Trong ngôi chùa kia có người đệ tử không câu nệ, không chú ý đến các tình tiết và các chi tiết nhỏ trong đối nhân xử thế, tự nhận thấy rằng những tình tiết nhỏ ấy không quan trọng, không liên can và đáng kể gì.
Một ngày, vị thiền sư hỏi đệ tử của mình: “Con có biết mưa rào và mưa bụi, loại mưa nào sẽ dễ dàng làm ướt quần áo của chúng ta không?”
“Đương nhiên là mưa rào rồi ạ!” Người đệ tử nhanh nhảu đáp.
“Nhưng mà trong cuộc sống, dễ dàng làm ướt quần áo người ta lại là mưa bụi chứ lại không phải mưa rào đâu.” Vị thiền sư nói.
“Mưa rào hạt mưa nặng hạt, còn mưa bụi phất phất nhẹ bay, sao có thể dễ dàng làm ướt quần áo được ạ?” Người đệ tỏ vẻ khó hiểu.
“Bởi vì một khi nếu trời đổ mưa to, mọi người sẽ nhanh chóng cảnh giác hơn, người mang theo dù sẽ liền mở dù lên che mưa, người không mang theo dù sẽ liền trú mưa dưới những mái hiên. Nhưng nếu chỉ là mưa bụi, mọi người sẽ khó có cảm giác thấy ướt ngay, hoặc là có cảm thấy thì cũng không can chi, cho rằng chỉ lất phất vài hạt mưa nhỏ không đủ làm ướt quần áo, thế là họ cứ tự để mình đi trong mưa như thế, bất tri bất giác – như thể không hề hay biết, không hề cảm nhận thấy kẽ hở, cứ để hạt mưa lâm li thấm ướt hết cả quần áo".
Người đệ tử im lặng, đăm chiêu.
Vị thiền sư giảng: “Trong đối nhân xử thế, lời nói và cử chỉ của chúng ta ví như một cử chỉ của tay, một cái nhấc chân, một hành động biểu đạt tình cảm hay một câu nói…những điều này đều giống như hạt mưa bụi nhỏ bé kia, nhìn thì rất nhỏ, nhưng nếu không để tâm chú ý, không thận trọng cảnh giác sẽ trở thành sơ hở vô ý hay cố ý mà làm ướt ‘quần áo’ của người khác”, tổn thương và phương hại người khác, đồng thời cũng là nguyên do ‘ướt’ sang cuộc đời của chính mình, khiến cuộc đời của mình phải chịu tối mờ, nan khó và tổn thất”.
Người đệ tử cuối cùng đã thấu hiểu vì sao mưa bụi lại dễ dàng làm ướt được quần áo của mọi người, là bởi vì người ta đã buông lỏng cảnh giác đối với mưa bụi.
Cảm ngộ: “Vật dĩ thiện tiểu nhi bất vi, vật dĩ ác tiểu nhi vi chi” – Nghĩa là “Chớ thấy việc thiện nhỏ mà không làm, chớ thấy việc ác nhỏ mà phạm. “Vô lậu phương vi nhân sinh chi viên mãn” – đời người mà thực hiện tới được các phương đều vô lậu không rò rỉ, không kẽ hở ấy chính là đi đến cảnh giới của viên mãn.
Có một khoảng thời gian người đệ tử cảm thấy cuộc sống sao mà thống khổ, thậm chí phiền não. Vị thiền sư dẫn người đệ tử đến một mảnh đất rộng mênh mông bốn bề không gian khoáng đãng, rồi hỏi: “Con hãy ngước nhìn lên phía trên đầu con, con nhìn thấy gì nào?”. “Thiên không (Bầu trời)” Đệ tử đáp.
Vị thiền sư lại nói: “Bầu trời rất rộng lớn phải không? Nhưng ta lại có thể dùng một bàn tay che khuất được cả bầu trời đấy!”
Người đệ tử không nghĩ ra cách nào tin nổi. Chỉ nhìn theo vị thiền sư dùng một bàn tay và che kín lên hai mắt của đệ tử, rồi hỏi: “Con bây giờ có còn trông thấy bầu trời nữa không?”
Tiếp theo vị thiền sư hướng vào trọng điểm câu chuyện nói tiếp: “Trong cuộc sống, một chút thống khổ, một chút phiền não, một chút trở ngại cũng giống như bàn tay này, nhìn bàn tay thì thấy quả nhiên nó rất nhỏ, nhưng nếu không bỏ nó xuống, luôn cứ kéo nó lại gần mà nhìn, cứ mang nó đặt ở trước mắt mình, gác nó ở trong đầu và trong tâm tưởng, chính là sẽ giống như cái bàn tay này vậy, che khuất hết cả bầu trời thanh trong và quang đãng của chúng ta. Thế là, chúng ta sẽ bỏ lỡ mất ánh thái dương của cuộc đời, bỏ lỡ mất bầu trời màu xanh trong, lỡ nhịp những áng mây ngũ sắc cùng ráng mầu rực rỡ mỹ lệ.”
Người đệ tử cuối cùng đã hiểu rõ căn nguyên gốc rễ nỗi thống khổ của mình.
Cảm ngộ: Đau khổ hay vui vẻ đều là do tự mình lựa chọn.
Xem thêm: Người xưa nói "góc nhà trồng 3 cây hoa, không phú quý cũng phát tài": Đó là 3 cây hoa gì?