NLXH: Con người cô đơn trong một hành tinh kết nối

"Con người đang sống những cuộc đời ngày càng cô đơn trong một hành tinh ngày một thêm tính kết nối".

NLXH: Con người cô đơn trong một hành tinh kết nối

"Con người đang sống những cuộc đời ngày càng cô đơn trong một hành tinh ngày một thêm tính kết nối".

Trong thời đại mà L.Friedman gọi là “thế giới phẳng”, không ai có thể phủ nhận sức ảnh hưởng của mạng xã hội có thể giúp con người thỏa mãn những nhu cầu trong cuộc sống hay kết thêm bạn bè và mở ra rất nhiều tiện ích. Nhưng đó cũng chính là nguyên nhân gây nên sự lạc lõng, bơ vơ của con người. Lớn, nhỏ ai cũng mong muốn sở hữu sản phẩm công nghệ tiên tiến. Thậm chí, việc ai đó không có điện thoại thông minh, không sử dụng mạng xã hội đã trở thành điều hiếm có giữa bao người hòa nhập nhanh chóng với thế giới hiện đại. Vì vậy, nhà sử học Israel, Yuval Noah Harari nói rằng: “Con người đang sống những cuộc đời ngày càng cô đơn trong một hành tinh ngày một thêm tính kết nối”.

Mạng xã hội như một trang web, một nền tảng hoặc một ứng dụng trực tuyến giúp dễ dàng “kết nối” mọi người từ nhiều nơi trên thế giới bằng nhiều cách thức và tính năng khác nhau. “Hành tin ngày một thêm tính kết nối” là phá vỡ mọi giới hạn và sự khác biệt về ngôn ngữ, khoảng cách địa lí, chủng tộc, giới tính... giúp con người dù ở xa nhau nhưng vẫn có thể sống hội nhập. Công nghệ là những sản phẩm do trí tuệ con người tạo ra cho thấy sự phát triển của nhân loại. Các thiết bị hiện đại sẽ giúp chúng ta giải quyết các vấn đề trong cuộc sống trên nhiều phương diện mà vì thế ta lạm dụng, dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội khiến con người mất đi cơ hội giao tiếp trực tiếp và dần trở nên “cô đơn” trong cuộc đời bởi những điều do con người sáng tạo nên. “Cô đơn” là một trạng thái cảm xúc đời thường của con người, là cảm giác một mình, bế tắc, lạc lõng và không được ai thấu hiểu, là khi ta cảm thấy vô vọng, mất phương hướng trong chuyến du hành của đời mình. Cô đơn không quan trọng việc ta có bao nhiêu bạn bè, bao nhiêu mối quan hệ bởi điều đáng sợ không phải là đứng một mình mà là giữa một biển người ta vẫn cảm thấy chỉ có một mình. Cụm từ “cô đơn” đang dần trở nên phổ biến trên toàn thế giới, ở mọi lứa tuổi. Hơn 40% người Anh xem tivi và thú cưng là niềm vui mỗi ngày. Người trẻ ở Hàn hiện nay có xu hướng sống độc thân, không muốn kết hôn bởi họ cho rằng cuộc sống chỉ cần có thể mua được những món hàng xa xỉ là đủ rồi. Câu nói của Harari chứa một nghích lí đến phi lí: Càng kết nối con người càng cô đơn. Cô đơn giờ đây không chỉ là một trạng thái tâm lí mà trở thành một bệnh lí của con người giữa thế giới ồn ã, đông đúc và tràn ngập kết nối. Câu nói như một điểm nhìn “ngược sáng”, chất vấn sự hiện diện của công nghệ và khả năng “kết nối” thực sự của nó trong cuộc sống hiện đại.

Nhà khoa học Baroness Susan Greenfield từng nhấn mạnh: “Chúng ta đang ngày càng ít giao tiếp mặt đối mặt hơn. Nếu chúng ta không trò chuyện với nhau sẽ rất khó để tạo lập sự cảm thông”. Điều gì sẽ xảy ra nếu con người sống mà không tìm thấy sự đồng điệu ở đời? Ta sẽ thấy cô đơn ở một thế giới ngày càng phát triển theo dòng chảy của thời gian còn ta thì cứ mái ở lại với những suy tư không thể giãi bày cùng ai. Có thể thấy, con người đang dần trở thành “nô lệ” của công nghệ. Kỉ nguyên số đã khẳng định vị thế của khoa học công nghệ. Mạng xã hội tạo nên những kết nối và tương tác dựa trên tốc độ nhanh, hướng tới sự tiện ích và dễ dàng sử dụng. Hơn thế nữa, chúng ta có thể kết nối với nhiều người bằng cách chia sẻ sở thích cá nhân, học vấn, hoạt động xã hội thông qua các nền tảng như Instagram, Facebook, Tiktok, Twitter... Ngày nay, mạng xã hội không đơn thuần là công cụ thể hiện dòng trạng thái cá nhân, hoặc giao tiếp mà nó cho phép chúng ta làm quen với người lạ ở các quốc gia khác. Nói như vậy thì chỉ cần một nút ấn addfriend Facebook, follow Instagram là đã có bạn. Chính sự thuận lợi của nhưng tính năng này, mọi tương tác, kết nối con người có được là nhờ theo chỉ dẫn khiến họ không cần nghĩ, không cần nỗ lực, không mất thời gian để có được một mối quan hệ. Liệu con người có đang bị lập trình và đánh mất kỹ năng làm người cơ bản hay không?

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, 2/3 người trong chúng ta phát hiện bản thân giống như thây ma sống sử dụng smartphone như một phản xạ mà thực sự không biết lí do tại sao. Điều đó đã dẫn đến việc ta có thể dễ dàng soạn những lời yêu thương và gửi đi cho người bạn trên mạng nhưng lại khó khăn để bắt chuyện với người ngồi ngay bên cạnh mình hay cảm thấy ngại ngùng khi nói những lời quan tâm tới bố mẹ, người thân. Vào năm 2022, hàng triệu người Hàn Quốc điêu đứng, cuộc sống đảo lộn khi siêu ứng dụng KakaoTalk gặp sự cố. KakaoTalk là siêu ứng dụng tại Hàn Quốc với khoảng 90% tổng dân số xứ kim chi sử dụng. Người Hàn thường dùng ứng dụng để nhắn tin, gọi đặt xe, xem bản đồ, chơi game, thanh toán... Ảnh hưởng bởi hỏa hoạn khiến KakaoTalk không thể hoạt động tỏng vài ngày. Người dùng không thể trả tiền cho các món hàng, khó đặt taxi theo thói quen, việc xem bản đồ cũng bị vô hiệu hóa... “Có cảm giác quay lại thời mạng 2G vậy” – một người dùng KakaoTalk viết trên Twitter, trong khi người khác còn thừa nhận “cảm thấy khó chịu và buồn hơn chúng ta ngày càng phụ thuộc quá nhiều vào những ứng dụng như KakaoTalk”. Chúng ta không thể phủ nhận những tiện ứng mà côn nghệ mang lại nhưng con người đang quá lạm dụng những thiết bị ấy và dần dần sẽ trở thành công nghệ điều khiển con người.

Hạt nhân cho sự tồn tại của mạng xã hội là sự kết nối phi giới hạn. Khi ta có một người bạn du học Pháp, ta vẫn có thể facetime, trò chuyện và tâm sự hằng ngày. Mạng xã hội trao cho con người quyền tự do để quyết định về mối quan hệ của mình. Gia nhập mạng xã hội ta không cần có bất cứ một ràng buộc hay trách nhiệm nào trong ấy. Họ lựa chọn tìm đến và rời đi một cách nhanh chóng. Nhưng một mối quan hệ như thế dễ khiến con người thấy bất an , tổn thương và sợ hãi. Một mối quan hệ chỉ có ý nghĩa khi nó được hình thành và duy trì dựa trên những cảm xúc và thái độ chân thành. Song điều này dường như chẳng còn thấy nhiều trên các phương tiện truyền thông xã hội hiện đại. Chẳng hạn như “phong tục” chúc mừng sinh nhật của giới trẻ ngày nay. Người ta chúc mừng sinh nhật nhau quá nhiều nhưng tất cả chỉ là những câu vô cùng hời hợt như “Snvv” (Sinh nhật vui vẻ), “Cmsn” (Chúc mừng sinh nhật), những lời nói vô hồn như một thông lệ người ta làm cho xong, cho có để đảm bảo sự tương tác của họ. Kết nối của mạng xã hội là một kết nối thiếu bền vững bởi những giao tiếp ảo. Mỗi ngày chúng ta có hơn 5 tỷ kết nối được duy trì, nhưng có bao nhiêu kết nối khiến cho con người cảm giác thực sự được kết nối với xã hội, hay nó chỉ củng cố thêm sự cô đơn của con người? Ta lại bắt gặp phải bản chất của cô đơn là những mối quan hệ thiếu chiều sâu, thiếu trách nhiệm và thiếu sự cam kết.

Con người đang dần mất phương hướng và không được lắng nghe giữa tiếng nói của đám đông. Bởi mạng xã hội xây dưng một hệ thống mà ở đó mọi riêng tư của con người đều được công khai và tiếng nói của đám đông là một tiếng nói thiếu kiểm duyệt, thiếu khoan dung. Để những tiếng nói ảo ấy lại đóng vai trò như những phán xét quyệt định cảm xúc và sự thật. Vụ việc một cô học sinh bên Nhật bị cưỡng hiếp tập thể, khi bị đăng lên mạng xã hội lại bị bảo rằng con gái mà đi với bảy thằng con trai như thế thì xứng đáng. Đó là những lời nói rất đau đớn. Cô ấy nói rằng cô đã bị cưỡng hiếp tới hai lần. Một lần ở Nhật Bản, và một lần ở trên mạng xã hội. Đám đông ấy sẵn sàng chà đạp lên tâm hồn, lên nỗi đau, lên quyền được sống như một con người chính đáng của người khác chỉ để kiếm tìm cho mình một phản ứng, một cảm xúc gì đấy hay nói đúng hơn là để thỏa mãn sự ích kỉ, để lấp đầy sự chán chường của mình. Từ đó, tiếng nói đám đông đã thao túng góc nhìn chúng ta về thế giới để biến nó trở thành khuôn mẫu nhưng con người là những tồn tại riêng biệt và đang cố gắng trở thành người khác. Điều này làm cho ta luôn tồn tại cô đơn nhất vì mất phương hướng và lạc lối. Thay vì được lắng nghe, mỗi điều chúng ta nói, mọi điều ta làm đều đang bị theo dõi, phán xét, đánh giá. Chúng ta sống trong một thế giới dư thừa kết nối nhưng vẫn khao khát sự đồng cảm và thấu hiểu. 

Mạng xã hội mang đến cho con người nhiều thông tin hữu ích nhưng con người lại lạm dụng nó để mất kết nối với cuộc đời thực. Các ứng dụng, nền tảng sinh ra để con người chia sẻ những trải nghiệm của mình với người khác. Nhưng có khi điều con người thực sự cần là công cụ kết nối với trải nghiệm của chính họ. Không ai có thể trả lời hộ ta những câu hỏi “tôi là ai?”, “tôi muốn gì?”... Ta phải tự đi tìm câu trả lời nếu không ta sẽ sống trong cuộc đời rỗng nghĩa và bỏ rơi chính mình. Bị kịch con người là bi kịch về sự đứt gãy của các mối quan hệ và những giá trị bền vững. Hiện nay, từ được tìm kiếm nhiều nhất chính là “chữa lành”. Vậy tại sao con người cần được “chữa lành”? Ai trong đời mà chả có những mảnh khuyết không hoàn hảo, ai mà chả có những lần đứt gãy trong mối quan hệ dù là mối quan hệ bạn bè, tình cảm hay gia đình. Tất cả chúng ta đều đang đi trên con đường khám phá, “chữa lành” cho chính mình và ngay khi mang trong mình những đứa trẻ tổn thương ta vẫn tiếp tục bước tiếp. Giới trẻ ngày này đang có hiện tượng sau khi vừa chia tay một mối quan hệ tình cảm, họ đã vội vã sử dụng các ứng dụng như Tinder, Limatch... để nhanh chóng tìm được người đồng hành mới, lấp đầy khoảng trống của những buồn bã. Có thể nói, họ tìm đến mạng xã hội để “chữa lành”, để được khỏa lấp nỗi buồn nhưng sự nhanh chóng ấy có lẽ lại khiến ta rơi vào các mối quan hệ thiếu bền vững và lại lần nữa trong tình trạng “đứt gãy”. Vậy chẳng phải con người đang lặp lại vòng tuần hoàn hay sao? Chúng ta không phải sử dụng công nghệ để tìm đến những mối quan hệ gấp gáp mà “chữa lành” tạm thời. Điều chúng ta cần là những lời đồng cảm, an ủi chân thành với mình. Có thể là lời an ủi từ người khác hay lời an ủi từ chính mình vì ít ra lúc đó chúng ta không cô đơn trong “hành tinh ngày một thêm tính kết nối” vì ta hiểu mình, ta dám chấp nhận sự yếu đuối của bản thân. Đó mới chính là “chữa lành” tâm hồn.

Cuộc đời trở nên có giá trị khi ta biết nỗ lực, cảm nhận và trân trọng những điều nhỏ bé bằng cách thay vì sống tốc độ, hãy sống lâu bền, sống vun đắp và có những tương tác thật với mọi người xung quanh. Hãy đem tình yêu tích cực với cuộc đời lan tỏa trên mạng xã hội. Công nghệ sẽ được nối dài khi nó giúp ta học cách quan tâm đến người khác một cách chân thành.

Xem thêm: 20 trích dẫn đáng đọc từ cuốn sách "Kafka bên bờ biển"