ này vào cuộc sống, họ đã vô tình tiếp tay cho kẻ xấu để thực hiện những ý đồ bất chính. 

Công nghệ học máy có thể được sử dụng để xác định những điểm sai khác trong chuyển động giữa đầu và mặt trong các video deepfake. Ngoài ra, công nghệ này còn có thể đào tạo các thuật toán xác định những thay đổi bất thường trong quá trình ghi âm. Bộ Quốc phòng Mỹ, Google và Facebook đang tài trợ và hỗ trợ dữ liệu để các nhà nghiên cứu tìm ra giải pháp phát hiện deepfake hiệu quả.

Công nghệ deepfake có những ưu điểm gì?

Về mặt tích cực không thể phủ nhận rằng Deepfake có thể mang lại những thước phim hài hước. Trên thực thế, Công ty CereProc của Scotland đã tạo ra giọng nói kỹ thuật số cho một MC chương trình radio khi người này bị mất giọng vì bệnh. Nhân bản giọng nói có thể hỗ trợ giáo dục bằng cách tái tạo âm thanh của các nhân vật lịch sử. Thậm chí CereProc còn tạo ra một phiên bản bài diễn văn cuối cùng của cựu Tổng thống Mỹ John F. Kennedy, người đã qua đời từ năm 1963.

deepfake 5

Công ty Synthesia có trụ sở tại Anh đã tạo ra một video deepfake, trong đó huyền thoại bóng đá David Beckham tuyên truyền những nỗ lực ngăn chặn bệnh sốt rét bằng 9 ngôn ngữ khác nhau.

Quay lại năm 2013, khi Paul Walker, nam diễn viên của loạt phim Fast and Furious bất ngờ qua đời trong khi Furious 7 vẫn chưa quay xong.

Đoàn phim đã mời Cody Walker, em trai của Paul để đóng thế. Vì có những điểm tương đồng ở nét mặt nên họ có thể dễ dàng hậu kỳ làm cho Cody trông giống hệt anh trai mình. Ngày ra rạp, bộ phim khiến hàng triệu "fan" trên thế giới không khỏi ngỡ ngàng về độ chân thật. Đây là hình thức sơ khai nhất của Deepfake.

Không thể phủ nhận, bất cứ thứ gì được tạo ra trên đời đều có mặt tích cực và tiêu cực của nó, và Deepfake cũng không ngoại lệ. Hy vọng chúng ta sẽ có thể sử dụng Deepfake theo đúng mục đích và ý nghĩa của nó, đồng thời hãy lên tiếng mạnh mẽ để đòi lại sự công bằng nếu bạn là nạn nhân của những video Deepfake nhảm nhí này.

Xem thêm: Ninh Dương Lan Ngọc khẳng định: "Người con gái trong đoạn clip đen đang tràn lan trên mạng không phải tôi"

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận