Từ trận sốt bại liệt năm 1 tuổi...
Mấy năm gần đây, người dân ở TP Long Xuyên (tỉnh An Giang) đã quen với hình ảnh một người phụ nữ bị liệt chân, hàng ngày bò khoảng 10km xung quanh các con đường trung tâm. Hai tay chị xỏ dép chống xuống mặt đường, đôi chân xiêu xẹo cố đi di chuyển thật nhanh như người bình thường. Trong khi đó, miệng cắn chặt thanh sắt kẹp vé số.
Nhiều người đi đường thấy thương, dừng lại hỏi: "Khuyết tật như này sao không ở nhà đi, bán vé số làm chi cho cực?". Chị nhẹ nhàng đáp, mình còn sức lao động nên không thể ngửa tay nhận tiền của người khác được.
Người phụ nữ sống đầy nghị lực đó là chị Huỳnh Thị Bích Tuyền (45 tuổi, quê Rạch Giá, Kiên Giang). Cả đời chị chưa bao giờ đứng thẳng nhưng cũng chưa bao giờ cảm thấy mình bất hạnh.
Theo VnExpress, chị Tuyền sinh ra trong hình hài bình thường như bao đứa trẻ khác. Nhưng trận sốt bại liệt năm một tuổi đã khiến đôi chân của chị teo tóp lại. Ba mẹ thương con đã chạy chữa khắp nơi nhưng đều vô vọng.
Năm chị lên 10 tuổi, gia đình đưa đến một thầy lang trong vùng xin chữa trị. Ở đó, chị gặp những đứa trẻ cụt chân, cụt tay, liệt toàn thân. "Lần đầu tiên trong đời tôi thấy mình may mắn vì ít ra vẫn có thể bò", chị nhớ lại.
Kể từ đó, chị Tuyền bắt đầu tập làm mọi thứ. Ba mẹ đi đồng, chị ở nhà cắn chặt quai của xô nước, bò ra sau hè tưới cây. "Nó cố gắng làm mọi thứ bằng miệng và tay", ông Huỳnh Văn Gõ, ba chị Tuyền, nhớ lại.
Học hết lớp 3 biết được mặt chữ, chị Tuyền nghỉ, tập tễnh bò theo ba đi cắt lúa. Mùa nước tràn đồng dâng lên ngang mặt, đôi tay chị vẫn thoăn thoắt cắt rồi thảy những bó lúa lớn lên xuồng. Hết mùa lúa, chị đi bán bánh mì cho những người nuôi vịt chạy đồng.
Nhờ có công việc này mà chị Tuyền được người đàn ông cùng ấp để ý, theo đuổi. Ban đầu, ba mẹ không đồng ý vì sợ con gái khuyết tật, khó kiếm người yêu thương thật lòng. Hàng xóm thấy thương chị nên giúp chị thuyết phục ba mẹ. Cuối cùng, ba mẹ xuôi lòng, chị lên xe hoa về nhà chồng năm 28 tuổi.
Về chung sống với gia đình chồng chị mới phát hiện, chồng không chung thủy, thường xuyên bỏ nhà đi với người phụ nữ khác. Cuộc hôn nhân đó kéo dài cho đến khi con gái thứ hai được 3 tháng tuổi.
Cận Tết năm 2010, chị Tuyền ôm con gái nhỏ đặt trên lưng bò khỏi nhà chồng: "Tôi không gọi cho ba mẹ. Hôn nhân là do mình chọn, có lỡ dỡ cũng tự mình chịu".
Ba mẹ con chị Tuyền đến thuê trọ tại TP Rạch Giá sống được vài tháng thì ba chị gọi. Các anh em đều lập gia đình, mẹ đi làm giúp việc, chỉ còn ba lủi thủi trong căn nhà nhỏ. Chị thương ba nên trở về và sống bằng nghề bán vé số ở huyện Tân Hiệp, Kiên Giang. Năm 2021, chị chuyển sang bán ở TP Long Xuyên, cách nhà 43 km.
... đến người phụ nữ bán vé số giàu nghị lực
Một ngày của chị Tuyền bắt đầu từ 7h sáng. Ông Gõ chở chị đến huyện Núi Sập (tỉnh An Giang, cách nhà 23km). Sau đó, chị tiếp tục đón xe bus hơn 40 phút để nhận 300 tờ vé số.
Chị Tuyền tâm sự, ban đầu cầm cọc vé số bán nhưng khách mua có nhiều người lén rút thêm hoặc tráo đổi nên chị phải kẹp vé trên thanh sắt dài khoảng 30cm để dễ kiểm tra. Những lúc di chuyển trên đường, chị phải cắt chặt thanh sắt khiến quai hàm mỏi và đau. Đó là lsy do mỗi ngày chị chỉ ăn hai bữa sáng và chiều.
Những ngày hè, mặt đường bỏng rát, đôi dép nhựa rất nhanh mòn, hai lớp bao tay rách khiến lòng bàn tay chị phổng rộp, rướm máu. Tình trạng àny cũng xảy ra ở chân cộng thêm việc đầu gối bị chai sần. Cứ khoảng ba tuần, chị phải vá bao tay một lần. Mùa mưa, ở đoạn đường ít có tán cây hay mái che, chị thường bị ướt sũng cả người phải chịu trận bán đến chiều.
Bà Thu Vân - chủ quán cà phê trên đường Hà Hoàng Hổ, TP Long Xuyên, nơi chị Tuyền bò qua mỗi ngày từng chứng kiến cảnh này. "Có lúc, nước rút không kịp, chẳng còn đường tránh, chị ấy lội qua luôn vũng sình", bà kể.
Theo bà Thu, điều đáng quý nhất ở chị Tuyền chính là tinh thần lạc quan và tự trọng. Chị Tuyền chỉ bán vé số chứ không bao giờ nhận bố thí. Cách đây vài tháng, bà Thu chứng kiến có người đàn ông lớn tuổi dừng xe ngỏ ý muốn cho tiền, chị Tuyền cảm ơn nhưng không nhận. Sau ba lần bị từ chối, ông biết ý chỉ mua vé số ủng hộ người phụ nữ khuyết tật.
"Chị ấy giải thích công việc của mình cũng bình thường như mọi người, chỉ khác người ta đi còn chị thì bò nên không có lý do để nhận sự giúp đỡ", bà Vân kể.
Chị Tuyền cho biết, khó khăn lớn nhất không phải là thời tiết mà đôi khi không thể bò để tránh nguy hiểm. Có lần chị đang di chuyển trên cầu thì bị đá vào lưng đau điếng. Chị xoay đầu lại thấy người thanh niên tinh thần đang không ổn định, miệng lẩm bẩm chửi rủa. Giữa trưa đường vắng, không biết kêu ai nên chị bò hết sức xuống cầu để chạy thoát. Nỗi sợ chưa kịp nguôi, tháng sau chị đang bò trên vỉa hè thì bị người đàn ông say rượu tông, mặt cắm vào nền đất gãy răng, máu túa ra.
Con gái đầu thấy chị trong bệnh viện đã khóc nức nở, xin nghỉ học đi làm để đỡ đần cho mẹ nhưng bị từ chối. "Nếu con nghỉ ngang, đời con sẽ lẩn quẩn trong cảnh thiếu trước hụt sau. Có vất vả đến đâu, mẹ cũng sẽ cố gắng", chị giải thích với con.
Bà Thúy Liễu, Chi hội trưởng Hội phụ nữ ấp Phú Hiệp, cũng từng chuyển các phần hỗ trợ như mì gói, gạo cho gia đình chị Tuyền. Theo bà, chị Tuyền khuyết tật, kinh tế gia đình khó khăn nên khá chăm chỉ, đều đặn bán vé số mỗi ngày.
Cách đây 5 năm, chị vay thêm tiền để xây căn nhà cấp 4 trên nền đất của ba mẹ. "Tôi cố gắng trả trong vài năm nữa. Hết nợ mẹ con sẽ sống nhẹ nhàng hơn", chị Tuyền chia sẻ.
"Tôi thấy vui hơn khi sống bình thường như mọi người", chị nói.
(Theo VnExpress)
Xem thêm: Nghị lực phi thường của nữ lao công chi chít sẹo bỏng trên người: Sáng gom rác, tối hát phòng trà