Phật giáo luôn khuyến khích mọi hình thức tu tập, miễn sao là hướng tới Phật và dựa vào những nguyên tắc cơ bản, không xa rời đạo lý cơ bản.
Nói về câu "thứ nhất tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa", nhiều người cho rằng đó là sự đề cao tu tại gia, sau đó mới đến 2 pháp tu còn lại. Nhưng đây là cách hiểu chỉ đúng một phần, còn chưa toàn diện, đầy đủ.
Cách sắp xếp này là thứ tự, cấp bậc tu hành tăng dần theo thời gian mới chính xác. Trước tiên tu tại gia, tự tu để hướng lòng tới Phật, tự nghiệm ra những điều thiếu sót ở bản thân và ngộ đạo, thấu hiểu Phật giáo theo cách của mình, thấm nhuần tư tưởng Phật.
Tiếp đến là “tu tại chợ”, tức là giao lưu, học hỏi, tiếp xúc xã hội để mở mang tầm hiểu biết, trao đổi đạo với những người khác và cọ sát thực tiễn. Đạo phải gắn với đời, vì đời mà hành thiện, vì nhân sinh mà tu tập, vì giải thoát chúng sinh mà cố gắng. Đó mới là cái đạo đích thực mà Phật giáo hướng tới. Ứng dụng những lý thuyết Phật dạy vào đời sống, tự đúc rút kinh nghiệm cho bản thân.
Cuối cùng là tu chùa, tìm đến nơi thanh tịnh, đến những vị chân tu học thuyết uyên bác để học hỏi. Bể học vô bờ, kinh sách nhà Phật như biển lớn, chỉ tự ngộ chắc chắn không thể hiểu hết, suy nghĩ nông cạn, cần có người chỉ điểm, hướng dẫn để ngày càng phát triển hơn.
Cũng có ý kiến cho rằng “Phật tại tâm, tu đâu cũng được”. Điều này hoàn toàn đúng, vì Phật ở trong lòng, ngoài chính tâm mình thì tìm đâu cũng không thấy Phật. Tượng Phật, chùa miếu chỉ là nơi để đại diện cho Phật mà thôi chứ không phải Phật. Nhưng nói thì dễ, làm mới khó, tu tại gia đâu có đơn giản. Tư liệu đồ sộ, Phật pháp vô biên, tự mình mênh mông bể sở cần biết bao công dày, thế mới cần phải tu tại chợ, tại chùa mà học hỏi, trao đổi, nâng cấp hiểu biết.
Câu nói trên thực chất chính là kết quả của những kinh nghiệm, của sự tiếp biến văn hóa của người Việt. Nó cũng phản ánh quá trình khổ luyện, trải qua nhiều giai đoạn và cần có sự phát triển khi tiến hành tu tập.