Bàn về văn chương của Hoàng Phủ Ngọc Tường: "Là mạch vỉa than đá cung cấp nguồn năng lượng cho tâm hồn con người"

Trong bài viết đăng trên Tạp chí sông Hương, tác giả Ngô Minh nhận xét về Hoàng Phủ Ngọc Tường như sau: “Văn chương Hoàng Phủ Ngọc Tường là mạch vỉa than đá cung cấp nguồn năng lượng cho tâm hồn con người”.

Bàn về văn chương của Hoàng Phủ Ngọc Tường: "Là mạch vỉa than đá cung cấp nguồn năng lượng cho tâm hồn con người"

Trong bài viết đăng trên Tạp chí sông Hương, tác giả Ngô Minh nhận xét về Hoàng Phủ Ngọc Tường như sau: “Văn chương Hoàng Phủ Ngọc Tường là mạch vỉa than đá cung cấp nguồn năng lượng cho tâm hồn con người”.

01

“Văn chương Hoàng Phủ Ngọc Tường là mạch vỉa than đá cung cấp nguồn năng lượng cho tâm hồn con người” (Ngô Minh). Ông “đau đáu một nỗi niềm với Huế” - “Một mảnh đất hẹp, tài nguyên hạn chế, dân không đông, bị chà xát nặng nề qua nhiều cuộc chiến tranh giành lãnh thổ trong lịch sử, lại là vùng đất chứa đựng nhiều tài nguyên văn hóa có tầm quốc gia, ngày nay được coi là một trung tâm văn hóa, một đô thị di sản đó là một điều rất đặc biệt. Có được điều đó vì Huế đã đóng được vai trò là mảnh đất tiếp biến văn hóa cực kỳ quan trọng thúc đẩy văn hóa và lịch sử nước nhà chuyển mình qua những khúc quanh đáng ghi nhớ” (Tiểu luận Bàn về văn hoá Huế của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm). 

Một vùng đất “Trời mây xanh nhạt màu hư ảo/ Đây xứ mơ màng, đây xứ thơ” với “hương dìu dịu, ý ngàn xưa” trong thi hứng đầu đời của Tố Hữu. Huế để lại trong ta những nỗi niềm vương vấn khó tả thành lời, chảy trong cuộc đời ta một dòng kí ức thanh tao len dần vào từng hơi thở, trên từng bước chân thưởng ngắm Hương giang. Đi qua mùa kí ức tinh khôi khi đến cố đô trầm mặc, ta đi qua từng giọt mùa xuân ngọt trong, yên lành của hôm nay - khi dòng sông Hương đã chỉ còn chảy vì tình huê với thành phố thương yêu của mình, bước qua những năm tháng chiến tranh gian khổ, tàn bạo đầy khắc khoải nặng lòng; dòng chảy của Hương giang lắng đọng trong mỗi người đọc, bởi nó đồng thời cũng chảy trong trang kí Hoàng Phủ Ngọc Tường hôm nay. 

02

“Hoàng Phủ Ngọc Tường là nhà văn gần như chỉ viết về một thể loại đó là bút ký. Ngòi bút của ông đã từng viết về nhiều vùng đất song người đọc vẫn ấn tượng nhất là những trang viết của ông về Huế. Chảy suốt đời văn và đời người của Hoàng Phủ Ngọc Tường có lẽ là dòng sông Hương nếu không có những trang viết của ông nó đã không long lanh như thế trong lòng bao nhiêu người đọc dù đã đến hay chưa đến Huế” (Văn Xưa).

03

“… cho dù trong những trang văn của ông, dấu chân lữ hành của ông đã lang thang qua sông Seine nước Pháp hay sông Volga nước Nga, đi suốt những dòng sông Việt từ sông Hồng, sông Đuống, sông Lô, đến dòng Hiền Lương, Thạch Hãn quê nhà hay yêu đến tận tụy dòng Thu Bồn xứ Quảng, sông Côn đất võ, những dòng sông phương Nam đầy nắng và phù sa… thì cuối cùng, với Hoàng Phủ Ngọc Tường vẫn là những yêu thương dành dụm cho lời tạ từ hôm nay: “Như một người đã chiêm nghiệm trong im lặng và trong sương khói chỉ để giữ lại những nét đẹp sâu thẳm của thiên nhiên, từ dưới đáy kinh nghiệm của một đời cầm bút, tôi đã không ngần ngại gửi tâm hồn mình vào tác phẩm, vẽ lại đời mình bằng màu nước của dòng sông, nó xanh biếc và yên tĩnh như một lẽ vĩnh hằng trong cảnh vật cố đô” (Văn Xưa).

04

“Một trong những ấn tượng nổi trội ở các tác phẩm ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường là tình yêu thiên nhiên, một tình yêu luôn luôn là bà đỡ để ông cảm thụ và đem lòng yêu từng chi tiết của mỗi mảnh đất cụ thể. Ông viết: “Nhiều lần thức giấc trong mùi hương rạo rực của ban đêm, tôi chợt phát hiện ra rằng Huế là một thành phố được dành cho cỏ”, và “Thật vậy, không nơi nào trên thế giới mà những công trình kiến trúc của con người lại mọc lên giữa cỏ hoang như ở Huế” (Miền cỏ thơm). Phải có hiểu biết và chiêm nghiệm sâu sắc mới có thể biểu tả thành cảm xúc như thế” (Cao Ngọc Thắng).

05

“Con người và thiên nhiên trong ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường quấn quýt và nâng đỡ nhau như hình với bóng. Bằng kiến văn của mình, ông chứng minh: trên nền tảng thiên nhiên ấy, trí tuệ và sức vóc con người Huế đã kiến tạo nên một vùng văn hoá Huế, mà thành phố Huế là nhân lõi, chứa đựng nhiều tầng, nhiều lớp đặc trưng của lịch sử hình thành và phát triển, vừa thống nhất với đặc điểm văn hoá dân tộc vừa mang những sắc thái riêng, độc đáo và thi vị. Ký ức của Hoàng Phủ Ngọc Tườngmang đầy đủ các yếu tố địa-sử-văn-triết và qua cách biểu cảm ông đã tạo nên những tác phẩm có chiều sâu văn hoá. Trong tư duy sáng tạo nghệ thuật, Hoàng Phủ Ngọc Tường thực sự coi trọng yếu tố địa lý, xem các thành tố của thiên nhiên là những thực thể, đưa chúng vào cùng vận động với sự chuyển biến của tác phẩm, chứ không chỉ “mượn” thiên nhiên nhằm làm “đẹp” tác phẩm như ở khá nhiều người viết khác. Đặc điểm này góp phần cấu thành nên phong cách ký Hoàng Phủ Ngọc Tường” (Cao Ngọc Thắng). 

Xem thêm: Cái "tôi" của Hoàng Phủ Ngọc Tường trong đoạn trích "Ai đã đặt tên cho dòng sông"