NLVH: Bình luận về ý kiến của Hoài Thanh
“Nếu như cảm hứng nhân bản nghiêng về đồng cảm với những khát vọng rất người của con người, cảm hứng nhân văn thiên về ngợi ca vẻ đẹp của của con người thì cảm hứng nhân đạo là cảm hứng bao trùm”.
ĐỀ BÀI:
Nhà phê bình văn học Hoài Thanh từng nhận định : “Nếu như cảm hứng nhân bản nghiêng về đồng cảm với những khát vọng rất người của con người, cảm hứng nhân văn thiên về ngợi ca vẻ đẹp của của con người thì cảm hứng nhân đạo là cảm hứng bao trùm”. Từ sự hiểu biết và trải nghiệm văn học của bản thân, anh/chị hãy bình luận về câu nói trên.
BÀI VIẾT:
Văn học ra đời là để phục vụ đời sống con người, văn học khiến con người biết yêu thương, trân quý đồng cảm với những cảnh ngộ không may mắn, những số phận bất hạnh và nhà văn chính là những người nghệ sĩ mang đến cho cuộc đời những trang văn sưởi ấm lòng người, khiến con người có niềm tin, hi vọng vào cuộc sống. Mỗi trang văn đều thấm đẫm chất hiện thực, những trải nghiệm của nhà văn với cuộc đời, con người, mỗi nhà văn đều mong muốn cống hiến tài năng và sức lực của mình để đem đến cho cuộc đời những bài viết hay, lay động thức tỉnh nhận thức của con người. Trải qua hàng trăm năm văn học là món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống của con người, người đọc muốn hiểu sâu, hiểu kĩ văn bản thì phải có vốn am hiểu tường tận, sâu sắc về sự biến chuyển của cuộc đời, và về sự thay đổi, vận động của con người. Trong văn học có những giá trị riêng bất biến, chính vì thế Hoài Thanh – một trong những nhà phê bình văn học nổi tiếng đã nhận định: “Nếu như cảm hứng nhân bản nghiêng về đồng cảm với những khát vọng rất người của con người, cảm hứng nhân văn thiên về ngợi ca vẻ đẹp của của con người thì cảm hứng nhân đạo là cảm hứng bao trùm”.Bởi vậy cảm hứng nhân bản, nhân văn, nhân đạo là những cảm hứng khiến cho tác phẩm văn học trở nên có giá trị và tồn tại mãi mãi giữa cuộc đời này.
Nhân đạo có nghĩa là yêu thương con người, ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của con người, trong đó bao trùm cảm hứng nhân bản và cảm hứng nhân văn. Con người luôn có hai phần, phần con và phần người hai phần này hòa hợp với nhau, thiếu một trong hai phần thì con người sẽ không tồn tại như một vật thể hoàn chỉnh. Sống giữa cuộc đời này con người luôn có những hoài bão, ước mơ, khát vọng cao đẹp, nhưng không phải lúc nào những khát vọng, ước mơ ấy được thực hiện một cách nhanh chóng mà phải trải một quá trình rèn luyện gian khổ, phải trải qua những thử thách gian nan của cuộc đời.
Một tác phẩm văn học chân chính không chỉ thiên về ngợi ca cảm hứng nhân bản đi sâu vào từng ngóc ngách, ngã rẽ đi vào bản chất của con người, mà còn phải bao hàm cảm hứng nhân văn đó là nâng niu trân trọng những khát vọng, những vẻ đẹp của con người, đồng thời tác phẩm đó nên hội tụ cả cả hai cảm hứng trên để tạo nên cảm hứng nhân đạo, bởi tác phẩm văn học không chỉ phản ánh hiện thực, là tấm gương soi rọi cuộc đời, soi chiếu hình ảnh con người mà tác phẩm đó phải: “phải chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình…Nó làm cho người gần người hơn.” (Nam Cao). Một tác phẩm văn học hoàn chỉnh phải chứa đựng cảm hứng nhân đạo đòi hỏi sự thấu hiểu, đồng cảm của tác giả với nhân vật trong tác phẩm của mình, đồng thời phải phản ánh được những biến chuyển của xã hội đương thời. Tác phẩm đó không chỉ ngợi ca, phát hiện những vẻ đẹp tiềm ẩn của con người, những góc khuất trong đời sống con người để độc giả thấu hiểu thêm nhân vật và thấu hiểm thêm chính mình. Tác phẩm chứa đựng tinh thần nhân đạo sẽ mãi mãi trường tồn cùng thời gian, cùng độc giả đem đến cho người đọc những trải nghiệm thú vị, những suy nghĩ sâu sắc về con người và cuộc đời, đồng thời khơi gợi lên những vẻ đẹp ở con người. Trong văn học Việt Nam có rất nhiều những tác phẩm tiêu biểu bao trùm cảm hứng nhân đạo.
Khi đọc những tác phẩm của Nam Cao người đọc không ngờ rằng, một xã hội hiện thực tăm tối như thế lại có thể tồn tại trên thế gian này, đó là xã hội cùng cực, bần cùng, bế tắc, khi mà con người không được sống là chính mình mà ngược lại phải gồng mình lên để đấu tranh với đời, để giành giật lấy sự sống và lương tri của chính mình. Những nhân vật của Nam Cao chủ yếu là những trí thức nghèo giàu hoài bão, khát vọng và ước mơ, và tầng lớp người nông dân nghèo bị tha hóa, bần cùng hóa trong xã hội.
Ta làm sao có thể quên được một Chí Phèo hiền lành như đất, với mong muốn nhỏ bé được có một gia đình chồng cuốc mướn vợ cày thuê sống một cuộc đời bình an, hạnh phúc, nhưng hoàn cảnh đưa đẩy, xã hội thối nát, Bá Kiến đã đẩy Chí vào con đường tù tội, khiến Chí Phèo tha hóa. Từ một anh canh điền hiền lành, trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại, con quỷ ấy, thường xuyên mắng chửi, cướp, đốt, phá hoại sự bình yên của xóm làng. Không ai ngờ rằng một con người lương thiện, lại có thể bị nhà tù thực dân nhào nặn trở thành mối đe dọa cho cuộc sống con người đến vậy. Những tưởng quãng thời gian sau này Chí Phèo sẽ sống một cuộc sống chìm trong rượu, chìm trong tiếng chửi rủa của làng xóm, nhưng không ngờ bằng niềm tin mãnh liệt vào tâm hồn của người nông dân, vào bản chất lương thiện của con người, Nam Cao đã đánh thức trong Chí Phèo khát vọng được làm người lương thiện, khát vọng được hòa nhập với cuộc sống của con người. Sự lương thiện ấy không phải tự dưng mà có, mà bằng bút lực dồi dào của mình, bằng tài quan sát tinh tường của một người nghệ sĩ tâm huyết với nghề, Nam Cao đã nhìn sâu vào bản chất của con người đánh thức trái tim đang ngủ yên của Chí Phèo bằng cách đưa Thị Nở vào trang viết của mình. Thị Nở xấu xấu đến ma chê quỷ hờn nhưng đằng sau vẻ xấu xí ấy lại là trái tim của một thiên thần, Thị Nở gặp Chí Phèo tại vườn chuối, và cuộc gặp gỡ ấy là cuộc gặp gỡ định mệnh đối với Chí. Chí Phèo vẫn là con người, mà là con người thì vẫn có những rung động rất riêng của mình, đêm tình tự với Thị Nở đã đánh thức trái tim yêu của Chí, trái tim ấy đến bây giờ trải qua những sóng gió, gập ghềnh của cuộc đời vẫn vẹn nguyên nhịp đập khi gặp đúng người, đúng thời điểm, và Nam Cao đã để cho thời điểm ấy diễn ra. Thị Nở bằng tình cảm hồn nhiên, chân chất của mình đã đánh thức con người bị lãng quên trong Chí Phèo, Thị Nở phát hiện đằng sau con quỷ dữ của làng Vũ Đại ấy là một tâm hồn yêu đương, một tâm hồn khát khao hoàn lương được trở về với cuộc đời. Tình yêu làm Chí Phèo trẻ lại, hồi sinh lại sau những tháng năm trần trụi giữa cuộc đời. Cảm hứng nhân bản bao trùm toàn bộ tác phẩm, Nam Cao khám phá con người sâu sắc qua những hình ảnh rất bình dị đời thường giữa Thị Nở và Chí Phèo. Cái đói, cái tuổi già cô quạnh, sự xa lánh của mọi người là những điều khiến Chí Phèo sợ hãi, Chí sợ một ngày mình sẽ cô đơn giữa cuộc đời này, chết mà không ai biết mặt đặt tên, và rồi chính Thị Nở đã thức tỉnh lương tri của Chí Phèo – điều mà Chí tưởng đã mất khi trải qua cuộc đời tăm tối ở nhà tù thực dân, khi hàng ngày phải chửi bới, tước đoạt, phá phách cuộc sống của người dân làng Vũ Đại.
Nam Cao vốn xuất thân từ gia đình nông dân nên hơn ai hết ông thấu hiểu bản chất lương thiện, dân dã rất đời, rất người của người nông dân. Bản chất của Chí Phèo không xấu nhưng do hoàn cảnh xô đẩy, do cái ác của con người nên Chí mới biến chất trở thành Qủy dữ làng Vũ Đại, bởi vậy Nam Cao mới xây dựng thêm nhân vật Thị Nở xấu ma chê quỷ hờn để cân xứng với Chí Phèo , đồng điệu với nhân vật này về tâm hồn, đồng thời là chiếc cầu nối dẫn dắt Chí đến với cuộc sống của bình dị của con người. Sự lương thiện của Chí Phèo được khơi gợi nên từ những hành động rất người, bắt đầu từ đêm tình tự với Thị Nở ở vườn chuối. Đêm ấy đánh dấu sự quay trở lại làm người của Chí, Nam Cao đã có cái nhìn rất nhân bản, đi sâu vào tâm khảm của con người, vì thấu hiểu con người nên nhà văn cũng có cách để gọi lại sự lương thiện quay trở về với nhân vật Chí Phèo. Tác phẩm Chí Phèo còn là tiếng nói tố cáo tội ác của xã hội thực dân phong kiến đã mục ruỗng, thối nát đẩy người nông dân vào con đường cùng khổ vào bế tắc và tuyệt vọng, tiếng nói của Nam Cao là tiếng nói đanh thép đánh vào chế độ thực dân phong kiến đang lộng hành khiến cho con người phải sống trong tuyệt vọng, đau đớn, tủi nhục.
Trong văn học trung đại Việt Nam có rất nhiều tác phẩm đề cập đến khát vọng, trân trọng giá trị con người. Điển hình có thể nhắc đến Truyện Kiều của Nguyễn Du, tác phẩm xoay quanh số phận hẩm hiu của nàng Kiều: Thanh y hai lượt thanh lâu hai lần, nhưng nàng vẫn có niềm mơ ước được sống cùng người mình yêu mến, được trải qua những thách thức của cuộc đời dành cho con người. Mối tình của Kim Trọng và Thúy Kiều là mối tình đẹp nhất trong văn học trung đại Việt Nam, đó là mối tình của trai tài, gái sắc nhưng cuộc tình ấy lại chấm dứt chóng vánh bởi biến cố gia đình, gia đình Kiều bị thằng bán tơ vu oan, cha và em trai của Kiều bị bắt bởi vậy Kiều phải bán mình chuộc cha và em , chính vì hoàn cảnh đó mà Kiều chấp nhận làm gái phong trần, gửi lại mối tình đẹp cho Thúy Vân, mong em mình trao duyên cùng Kim Trọng. Xét từ góc độ của xã hội chúng ta thấy Kiều là người con gái hiếu thuận với mẹ cha và làm tròn bổn phận của một người con, qua đó thấy Nguyễn Du đã dựng nên hình tượng nhân vật tài hoa, hiếu thuận. Nhưng cũng chính Nguyễn Du đã vạch trần xa hội mục nát đương thời đã vùi dập những kiếp tài hoa bạc mệnh. Kiều là một cô gái có số phận như vậy. Vì hoàn cảnh đưa đẩy, vì lòng người rối ren mà Kiều trở thành gái lầu xanh, ngày đêm tiếp khách với sự miễn cưỡng với niềm tuyệt vọng khôn cùng:
“Biết bao bướm lả ong lơi
Cuộc say đầy tháng trận cười suốt đêm.
Dập dìu lá gió cành chim
Sớm đưa Tống Ngọc tối tìm Trường Khanh
Khi tình rượu lúc tàn canh
Giật mình mình lại thương mình xót xa”
Là gái lầu xanh nhưng Kiều có tâm hồn có suy nghĩ riêng, Kiều không buông thả bản thân mà hoàn cảnh bắt buộc Kiều phải làm vậy, Nguyễn Du đã nhìn rất sâu vào tâm lý của Thúy Kiều để có nên những vần thơ làm lay động lòng người. Tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du thật bao la, tác giả xây dựng nhân vật Thúy Kiều nhằm để bày tỏ niềm xót thương của mình cho những kiếp tài hoa bạc mệnh, đồng thời tố cáo xã hội tàn bạo, phi nghĩa đã vùi dập không thương tiếc những con người tài năng, những tâm hồn cao đẹp.
Cùng với hình ảnh nàng Kiều, chúng ta có thể bắt gặp hình ảnh người chinh phụ trong tác phẩn Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn. Tác phẩm khắc họa hình ảnh người chinh phụ xinh đẹp, đang độ căng tràn sức sống nhưng phải xa chồng vì đất nước diễn ra chiến tranh. Đặng Trần Côn đã rất tinh tế khi miêu tả hình ảnh héo mòn của người chinh phụ có chồng ra trận. Thông thường chinh phụ sẽ vì chinh phu mà trang điểm, làm đẹp để làm chinh phu an lòng nhưng giờ đây nàng biết tô son điểm phấn cùng ai khi bốn bề xung quang nàng đều vắng vẻ đều cô quạnh:
“Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước
Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen
Ngoài rèm thước chẳng mách tin
Trong rèm, dường đã có đèn biết chăng?
Đèn có biết dường bằng chẳng biết,
Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi.
Buồn rầu nói chẳng nên lời
Hoa đèn kai với bóng người khá thương
… Hương gượng đốt hồn đà mê mải
Gương gượng soi lệ lại châu chan
Sắt cầm gượng gảy phím đàn
Dây uyên kinh đứt phím loan ngại chùng”
Ngay đến việc trang điểm thường ngày, người chinh phụ cũng chẳng màng đến vì người thưởng thức vẻ đẹp của nàng, chồng nàng đã ra chiến trận, có thể phải bỏ mạng ngoài sa trường. Đặng Trần Côn thấu hiểu tâm lý của người phụ nữ, nàng chỉ có khát khao duy nhất là chồng được trở về, đôi trẻ cùng sum họp tuy nhiên cuộc đời luôn tồn tại những chữ ngờ không thể lường trước được. Chinh phu chưa về, chinh phụ vẫn tiếp tục đợi chờ mòn mỏi. Tâm hồn nàng trở nên héo úa, khô cằn, đau đáu, da diết nhớ chồng nhưng nỗi lòng này chẳng biết tỏ tường cùng ai. Cảm hứng nhân đạo bao trùm toàn bộ bài thơ: đó là sự cảm thông, thương xót, thấu hiểu của tác giả về nỗi chờ đợi mỏi mòn người chồng chinh chiến trở về, đó là sự hoảng sợ của người phụ nữ khi nghĩ đến thảm kịch xấu nhất có thể xảy ra là chồng mình bỏ mạng nơi sa trường không ai đoái hoài quan tâm, đó là trái tim tự thương lấy bản thân mình phải sống trong cô đơn, vắng lặng giữa căn phòng trơ trọi không biết thấu tỏ cùng ai, đó là tiếng kêu xé lòng của người phụ nữ về một xã hội bất công tàn bạo đã chia rẽ tình cảm đôi lứa, tước đoạt hạnh phúc chính đáng của con người. Phải có tấm lòng thấu hiểu con người, phải nhanh nhẹn với thời cuộc thì Đặng Trần Côn bằng tài năng và nghệ thuật của mình mới có thể tạo nên những câu thơ xé lòng đến vậy khi đến với độc giả. Phải chẳng nhà thơ trân trọng ước mơ, khát vọng chính đáng của con người, trân trọng những cảm xúc sâu xa nhất của người phụ nữ xa chồng. Như vậy trong tác phẩm này không chỉ hội tụ cảm hứng nhân văn mà con thấm đẫm cảm hứng nhân đạo, tác giả trân trọng những biến chuyển trong tâm lý của người phụ nữ, đồng thời ngầm lên án tố cáo xã hội mục nát, thối rữa tước đoạt hạnh phúc của con người.
Nghề văn đòi hỏi phải có tâm và có tầm, đó là cái tâm của người cầm bút, nhìn sâu thấu hiểu bản chất vấn đề, đó là cái tầm của một nhà chiến lược để đưa đứa con tinh thần của mình tồn tại mãi với thời gian, được độc giả đón nhận. Bởi vậy khi một tác phẩm văn học ra đời độc giả băn khoăn tự hỏi liệu nhà văn này sẽ đem đến điều gì mới mẻ cho cuộc đời, cốt lõi sâu xa của tác phẩm văn học đó là trái tim nhân đạo của nhà văn: thấu hiểu con người, thấu hiểu cuộc đời, và khiến văn học trở nên bất tử với cuộc đời. Bởi vậy không phải ngẫu nhiên mà nhà phê bình Hoài Thanh đã nhận định: “Nếu như cảm hứng nhân bản nghiêng về đồng cảm với những khát vọng rất người của con người, cảm hứng nhân văn thiên về ngợi ca vẻ đẹp của của con người thì cảm hứng nhân đạo là cảm hứng bao trùm” . Tìm đọc những tác phẩm nổi tiếng, bất hủ cùng thời gian chúng ta sẽ thấy trong tác phẩm đó tồn tại những giá trị này.
Xem thêm: NLXH 200 chữ: "Chỉ có người ngốc nghếch mới tin rằng mình có thể giương cung được mãi"
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận