Nhận thức về tác dụng giáo dục thẩm mĩ của bài thơ Việt Bắc

Vẻ đẹp và những cảm xúc mà bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu (10 - 1954) đã đem lại những cúc cảm thẩm mĩ rung động và sâu sắc.

Nhận thức về tác dụng giáo dục thẩm mĩ của bài thơ Việt Bắc

Vẻ đẹp và những cảm xúc mà bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu (10 - 1954) đã đem lại những cúc cảm thẩm mĩ rung động và sâu sắc.

Văn học phản ánh cuộc sống bằng hình tượng nghệ thuật. Chính con đường độc đáo này đã tạo ra nhiều khoái cảm thẩm mĩ cho người đọc. Bởi thế, khi đọc bài thơ Việt Bắc, một trong những bài thơ hay nhất trong tập thơ Việt Bắc - bản anh hùng ca về cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta (1945-1954) - chúng ta dễ bị xúc động bởi vẻ đẹp của cảnh vật Việt Bắc, vẻ đẹp của tình nghĩa cách mạng, nhân dân thắm thiết... qua những vần thơ chân chất hồn dân tộc nhưng điêu luyện.

Tác phẩm văn học là một công trình nghệ thuật bằng ngôn ngữ. Trong công trình nghệ thuật ấy, toàn cảnh bức tranh xã hội đã dựng nên theo một quan điểm nghệ thuật nhất định của nhà văn. Thông qua hư cấu tưởng tượng, bức tranh trong đời thực, những cảnh sống thực và con người thực, được các thủ pháp nghệ thuật tạo ra những tác phẩm văn học lung linh, muôn màu muôn vẻ. Trong quá trình sáng tạo nghệ thuật ấy, người viết phải chọn lọc ngôn từ, trăn trở tìm ra những cách diễn đạt hiệu quả nhất, hay nhất, tạo ra được những hình ảnh mới lạ, những tứ thơ độc đáo, những cốt truyện hấp dẫn... không lặp lại ở các tác phẩm nào trước nó. Kết quả của những sáng tạo âm thầm ấy có thể đem lại cho người đọc sự thích thú thẩm mĩ khi đọc, tìm hiểu, đánh giá tác phẩm. Dĩ nhiên không phải sự dụng công sáng tạo nào cũng đem lại sự thích thú cho người đọc như mong muốn.

Vẻ đẹp và những cảm xúc mà bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu (10 - 1954) đã đem lại những cúc cảm thẩm mĩ rung động và sâu sắc. Bài thơ viết về cảnh vật và con người Việt Bắc với tất cả tinh tế và tài hoa của Tố Hữu. Như ta đã biết, trước cách mạng tháng Tám và trong kháng chiến chống Pháp, Việt Bắc là cái nôi cách mạng, là đầu não của cuộc kháng chiến. Giặc Pháp đã nhiều lần đem quân đánh chiếm, bao vây Việt Bắc. Quân và dân Việt Bắc đã lập nên bao chiến công lừng lẫy, bảo vệ được cách mạng... Sau chín năm kháng chiến, các cơ quan Đảng và Chính phủ về tiếp quản Hà Nội. Cuộc chia tay giữa các chiến sĩ cách mạng nặng tình với Việt Bắc và nhân dân Việt Bắc vốn gắn bó, cưu mang họ diễn ra vô cùng cảm động. Kẻ ở, người đi bịn rịn nhớ thương, hẹn ước... trong tin tưởng ước mong.

Nắm bắt được bản chất của sự vật, bằng những rung động chân thành và tài nghệ của “con chim đầu đàn thơ ca cách mạng”, Tố Hữu đã rung lên những cung bậc tình cảm thiết tha bồi hồi của người chiến sĩ cách mạng và những người dân Việt Bắc vào thời điểm lịch sử nói trên. Việt Bắc ngay từ lúc ra đời đã được đánh giá là một bài thơ hay, có tác dụng giáo dục thẩm mĩ sâu sắc.

Cái hay nhất của bài thơ Việt Bắc phải chăng là nhà thơ đã đề cập đến một vấn đề tư tưởng có ý nghĩa truyền thống, đó là lối sông tình nghĩa. Lối sống này ta có thể coi là một trong những nét son tươi đỏ trong nhân cách Việt Nam. Nó đã từng được nói tới trong ca dao:

- Chiều chiều ra đứng ngõ sau 

Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều.

- Anh đi anh nhớ quê nhà

Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương.

Đó là những tình cảm thiết tha và thắm thiết, mặn nồng tình mẫu tử, tình yêu nam nữ...

Ở bài Việt Bắc lối sống tình nghĩa đó được diễn tả trong những tình cảm bồi hồi hoài niệm, xôn xao hiện tại và xao xuyến tương lai cả người chiến sĩ cách mạng và người dân Việt Bắc. Người chiến sĩ cách mạng trở về với thành thị xa xôi liệu còn nhớ trăng lên đầu núi, liệu còn nhớ những ngày Miếng cơm chấm, muối, mối thù nặng vai, còn nhớ những người tảo tần nuôi dưỡng và hi sinh để bảo vệ mình lúc gian khó...? Nhớ - chưa đủ! Phải làm gì đế đền đáp công ơn tình nghĩa cho Việt Bắc?

Cái tha thiết của tình cảm và những câu hỏi đối đáp, có lúc như cùng đồng vọng làm một, tạo nên một tứ thơ tuy không lạ nhưng truyền cảm độc đáo. 

Những hình ảnh, những cảm xúc cách mạng được dồn nén trong một hình thức trữ tình đến bất ngờ: lối hát giao duyên nam nữ. Cách cấu tứ ấy gợi nên nhiều liên tưởng. Thật thú vị khi tình cảm người cách mạng và Việt Bắc, được ngầm so sánh với những tình cảm gắn bó, lưu luyến của nam nữ trong hát giao duyên. Tình yêu, tình cách mạng như lồng làm một.

Trong trí nhớ của người ra đi. Việt Bắc hiện lên thật đẹp. Cảnh Việt Bắc được Tố Hữu vẽ nên bằng những nét đặc trưng nhất: cảnh núi rừng gắn liền với sinh hoạt bình dị của người dân Việt Bắc. Có khi là bếp lửa nhà sàn bập bùng, tiếng chày cối nước giã gạo, có khi là những cảnh:

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng

Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang

Ve kêu rừng phách, đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình

Rừng thu trăng rọi hoà bình

Nhớ ai tiếng hát ăn tình thủy chung.

Đó là cảnh trong tâm tưởng. Vì thế, màu sắc âm thanh, thời gian và không gian như dồn nén làm một trong đoạn thơ. Cảnh luôn sóng đôi với con người lao động, làm nền cho con người được nhà thơ nhìn với tấm lòng yêu thương thắm thiết. Đó là những con người có tình, có nghĩa, san sẻ với cán bộ từng “miếng cơm chấm muối” từng “củ sắn lùi”, từng cái “chăn sui” khi đói rét, khó khăn từ những ngày đầu cách mạng và kháng chiến gian nan.

Việt Bắc gắn liền với những biểu tượng của cách mạng buổi ban đầu “Tân Trào, Hồng Thái, mái đỉnh cây đa” (thuở Việt Minh), gắn liền với sự trưởng thành của cách mạng trong kháng chiến:

Những đường Việt Bắc của ta

Đêm đêm rầm rập như là đất rung

Quân đi điệp diệp trùng trùng

Anh sao đầu súng bạn cùng mũ nan.

Và dĩ nhiên, Việt Bắc trở thành biểu tượng của cách mạng:

Ở đâu u ám quân thù

Nhìn lên Việt Bắc: Cụ Hồ sáng soi

Ở đâu đau đớn giống nòi

Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền.

Việt Bắc trong tưởng tượng và mơ ước thật lộng lẫy:

Ngày mai rộn rã sơn khê

Ngược xuôi tàu chạy bốn bề lưới giăng

Than Phấn Mễ, thiếc Cao Bằng

Phố phường như nấm như măng giữa trời. 

Và người Việt Bắc

Áo em thêu chỉ biếc hồng

Mùa xuân ngày hội lùng tùng thêm tươi.

Nội dung giàu tính thẩm mĩ nói trên được Tố Hữu thể hiện bằng một hình thức đậm đà bản sắc dân tộc. Học tập nhà thơ thiên tài Nguyễn Du, Tố Hữu vận dụng thể thơ và thi liệu dân gian thật sáng tạo. Những từ “mình”, “ta” trong ca dao dân ca xưa đi vào thơ Tố Hữu mang một màu sắc trữ tình mới. Nhiều thành ngữ như “nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn”, “mưa nguồn suối lũ”, “trám bùi để rụng, măng mai để già”,... được Tố Hữu tái tạo, đặt đúng vị trí và như được thổi vào một linh hồn mới. Nghe qua tưởng là thơ dân gian, nhưng đọc kĩ mới thấy nét riêng của hồn thơ Tố Hữu.

Tác dụng giáo dục thẩm mĩ còn nhờ ở giọng điệu tâm tình tha thiết. Giọng điệu tâm tình này bắt nguồn từ một tấm lòng chân tình khiến thơ dễ rung động lòng người, vốn là một chiến sĩ Cách mạng gắn bó với nhân dân, đặc biệt là nhân dân Việt Bắc trong kháng chiến chống Pháp, Tố Hữu bộc lộ nỗi nhớ niềm thương của mình lúc chia tay Việt Bắc. Tâm trạng của nhà thơ lúc ấy cũng là tâm trạng của bao chiến sĩ cách mạng khác. Cho nên tâm trạng trong Việt Bắc là tâm trạng điển hình, nhưng được thể hiện bằng một giọng điệu riêng. Cái “tôi” của cá nhân nhà thơ lúc thì hoá thành cái “ta”, cái “mình” vừa riêng tư, vừa mang dáng dấp chung.

Như vậy đọc Việt Bắc, em không chỉ cảm nhận được vẻ đẹp của Việt Bắc, của cuộc kháng chiến chống Pháp vĩ đại... mà còn cảm: nhận được vẻ đẹp tình nghĩa của người chiến sĩ cách mạng. Những cảm nhận ấy sâu sắc chính là nhờ giọng thơ Tố Hữu có sức lay động mạnh mẽ. Sức lay động này, ngoài tài năng, là sự chân tình.

Tóm lại, chức năng giáo dục thẩm mĩ là một trong những chức năng rất quan trọng của văn học nghệ thuật. Chính vì nhận thức được tầm quan trọng của chức năng này, các nhà văn nhà thơ đều nỗ lực phản ánh hiện thực cuộc sống thông qua “cái đẹp”. Tố Hữu đã ý thức sâu sắc được điều đó. Bởi vậy, thơ ca ông, trong đó có bài Việt Bắc có tác dụng giáo dục thẩm mĩ sâu sắc và tế nhị.

Ngày nay, do tiếp thu văn hoá nước ngoài thiếu chọn lọc và bừa bãi, nhiều tác phẩm trong và ngoài nước nhằm đáp ứng những thị hiếu thấp kém, việc coi trọng giáo dục thầm mĩ nhẹ hơn lợi nhuận. Điều đó rất nguy hiểm cho mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ.

(Nguồn: Thưởng thức sách)

Xem thêm: Phân tích khúc ca ra trận trong "Việt Bắc" của Tố Hữu