Nếu nỗi nhớ làm hình tượng sống dậy thì hình tượng làm cho nỗi nhớ có khối có hình. Cả hai thấm đượm trong nhau đem đến cho cho thi phẩm một sự sống thơ. Hình tượng người Tây Tiến ở đây là bức chân dung hòa chung của cả cái tôi Tây Tiến ẩn hiện đó đây cùng đoàn chiến binh Tây Tiến được khắc họa trong toàn bài.
Cảm nhận nghệ thuật, người ta cứ thích phân lập người với cảnh. Phân lập để khỏi lẫn, là nên. Nhưng cà tin vào phân lập, vô hình trung đang tách cá khỏi nước. Trong một chỉnh thể nghệ thuật, nhất là với thơ, cảnh và người nhị vị mà nhất thể. Không chỉ theo nghĩa quen mòn một chiều: cảnh là phông nền để tôn con người . Mà là quan hệ hai chiều máu thịt: cảnh xâm nhập vào người, người san mình vào cảnh. Cuộc gặp gỡ con người với cảnh vật nơi này là một mối lương duyên. Chất người Tây Tiến chỉ tỏa sáng khi cọ sát và tôi luyện trong thiên nhiên miền Tây. Và chốn rừng thiên nước độc kia chỉ thực sự thành trang thơ này khi in soi vào những tâm hồn Tây Tiến. Thậm chí, cảnh đã ấp vào nó dáng người, người đã pha vào mình nét cảnh. Tấy Tiến hào hùng và hào hoa là bởi miền Tây dữ dội và thơ mộng. Có thể nói cảnh miền Tây và người Tây Tiến là một cặp tương thân.
Gian nan bao giờ cũng được xem là ngọn lửa thử vàng đối với chí khí anh hùng. Chả thế mà có câu:"Lửa thử vàng, gian nan thử sức", lại có câu:"Lao xao sóng vỗ ngọn tùng/ Gian nan là nợ anh hùng phải vay" (Đào Tấn). Để làm bật lên chí khí anh hùng, văn chương xưa nay thường phải đặt nhân vật vào hoàn cảnh đặt thù là gian nan thử thách. Ở đây cũng thế. Vẻ kiêu hùng có lẽ là ấn tượng mạnh nhất mà quân Tây Tiến đã in vào tâm trí Quang Dũng. Họ là "Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng" (Chính Hữu) đã mang cái chí của nam nhi thời loạn, đã xếp bút nghiên ra sa trường. Gian nan chốn sa trường vừa là thách thức vừa là cơ hội để chất kiêu hùng Tây Tiến tỏa sáng. Dường như, mạch cấu tứ cũng dựa một phần vào sự tăng cấp của gian nan. Thiên nan vạn nan liên tiếp giăng ra hòng bẻ gãy ý chí của họ. Nhưng họ quyết đương đâu với và cứ lần lượt vượt qua. Nào những dãi dầu thân xác trong dằng dặc thời gian: "Anh bạn dãi dàu không bước nữa/ Gục lên súng mũ bỏ quên đời". Nào sự hiểm trở của lộ trình: "Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây súng ngưởi trời". Nào oai linh bí hiểm của rừng thiêng nước độc luôn uy hiếp tinh thần: "Chiều chiều oai linh thác gầm thét". Rồi sự rình rập của thú dữ:" Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người". Rồi sự hoành hành của dịch bệnh nơi lam sơn chứng khí làm sinh lực tiêu hao: "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc"... Trong hành trình của ý chí, thử thách cuối cùng, ngọn lửa thử vàng cuối cùng bao giờ cũng là cái chết. Không vượt qua nó, làm sao có thể kiêu hùng! Nhưng kể cả thử thách cam go nhất ấy, họ cũng vượt qua. Họ có thể chết, nhưng không khuất phục cái chết, trái lại, họ đón nhận đầy ngạo nghễ: "Áo bào thay chiếu anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành".
Hào hùng là nét nổi, nhưng hào hoa cũng không hẳn là nét chìm. Nói hào hoa là nói phẩm chất nghệ sĩ. Nó được nhìn nhận trong quan hệ con người với cái đẹp, gồm cả cái đẹp trong cuộc đời, trong thiên nhiên, và trong nghệ thuật. Một người hào hoa không thể thiếu sự nhạy cảm với cái đẹp, thái độ trân trọng cái đẹp và cư xử đẹp. Quân Tây Tiến trên bất cứ bước đường nào, dù gian truân đến đâu cũng không hờ hững với vẻ đẹp của tạo vật. Lúc nao lòng trước một thế núi kì vĩ:"Ngàn thước lên cao ngàn thước xuông", lúc lại phóng hết tầm mắt mà tận hưởng một bức tranh mông lung mờ ảo của họa sĩ thiên nhiên:"Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi". Đã là kẻ hào hoa thì sao có thể thiếu...hoa. Thế giới Tây Tiến vậy mà tràn ngập những hoa. Này là "Mường Lát hoa về trong đêm hơi", này là "Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa". Rồi thì "Hồn lau nẻo bến bờ", rồi thì "Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa"... Nhọc nhằn đến mấy học cũng không thể thiếu những đêm văn nghệ với tiếng khèn, điệu múa, nét nhạc, lời thơ,...Nhưng, đáng kể nhất vẫn là niềm quyến luyến với tình người, tình yêu. Ngày thì "Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói/ Mai Châu mùa em thơm nếp xôi". Đêm thì "Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm"...Còn gì có thể hào hoa và tình tứ hơn?
Sở hữu cả hai phẩm chất kiêu hùng và hào hoa, nghĩa là trong cốt cách có sự hài hòa giữa chí anh hùng và hồn nghệ sĩ. Thảo nào, người đọc vẫn xem người lính Tây Tiến là hình tượng lãng mạn, lí tưởng. Thơ viết về người lính thì vô vàn, nhưng trụ được qua thời gian như một tượng đài bằng ngôn từ thế này thì rất ít.
Xem thêm: Phân tích "sự hi sinh" trong Tây Tiến